Gió Bấc – RFA
Nhìn lại kỷ niệm 40 năm Trung Quốc Xâm lược Việt Nam
Tiến trình vong nô vẫn đang tiến triển
Trong đợt kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến trên RFA tôi đã có bài ‘Rụt rè kỷ niệm chiến tranh biên giới Tây Nam, còn chiến tranh phía Bắc thì sao?” Bài viết đặt câu hỏi đồng thời cũng suy đoán trước kết quả cũng sẽ là cuộc kỷ niệm lấp liếm tẹp nhẹp. Trước hiện tượng báo chí quốc doanh hát đồng ca kỷ niệm một số người ngây thơ hy vọng hay tin tưởng rằng đảng cộng sản VN đã thay đổi nhận thức, đã có tín hiệu lạc quan. Đến nay, sau cao điểm 17-2 toàn bộ mọi hoạt động kỷ niệm đã diễn ra, thực tế cho thấy đây chỉ là môt phân cảnh hài trong bi kịch dài của tiến trình vong nô của đất nước.
Cuộc xâm lăng không tiếng súng
Ông Nguyễn Cơ Thạnh đã từng tiên tri về Hội nghị Thành Đô “Một thời kỳ bắc thuộc mới đã bắt đầu. Kết quả của Hội nghị Thành Đô không phải là tái lập hòa bình cho hai nước mà khởi đầu cho cuộc xâm lăng không tiếng súng của Trung Quốc đươc đảng và nhà nước cộng sản VN tận tụy, chu đáo thi hành.”
Hơn 30 năm sau hội nghị Thành Đô, đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ nguyên tinh thần khiếp nhược, sự thần phục trung thành với mẫu quốc chừng như ngày một tăng cao và tinh vi hơn, đa dạng hơn. Bắt đầu sự lệ thuộc vào Trung Quốc chỉ thể hiện trên quan điểm chính trị, ngoại giao nhưng tiếp sau triều đại của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng vòng kim cô ’16 chữ vàng và 4 tốt’ ngày thít chặt vào mọi lĩnh vực. Về kinh tế, những dự án, công trình trọng điểm, tài nguyên khoáng sản đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc và đa phần thua lỗ, gây ô nhiểm. Hàng hóa chất lượng kém, đôc hại của Trung Quốc ùa vào giết chết công nghiệp nhỏ bé của VN và hút cạn nguồn ngoại tệ ít ỏi thặng dư nhờ xuất vào thị trường Mỹ và Châu Âu. Về địa chính trị, những vùng đất chiến lược của đất nước từ Vân Đồn, Vũng Áng, Tây Nguyên, Đà Nẵng, Bình Thuận đến tận Cà Mau đều nằm trong tầm tay, tầm mắt và có sẵn người Trung Quốc. Các chính sách đối nội từ quan hệ trong đảng đến hoạt động chính quyền, tư pháp đều là bản sao theo cây gậy chỉ huy của Trung Quốc. Trung Quốc biến biển Đông thành ao nhà, xây căn cứ, áp chế các đối tác khai thác dầu với VN phải bỏ cuộc, tàn sát ngư dân chủ quyền lãnh thổ, sinh mạng người dân bị xâm hại chính quyền không có giải pháp nào khác hơn bài ca quan ngại. Phillipin thắng kiện mở ra tiên lệ bằng vàng cho giải pháp xác lập chủ quyền biển Đông bằng phương pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, VN vẫn co vòi không phản ứng.
Sâu độc hơn nữa sự nô dịch về tư tưởng từ nhóm quyền lực cao nhất của chế độ về tư tưởng. Tiếp sau việc sửa đổi Hiến Pháp 1980 xóa bỏ lời xác định “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm” cuộc chiến chống PônPôt xâm phạm ở phía Nam và Trung Quốc xâm lược phía Bắc bị lấy ra khỏi sách giáo khoa, các nhà xuất bản in sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình tên đồ tể chủ trương tàn phá, tàn sát 6 tỉnh biên giới phía Bắc, xuất bản sách Ma Biên Giới của Mạc Ngôn ca ngợi những tên lính Trung Quốc trực tiếp gây tội ác với VN. Phía TQ tha hồ tung tài liệu tuyên truyền sai lệch về các cuộc chiến, vu cho Việt Nam xâm lược, rầm rộ tổ chức kỷ niệm, biểu dương các cựu chiến binh thì ở VN nói đến các cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc từ Hoàng Sa, biên giới phía Bắc, Gạc Ma… đã thành điều cấm kỵ,
Truyền thông bị bóp nghẹt không được nhắc đến tội ác Trung Quốc. Bia tưởng niệm bị đục, mọi hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm các liệt sĩ anh hùng bị đàn áp dã man….
