Nhân văn cộng sản

- Quảng Cáo -

Gần đây, nhiều quan chức trong hệ thống nhà nước Việt Nam dùng những từ ngữ nghe rất lạ tai trong những vụ việc hết sức trái ngược. Một trong những từ được dùng khá nhiều trong đó là từ “Nhân văn”.

Mới đây, chiều ngày 27-9, ông Quách Tất Liêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình trả lời báo Người Lao Động về việc xây dựng câu khẩu hiệu ở một quả đồi với 11 chữ, tiêu tốn hết 11 tỷ đồng tiền dân rằng: “việc xây dựng khẩu hiệu mang ý nghĩa giáo dục chính trị đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn, vừa tạo cảnh quan”

Câu nói này, một lần nữa gây những phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội.

Tượng đài, cổng chào, khẩu hiệu như nấm sau mưa

- Quảng Cáo -

Những năm gần đây, các địa phương, các cơ quan nhà nước thuộc tất cả các ngành, các cấp đua nhau lập dự án đầu tư từ mọi mặt như công nghệ, sản xuất, quy hoạch…  để rồi hàng loạt dự án trở thành những dự án ma, những dự án gây nguy hại hoặc các dự án chỉ nhằm một mục đích duy nhất là vẽ ra để lấy tiền ngân sách đút túi quan chức rồi vứt bỏ.

Những dự án hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đua nhau đắp chiếu, được lập nên từ những “nhà khoa học viễn tưởng” chuyên viết dự án trong các cơ quan nhà nước, để qua đó, đổ tiền dân đốt không thương xót đã dần dần lộ sáng là những điểm nhức nhối của xã hội.

Và đó cũng là những cái cớ, cái đích để cuộc “đốt lò” thanh trừng nội bộ lẫn nhau trong đảng sử dụng khi cuộc chiến phe nhóm ngày càng gay gắt và khốc liệt khi đến gần cái gọi là “Đại hội đảng” mà người dân cho rằng đó là những “sới vật” hết sức tàn bạo nhằm chiếm những chiếc ghế quyền lực, để rồi qua “quyền” thì đến “lợi.”.

Nhiều cá nhân, tập thể đã bị lôi ra trước vành móng ngựa để mếu máo khóc lóc xin xỏ và đảng vận đụng tất cả nhưng ưu tiên, ưu đãi thì vẫn cứ vào tù như chơi, đã làm nhiều cán bộ chuyên vẽ dự án và các địa phương phải giật mình.

Và người ta phát hiện ra một lĩnh vực hết sức dễ kiếm, dễ làm và dễ ăn: Đó là các tượng đài, các công trình kỷ niệm, các nhà văn hóa, các dự án về kinh doanh tâm linh, nghĩa là buôn thần bán thánh…

Đặc biệt, các dự án liên quan đến Hồ Chí Minh – một tấm bình phong mà đảng dựng lên, tô râu vẽ mũ cho đủ hình dáng nhằm để ma mị người dân Việt Nam u mê với bản chất cố hữu là thân phận phụ thuộc, nô lệ vào người khác mà không đủ tự tin ở chính mình – thì luôn được ưu tiên và thuộc hàng “miễn kiểm tra”.

Chính vì thế, các địa phương, các tỉnh, các huyện và xã cùng thi đua với trung ương xây dựng các công trình chào mừng, các tượng đài, các khẩu hiệu cờ hoa… đủ thứ.

Vài năm trước, bất chấp là một tỉnh nghèo đói triền miên, lịch sử của Tỉnh là lịch sử xin ngân sách cứu trợ, là lịch sử của những đợt kêu gọi cứu tế từ các tỉnh, các địa phương cho đồng bào các dân tộc ở trong tỉnh, Tỉnh Sơn La đã vung bút vẽ một dự án khổng lồ với số tiền 1.400 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh.

Dự án đã gây ra một cơn bão mạng về những lời phản ứng. Thế nhưng, phản ứng thì cứ phản ứng, việc lấy tiền dân đốt thoải mái làm vàng mã cúng Hồ Chí Minh thì không thể ai ngăn cản. Quyền trong tay đảng, súng trong tay đảng và tiền của dân trong tay đảng ai có thể cản ngăn?

Và qua đó, người ta mới thấy con số dự án đang mở ra khắp nơi nơi trên cả nước. Riêng tượng đài Hồ Chí Minh có đến 58 dự án đang được lập.

