Lịch sử trong tay nhà sản (bài 1): Anh hùng Nguyễn Trung Trực bị giết hai lần

Lễ Dâng hương kỷ niệm 151 năm AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2019) tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực
- Quảng Cáo -

Gió Bấc – RFA

Trong các lãnh tụ nghĩa binh kháng chiến chống pháp trước năm 1945,  Nguyễn Trung Trực là người trẻ tuổi nhất lại tạo ra nhiều chiến công hiển hách nhất. Nổi bật trong đó là “Lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”. Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực là lực lượng kháng chiến duy nhất đã đốt cháy chiến hạm lớn nhất của Pháp, chiếm đồn và làm chủ thủ phủ Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang trong một tuần lễ.

Khi thất thế sa cơ, phong cách lẫm liệt khí phách của ông cũng tạo ra nhiều giai thoại. Trong quá trình hoạt động ở Kiên Giang, ông đã liên kết hỗ trợ qua lại với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của đức Cố Quản Trần Văn Thành là đại đệ tử của Phật Thầy Tây An, người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương nên càng được người dân nhất là tín đồ của các giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo tôn kính.

Đúng với câu sinh vi tướng, tử vi thần, ông đã được người dân tôn xưng là thần nhân và lập nhiều đình miếu thờ ở rất nhiều nơi.

- Quảng Cáo -

Mới đây, tỉnh Kiên Giang đã rầm rộ tổ chức ngày giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với tên gọi là Lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực. Lễ hội đang được đề nghị Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo thông tin báo chí, lễ hội thu hút đến hơn hai triệu lượt người tham dự, chi phí tổ chức hoàn toàn do người dân và các tổ chức, doanh nghiệp phúng viếng tài trợ, không sử dụng ngân sách. Điều này cho thấy gần 150 năm qua nhưng tấm lòng ngưỡng mộ của người dân Việt với vị anh hùng dân chài vẫn không phai lợt. Điều ấy càng đòi hỏi bức bách phải làm rõ, chân xác thân thế, sự nghiệp Nguyễn Trung Trực làm bài học lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Nhưng rất tiếc ngay đến ngày giỗ của ông đến nay cũng chưa thống nhất. Từ năm 2017, báo Lao Động đã có bài viết “Người anh hùng có hai ngày giỗ” (1)

Theo bài báo thì tỉnh Long An, nơi có đền thờ ông ở vàm Nhật Tảo và các chi phái hậu duệ, đã long trọng tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong hai ngày 30 và 31/10 (nhằm ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch). Hầu hết các đình, đền thờ cụ Nguyễn cũng đều làm lễ giỗ, kỷ niệm theo ngày này. Theo các tài liệu lịch sử xưa nay, anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh vào ngày 27/10/1868 nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn (âm lịch). Tỉnh Long An và các nơi giỗ cụ Nguyễn theo ngày hy sinh là phù hợp với lịch sử và đạo lý.

Được biết, sau năm 1975 tỉnh Kiên Giang cũng đã có tổ chức kỷ niệm cụ Nguyễn theo ngày dương lịch là 27/10. Tuy có khác nhau về sử dụng dương lịch hay âm lịch nhưng vẫn theo mẫu số chung là căn cứ vào ngày hy sinh nên vẫn xem là phù hợp. Thế nhưng từ năm 1987 đến nay, sau khi Đình Nguyễn Trung Trực được phong di tích quốc gia, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực vào ngày 28/08 âm lịch (trước ngày mất gần nửa tháng) không biết dựa vào căn cứ nào.

Một số người giải thích rằng, trong thời Pháp thuộc, dù chính quyền thực dân cấm đoán nhưng nhân dân Kiên Giang vẫn đưa bài vị anh hùng Nguyễn Trung Trực thờ ở đình Vĩnh Thanh vốn là nơi thờ cá ông và thực hiện cúng giỗ nhưng tránh ngày hy sinh để che mắt chính quyền. Tấm lòng người dân là đáng quý, trong điều kiện đất nước bị lệ thuộc, phải cúng giỗ lệch ngày là giải pháp tình thế tạm chấp nhận được. Nhưng khi đất nước đã độc lập, đã có chủ quyền việc cúng giỗ tưởng niệm phải đúng ngày theo truyền thống dân tộc.

nguyentrungtruc2.jpeg
Đền thờ AHDT Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Kiên Giang. Hình: Báo Lâm Đồng

Với người bình thường, chết vì già yếu bệnh tật bình thường việc con cháu cúng giỗ sai ngày đã bị xem là trái đạo bất hiếu. Hà huống chi anh hùng Nguyễn Trung Trực đã hy sinh lẫm liệt tạo nên bao huyền thoại như huyền thoại chiếu hoa Tà Niên… Việc cúng giỗ sai ngày mất là không thể chấp nhận được.

Đại diện hậu duệ cụ Nguyễn là ông Nguyễn Khương Ninh, Trần Văn Đức nhiều lần khiếu nại và các nhân sĩ địa phương tỉnh Kiên Giang cũng nhiều lần lên tiếng góp ý nhưng Ban Quản Lý di tích và chính quyền tỉnh vẫn không thay đổi.