Gần 30 năm qua, tiến trình xâm lược và mãi quốc được tiến hành hoàn toàn xuôi thuận nhờ sự trung thành của quân đội, công an. Những tiếng nói phản tỉnh bị bóp chết ngay trong trứng nước. Tướng lĩnh đương thời như Giang Văn Long phải về hưu trước tuổi vì công khai tố cáo âm mưu Trung Quốc. Ông Lê Hiếu Đằng, một chiến sĩ cách mạng chống Mỹ ngay trong đô thị Miền Nam đã phẫn uất ly khai khỏi đảng sau khi bị trấn áp vì biểu tình chống Trung Quốc.
Kỷ niệm vệ quốc mà không biết kẻ xâm lược nào?
Thoạt nhìn người ta cứ ngỡ đảng nới tay cho các phương tiện truyền thông mở miệng nhắc về cuộc chiến, đàn gà báo chí quốc doanh rộ lên tiếng gáy yêu nước, nhắc lại lịch sử chiến tranh …700 tờ báo quốc doanh đồng loạt rộ lên những tin bài kỷ niệm 40 năm cuộc chiến không có bài viết nào nêu chính xác kẻ thù đã đưa quân xâm lược nước ta trong cuộc chiến ấy là nhà cầm quyền Trung Quốc. Chữ Trung Quốc là từ ngữ cấm kỵ trong tất cả các bài viết. Tên cuộc chiến được viết một cách gọn lỏn, què cụt là “cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc”. Một tờ báo trong 700 tờ sai sót là chuyện bình thường, 100/700 sai là mất bình thường nhưng có thể chấp nhận được, sai trong một ngày, một lần cũng có thể xảy ra nhưng hơn 700 tờ báo đều kỷ niệm một cuộc chiến chống ngoại xâm mà không nói ra được tên kẻ xâm lược thì đích thị là phải có chủ trương, chỉ đạo. Màn kịch này chỉ có thể che mắt một ít người ngây thơ và là khúc xương cho các dư luận viên tung hứng nhưng không che mắt được cộng đồng mạng. MC Phan Anh đã bức xúc bộc lộ trên fb.
NHỤC như vậy mà cũng chịu được sao???
Không tin ở tai mình, tôi đã phải chờ để vào VTV Go xem lại bản tin Thời sự 19h tối nay. Một thời lượng hơn 9 phút dành cho Kỷ niệm 40 năm Chiến tranh Bảo vệ biên giới phía Bắc – chống quân Trung Quốc xâm lược.
NHƯNG không một lần nào từ Trung Quốc được nhắc tới mà chỉ là “đối phương”, “lính bên kia biên giới”..
TRỜI ƠI, 40 năm đã trôi qua chẳng nhẽ người ta vẫn không xác định được đối tượng đã XÂM LƯỢC, GIẾT HẠI DÃ MAN ĐỒNG BÀO TA.. là thuộc nước LẠ nào ư??? Họ tôn vinh chiến thắng này là “thiên sử hào hùng”, “bất khuất”, “vĩ đại”.. của quân dân Việt Nam nhưng lại không dám nói thẳng tên kẻ – ai – cũng – biết – là – ai – đó???
Vâng! Chúng ta đã chiến thắng thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ và “đối phương, bên kia biên giới” phía Bắc.
Học Sử chưa đủ, hãy học giỏi Địa lý nhé! [1]
Đương chức cấm khẩu, cựu Chủ Tịch nước ậm ừ!
Bằng chứng đáng thuyết phục hơn nữa là trong đợt kỷ niêm sự kiện lịch sử hết sức quan trọng này thì ngoài truyền thông, báo chí không có cơ quan nhà nước hay tổ chức chính trị nào làm lễ kỷ niệm. Không một cán bộ lãnh đạo nào lên tiếng nói về ý nghĩa, bài học lịch sử của cuộc chiến như họ vẫn hãnh diện, hăng hái phát biểu vào các ngày 23/9, 7/5, 30/4 kỷ niệm kháng Pháp, kháng Mỹ. Quý vị lãnh đạo lại đột nhiên cấm khẩu dành quyền yêu nước cho báo chí.