Như vậy, số tượng đài, quảng trường, nhà lưu niệm, nơi kỷ niệm, lăng tẩm, đền thờ… riêng Hồ Chí Minh là con số khổng lồ ở Việt Nam. Điều này, cứ mỗi lần nhắc đến, người la lại nhớ câu thơ Tố Hữu nịnh Hồ Chí Minh khi xưa trở thành một đối chứng hài hước:

Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Giờ đây, với Hồ Chí Minh, không chỉ có tượng đồng, mà còn là tượng đá, tượng gỗ không chỉ ở các lối mòn, các quảng trường mà còn len lỏi vào tận đền đình, chùa chiền, miếu mạo…

Rồi không chỉ tượng đài Hồ Chí Minh, là ăn theo những nhân vật như Hồ CHí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp… thì các nhân vật cộng sản khác cũng đua nhau xây lăng tẩm, miếu mạo, đền thờ khắp nơi. Đến như Trần Đại Quang sau khi chết bất đắc kỳ tử bởi virus lạ, cũng đã chiếm mấy ha đất vùng đất chật người đông thuộc Ninh Bình để làm lăng mộ.

Và không chỉ các nhân vật cộng sản, những tượng đài như Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, tượng đài chiến thắng, tượng đài kỷ niệm, thậm chí cả tượng đài căm thù… cũng đua nhau mọc khắp nơi trên đất nước.

Chẳng hạn, dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Khâm Đức do UBND huyện Phước Sơn, Quảng Nam thực hiện. Để xây dựng công trình rộng khoảng 10 ha này, một quả đồi rộng lớn đã được san phẳng. Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với đa phần là người dân tộc thiểu số, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, hiện có tỷ lệ hộ nghèo là 25,61%.

Và không chỉ tượng đài, những cổng chào, những khẩu hiệu ăn theo phong trào nịnh hót lại thi nhau mọc lên bằng tiền dân.

Báo Nhân dân của ngày Thứ Ba, 05/01/2016 đưa tin: Tỉnh Hòa Bình có mười huyện, một thành phố với tổng số 210 xã, phường, thị trấn, 2.068 thôn, bản. Trong đó có 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn nhất tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo bình quân 60,9%, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu, nhiều nơi chưa có. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người/năm (so với bình quân chung của tỉnh, mức sống này chỉ đạt từ 25 đến 30%). Nếu tính cả hộ cận nghèo thì tỷ lệ này là 84,94%, đặc biệt, thôn Kế, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc còn lên tới 95,6%; thậm chí thôn Thung Vòng, xã Do Nhân, huyện Tân Lạc có tới 100% số hộ nghèo và cận nghèo.

Theo quyết định số Số: 207/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của UBND Tỉnh Hòa Bình thì:

Chi ngân sách năm 2020 là 12.996,201 tỷ đồng. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.000.000 tỷ. Trong đó, thu nội địa 4.780,000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 220tỷ. Phần còn lại 7.996,201 tỷ đồng còn lại là phần ngân sách xin từ Trung ương và ngân sách thu vay.

Thế nhưng, UBND Tỉnh Hòa Bình vẫn quyết định xây dựng câu khẩu hiệu 11 chữ: “Đời đời nhớ ơn chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” trên đỉnh núi.

Số tiền chi cho câu khẩu hiệu này là gần 11 tỷ đồng, nghĩa là một chữ trong câu khẩu hiệu đó có giá là 1 tỷ đồng.

Nhân văn?

Nhân văn cộng sản ở chỗ nào? Đó là loại nhân văn gì? Không cần nói đến hàng hà sa số các tượng đài, khẩu hiệu, cổng chào khắp nước. Chỉ tính riêng hai dự án Sơn La và câu khẩu hiệu ở Hòa Bình liên quan đến Hồ Chí Minh, chúng ta thấy điều gì?

Con số 1.400 tỷ của tượng đài Sơn La, hẳn sẽ bị vùi lấp trong con số hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ khác bị vứt đi, bị tham nhũng trong các dự án khác ở các địa phương khác. Nhưng, nếu con số mà Tỉnh Sơn la báo cáo là có thực, với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt được 38 triệu đồng/năm, thì dự án này đã sử dụng số tiền bằng thu nhập của 37.000 người dân Sơn La trong một năm không ăn, không uống và không hề tiêu xài mới đủ nộp cho tỉnh xây tượng đài.

Và người dân cứ vậy chấp nhận cảnh người chết không có tiền đưa về quê phải chở bằng xe máy, trẻ em không có quần áo, không cơm ăn để đi học, trường sở không thể che ấm cho các em.

Chúng tôi đã đến Sơn La vào những ngày lạnh giá mùa đông, khi các em nhỏ tập trung nhau trong những ngôi nhà bốn bề toang hoác trên những ngọn đồi gió lộng. Bữa ăn của chúng là những món mèn mén bằng bột ngô đồ lên để cả mấy ngày đến mức mốc nấm đã mọc xanh lè một góc. Những cái gọi là điểm trường của các em bố bề không đủ che chắn gió lùa mùa đông, mỗi căn phòng như vậy chen chúc nhau 4 nhóm học thuộc bốn lớp khác nhau.