Báo Pháp Luật TP HCM từng có bài viết “Cần trả lai ngày hy sinh cho anh hùng Nguyễn Trung Trực.” Bài báo đã trích đã trích dẫn ý kiến GS-TS Nguyễn Xuân Kính, nhà nghiên cứu văn hóa, cho rằng theo phong tục tập quán lễ giỗ thì có hai lễ quan trọng là lễ tiên thường (trước ngày mất một ngày) và lễ giỗ chính (đúng vào ngày mất). Chính quyền tổ chức lễ giỗ của anh hùng Nguyễn Trung Trực trước ngày ông hy sinh gần nửa tháng là trái với phong tục lễ giỗ của dân tộc. Theo GS-TS Nguyễn Xuân Kính, lịch sử đã xác định được chính xác ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực thì không có lý do gì để giỗ sai ngày đến gần nửa tháng.

Bài báo còn nêu ý kiến của GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Cần trả lại ngày hy sinh chính xác cho AHDT Nguyễn Trung Trực để thể hiện trọn vẹn sự tôn vinh đối với một vị anh hùng dân tộc và tôn trọng nguyện vọng của gia đình họ”. (2)

Được biết, ngày 30 tháng 6 năm 2015, Tỉnh Ủy Kiên Giang đã có Thông Báo đóng dấu mật trả lời khiếu nại của các chi tộc hậu duệ của cụ Nguyễn trong đó có đoạn như sau:

Vừa qua, dư luận trong một số người và cơ quan báo chí có ý kiến khác nhau về một số vấn đề liên quan đến Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Qua trao đối, thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến kết luận như sau:

“Về ngày lễ, ngày giỗ của Nguyễn Trung Trực: Hằng năm, Tỉnh vẫn tổ chức vào các ngày 26, 27 và 28-8 âm lịch, với tên gọi “Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”. Ban Bảo vệ di tích Đình Nguyễn Trung Trực tổ chức cúng giỗ Nguyễn Trung Trực trong nội bộ Đình vào ngày 12-9 âm lịch (được cho là ngày Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành hình)”.

Việc một tổ chức Đảng lại ghế trên ngồi tót sỗ sàng, giành quyền kết luận một vấn đề lịch sử văn hóa dân tộc đã là sự tiếm quyền kệch cỡm độc đoán. Hơn thế nửa, nội dung, cách thức trả lời của Tỉnh Ủy Kiên Giang càng cho thấy sự thiếu hiểu biết, thiếu nền tảng đạo lý trong giải quyết vấn đề.

Trước hết, cụ Nguyễn Trung Trực hy sinh vào ngày 12/9 là sự kiện lịch sử chính xác được ghi nhận thống nhất trong các văn bản, lưu trữ trong văn khố của chính quyền thuộc địa và nhất quán trong sử sách sau này chứ không phải mơ hồ “được cho là” như trong văn bản.

Văn bản này gọi tên Nguyễn Trung Trực cộc lốc như một kẻ ất ơ, một tên tội phạm cho thấy thái độ thiếu tôn trọng đến bất nhã với vị anh hùng dân tộc . Điều quan trọng nhất là nội dung văn bản kết luận tiếp tục làm lễ giỗ lớn sai ngày và tổ chức cúng giỗ nội bộ vào ngày mất thật càng cho thấy sự bất kính, vô đạo. Quả thật, trên thế giới này chỉ có người cộng sản mới dám làm cái việc sửa ngày chết của lãnh tụ. Với Hồ Chí Minh còn có thể biện minh phải sửa để tránh ngày quốc khánh 2/9, với anh hùng Nguyễn Trung Trực tại sao cố tình tổ chức lễ hoành tráng nhưng lại sai ngày chết. Lại còn đóng dấu mật lên công văn này?

Về mặt tuyên truyền, bộ máy truyền thông lề phải Kiên Giang và cả trung ương đã hết sức tô vàng vẽ ngọc cho Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực như “có sức lan tỏa ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường từ lâu đã trở thành lễ hội truyền thống, ngày càng được nâng lên về quy mô và có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới” (3)

Nhưng với thái độ ứng xử như vậy, liệu họ sẽ giáo dục thế hệ trẻ được gì qua việc chà đạp lên sự thật lịch sử, chà đạp lên đạo lý truyền thống dân tộc?

Không chỉ dừng lại các lấp liếm sự thật ở việc làm lễ rình rang nhưng cúng giỗ sai ngày họ còn dựng lên và duy trì một bộ hài cốt anh hùng Nguyễn Trung Trực bị tố cáo và có nhiều dấu hiệu cho thấy là giả, họ dựng lên ngôi mộ giả thậm chí còn sáng tạo ra một chi tộc hậu duệ Nguyễn Trung Trực mà không có cơ sở thực tế, lịch sử nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích về màn kịch dối trá này. Đời người ta ai cũng một lần chết, Nguyễn Trung Trực đã hiên ngang tự chọn cái chết để “Khi nào đất nam còn cỏ cây thì người Nam còn đánh Tây!”. Đó là cái chết uy dũng cho dân tộc. Nhưng trước những màn tôn vinh trình diễn lố bịch của chính quyền cộng sản, giỗ sai ngày, thờ xác giả ắt hẳn cụ Nguyễn đã bị bức tử lần thứ hai.

Bài 2: Nguyễn Trung Trực có phép mọc đầu!

_____________

Tham khảo:

1-https://laodong.vn/trang-dbscl/nguoi-anh-hung-co-2-ngay-gio-573284.ldo?f…

2-https://plo.vn/can-tra-lai-ngay-hy-sinh-cho-anh-hung-nguyen-trung-truc-p…

3-https://svhtt.kiengiang.gov.vn/Trang/TinTuc/ChiTiet.aspx?nid=2536&chuyen…

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

- Quảng Cáo -