Người duy nhất đi thăm vùng chiến sự Vị Xuyên, thắp hương và viết lời tri ân anh hùng liệt sĩ là ông chủ tịch nước về hưu Trương Tấn Sang. Công bằng mà nói, ngay thời đương chức, ông Sang đã từng đến thăm thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhưng cũng công bằng ghi nhận rằng, chính ông Sang cũng tự kiểm duyệt chính mình không dám viết hai từ Trung Quốc. Nguyên văn lời tri ân của ông Sang như sau: “Ngày 17 tháng 2 năm 2019. Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Đảng, Tổ quốc, Nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ biên cương Tổ quốc trong giai đoạn tháng 2-1979 ở biên giới phía Bắc và kéo dài cả 10 năm ròng rã; đầy hy sinh nhưng cũng đầy khí phách Việt Nam! Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí!”. {2}
Người ta có thể thông cảm được vì cần duy trì quyền cai trị, quý lãnh đạo đang cộng sản VN trung thành kiên định, theo lễ của thuộc quốc không mạo phạm đến thiên triều nhưng điều đáng căm phẫn ở đây là họ tận tụy, chu đáo mãi quốc cầu vinh đến chi ly. Dùng quyền lực, sức mạnh của công an, bóp nghẹ ý chí, tinh thần yêu nước của người dân trong dịp kỷ niệm này. Các tổ chức, cá nhân từng tham gia biểu tình hoặc có biểu hiện chống Trung Quốc đã bị giám sát chặt chẽ. Nhiều nhà dân chủ, người đấu tranh từ nam chí bắc đã bị tình trạng này. Luật sư Lê Công Định đã viết trên fb “Canh nhà, chặn đường, bắt người để ngăn cản buổi lễ tưởng niệm ngày giặc Cộng xâm lăng nước Việt 40 năm trước đã khiến toàn bộ vở diễn than khóc lâm ly của báo đản về sự kiện này mấy ngày qua đã hạ màn trong nhục nhã trước nụ cười khẩy của cả thiên hạ.
Báo đản cuối cùng vẫn là … bán đảo” {3}
Tận trung với giặc báng bổ Tiền nhân
Đạo diễn của màn kịch kỷ niệm giả, đàn áp thật này đã huy động sức mạnh toàn đảng, cả hệ thống chính tri để thi hành. Mạng xã hội đã loan truyền văn bản của mật Đảng ủy khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo về việc tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trong ngày 17/2/2019 {hình 1}. Một đảng bộ chuyên ngành nông nghiệp lại tham gia vào hoạt động này đương nhiên là các đảng bộ khác không thể đứng ngoài. Tội nghiệp cho người dân Việt phải còng lưng đóng thuế nuôi bộ máy cầm quyền để họ có đủ thế lực phương tiện điều kiện đàn áp, bóp ngẹt quyền yêu nước của người dân để giới lãnh đạo chóp bu hể hả báo công cho ngoại bang.
Chính sự tàn nhẫn đến ti tiện, sự hèn nhược chi ly với giặc họ thản nhiên xúc phạm đến danh nhân anh hùng dân tộc, cưỡng chế di dời cái lư hương trước tượng đức Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh. Những lời lẽ trá ngụy của bà Bí thư quận 1 không thể nào che lấp được động cơ đê hèn. Hành vi vô đạo trong ngày kỷ niệm thiêng liêng ấy sẽ mãi mãi được ghi nhớ và hồn thiêng sông núi sẽ không quên tội lỗi tày trời của họ. Cái chết trẻ của bà Nguyễn Thị Thu, Phó CT UBND TP.HCM dù là do bệnh ung thư nhiều ngày trước đó nhưng vẫn được nhiều người cho rằng đây là sự báo ứng của Đức Thánh Trần. Niềm tin trên có thể đúng, có thể sai nhưng điều quan trọng nó thể hiện tình cảm, ý chí của người dân.