Và ngoài kia là tượng đài Hồ Chí Minh, đứng trơ gan cùng tuế nguyệt ngắm những em bé không quần áo, đói xanh người đang lả đi với day những bầu vú của những bà mẹ mặt mũi xanh xao và bầu sữa dường như chỉ có nước lã vì không có dinh dưỡng.

Vậy đó là một thứ “Nhân văn”?

Câu khẩu hiệu trên quả đồi của Tỉnh Hòa Bình, được xây dựng chỉ để nhằm ăn theo phong trào dựng bình phong Hồ Chí Minh, nhằm ru ngủ những người dân Hòa Bình và khắp nơi cũng là một sự “nhân văn”?

Trước hết, cần nói rằng đây là một câu khẩu hiệu hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí theo đúng ngôn ngữ Tiếng Việt thì đây là một câu khẩu hiệu hết sức vớ vẩn chẳng có chút nào giá trị.

Người ta sẽ hỏi nhau rằng: Ai sẽ nhớ ơn Hồ Chí Minh? Đời đời sẽ nhớ ơn Hồ Chí Minh chăng? Vậy thì “Đời đời” là thằng con nào?

Đó là chưa nói rằng, nếu xét đúng mọi giá trị, mọi góc nhìn, thì cần xem lại Hồ Chí Minh đã đưa được những gì về cho đât nước, dân tộc Việt Nam ngoài thứ chủ nghĩa Cộng sản quái gở và khốn nạn làm băng hoại và tiêu tan đất nước.

Chưa cần nói giá trị thật của nó là bao nhiêu và quan chức đút túi số tiền bao nhiêu, nhưng, chỉ theo dự toán thì số tiền Tỉnh Hòa Bình dùng làm câu khẩu hiệu vô nghĩa trên đỉnh núi kia, được rút từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền dân. Số tiền để làm câu khẩu hiệu này là số tiền thu nhập của 2.500 người dân Tỉnh Hòa Bình trong một năm lao động cực nhọc trên núi rừng Tây Bắc không chi tiêu, ăn uống mất đồng nào mới đủ.

Và như vậy là nhân văn?

Chợt nhớ, trong vụ án Đồng Tâm mới đây. Khi mà bỗng dưng một ngôi làng đang bình yên trong giấc ngủ, bị hàng ngàn quân công an, thiết bị, bom mìn súng đạn và chó nghiệp vụ tấn công tiêu diệt cả làng. Công an bắn người già ngay trong phòng ngủ và lôi đi mấy chục con người nhằm trả thù việc họ không chịu chấp nhận cho quan chức cướp đất kiếm lợi mà đòi hành xử theo luật pháp. Nhà cầm quyền Hà Nội dù đã hứa hẹn bằng giấy trắng mực đen rõ ràng việc giải quyết quyền lợi cho họ.

Thế rồi trở mặt quay lại biến nạn nhân thành thủ phạm để kêu án giết tiếp dân lành, thì hệ thống báo chí và quan chức cộng sản vẫn kêu rằng đó là “Phiên tòa nhân văn”.

Có lẽ nói đến từ “nhân văn” này, người ta lại thấy cần nhắc lại những sự kiện khác của người cộng sản trong quá khứ đối với dân tộc này, đất nước và nhân dân Việt Nam qua những tội ác họ đã gây ra.

Họ coi những cuộc đấu tố, giết người cướp của hàng loạt người được coi là “địa chủ” trong Cải cách ruộng đất”. Rồi sau đó, Hồ Chí Minh chỉ rút chiếc khăn mùi soa chấm chấm nước mắt là “nhân văn”.

Họ coi việc đưa hàng triệu con người, hàng chục vạn binh lính Bắc Việt vào một vùng lãnh thổ, một quốc gia được Liên hợp Quốc công nhận để tiến hành phá bỏ Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và Hiệp định Paris 1973 nhằm tiêu diệt một nhà nước do dân bầu ra, cướp, giết mọi thứ mà người dân Miền Nam đã bao năm xây dựng. Đó là một việc “nhân văn”.

Và ngày nay, khi đảng trở mặt đối với người dân, cướp đất cướp nhà, dâng lãnh thổ cho giặc là bạn vàng của đảng, bỏ tù những người dám cất tiếng nói của mình cho đất nước, cho dân tộc, cho đồng bào mình, thì đó là những việc “nhân văn”.

Nếu cái “nhân văn” cộng sản được nhân rộng, được sử dụng thường xuyên, thì dân tộc này, đất nước này sẽ đi về đâu?

Câu trả lời không khó tìm trong thực tế Việt Nam ngày nay.

Ngày 05/10/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here