Bà Nguyễn Thế Thanh, (nguyên Tổng Biên Tập báo Phụ Nữ TP.HCM, là con gái của đại tá Anh Hùng LLVT Nguyễn Thế Truyền nổi tiếng với các trận Đồng Xoài – Bình Giả) cũng đã có ý kiến phân tích “Tất cả các tượng Đức Thánh Trần trên đất nước mình đều có lư hương đặt trước tượng để những người đến chiêm bái có thể thắp hương – một nghi thức tưởng nhớ theo truyền thống dân tộc, cũng có thể xem như thay cho một cành hoa bày tỏ lòng kính trọng theo cách mà người dân ở nhiều quốc gia khác thường làm. Chính vì thế, việc di dời lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đi nơi khác, cho dù nơi đó là một ngôi đền, với lý do vì mỹ quan đô thị đã trở thành một việc làm không thể nào hiểu nổi, không thể nào chịu nổi ! Hành xử thiếu thận trọng liên quan đến một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất cho tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm chống Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta (17/2/1979), đáng trách đã đành, nhưng đáng trách vì cái gì đây: yếu kém ? Không. Hơn thế nữa.” {4}
Phối hợp với cựu thù viết sách giáo khoa.
Điều nguy hiểm độc địa hơn nữa là ý đồ nhồi nhét nô dịch thế hệ trẻ bằng chương trình lịch sử trong sách giáo khoa. Sau Hội nghị Thành Đô, cuộc chiến tranh chống Trung Quốc trong chương trình phổ thông được rút gọn trong 11 dòng. Gần đây, trước sức ép của dư luận và nhiều yếu tố khác, nhà cầm quyền VN cho viết lại lịch sử và biên soạn lại sách giáo khoa theo tinh thần sẽ nói nhiều hơn về các cuôc chiến này. Thế nhưng đằng sau đó là âm mưu sửa lại sách giáo khoa theo hướng bênh vực, lấp liếm cho tội phạm Trung Quốc. Giáo sư sử học Phạm Hồng Tụng là Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn hé ra ý tưởng mới là hợp tác với Trung Quốc để soạn sách giáo khoa lịch sử. Đây là âm mưu nô dịch lâu dài. Nhà báo Như Phong đã đề nghị “Tống cổ ông này ra khỏi đội ngũ các nhà sử học ngay!”. Trên fb ông Như Phong đã viết: “Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung trả lời trên Vietnamnet về chương trình dạy sử cho học sinh và có nói về dạy lịch sử cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc tháng 2 năm 1979 như thế nào.
Và điều khiến tôi kinh hoàng là ông này lại có quan điểm , đại ý là ” các nhà sử học Việt Nam và TQ nên ngồi lại với nhau…bàn bạc thống nhất quan điểm , nội dung … rồi hãy đưa vào trường dạy…” Và coi đó là việc làm có ” hòa giải” giữa hai dân tộc.!
Quả là một luận điệu bậy bạ hết sức, và ông này, có lẽ được ăn lương Tàu thì phải…
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2 năm 1979 ở biên giới phía Bắc là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của TQ – mặc dù Đặng Tiểu Bình luôn rêu rao là “cuộc chiến hạn chế” nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thiết tưởng tính phi nghĩa của TQ trong cuộc xâm lược này là điều không cần phải bàn cãi, và tội ác của quân TQ xâm lược với mảnh đất biên cương là quá tàn bạo, phi nhân tính…
Ấy vậy mà giờ đây ông “thầy giáo” này lại muốn “bàn bạc thống nhất với giới sử học TQ…” rồi mới dạy cho con trẻ thế nào?
Đây đích thị là một thằng phản động.
Tôi rất mong học sinh của trường ĐH KHXHNV có thái độ với ông này… Và không để cho ông ta đứng trên bục giảng… Còn ông Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD… Nếu ông không bị “Câm-Điếc”, thì cũng mong phải có chính kiến trước ông Tung này!”{ 5}
Trước làn sóng bất bình của người dân, BT Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân vẫn câm miệng hến. Lư Hương được đưa đi an vị ở nơi khác..
Sẽ không có ai bị xử lý về việc dời lư hương, việc cầu viện sử gia Tàu dạy phải viết sử ca ngợi cuộc xâm lược của Trung Quốc với Việt Nam như thế nào cho đúng ý thiên triều rồi sẽ xảy ra giống như chuyện rước Trung Quốc vào Vũng Áng luyện thép, vào Lâm Đồng luyện nhôm và đốt than, nhả khói đầu độc người dân Việt ở Vĩnh Tân và sắp tới là cả đồng bằng Nam Bộ. Đó mới là mục tiêu đích thực.
—
- https://www.facebook.com/phananhmc?__tn__=%2CdCH-R-R&eid=ARCkJYmYHyhN6Xx…
- https://vov.vn/chinh-tri/nguyen-chu-tich-nuoc-truong-tan-sang-tri-an-anh…
- https://www.facebook.com/le.cogito.7?__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARBCRkfnSulf9P…
—