Vân Phong xuất hiện cột mốc ghi chữ Tàu

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Nói đến căn cứ Hải Quân tốt nhất Việt Nam thì người ta nghĩ ngay đến Cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Theo đặc điểm địa hình thì Cảng Cam Ranh nằm trong Vịnh Cam Ranh. Vịnh Cam Ranh được hình thành từ một bán đảo có dãy núi chắn ngang hướng nhìn ra Biển Đông. Cửa chính ra vào cảng khoảng 4.000 m đủ cho hàng không mẫu hạm ra vào hoặc có thể cho phép 10 đến 20 tàu cùng ra vào một lúc. Một tàu lắp động cơ diesel chạy với vận tốc tối đa là 10 tới 15 km/h, từ vịnh ra cửa chỉ mất một khoảng thời gian ngắn ra tới Biển Đông. Tương tự như vậy, tàu ngầm cũng có thể nhanh chóng vượt ra Biển Đông, Thái Bình Dương.

“Dễ thủ khó công” là cách đánh giá địa hình chiến lược thời xưa và cả thời nay. Nghĩa là đối với quân ta thì dễ thủ nhưng đối với quân địch thì khó công. Trên chiến trường, các nhà quân sự thường hay dựa vào thế núi, thế thành sao cho thỏa mãn điều kiện như thế để thiết lập thế vững chắc trong trường hợp bị tấn công. Cảng Cam Ranh cũng thuộc vào loại địa hình như thế, đồng thời nó là một cảng nước sâu nên rất thuận tiện để đặt căn cứ Hải quân nơi đây.

- Quảng Cáo -

Khánh Hòa không chỉ có vịnh Cam Ranh mà tỉnh này còn có một vịnh khác cách đó không xa về hướng Bắc, với địa hình tương tự. Đó là vịnh Vân Phong. Vịnh Vân Phong có bán đảo Đầm Môn chắn ngang hướng Đông tạo cho cảng Vân Phong một vị thế “dễ thủ khó công” như bán đảo Cam Ranh. Cửa biển vào vịnh Vân Phong rộng hơn cửa vào vịnh Cam Ranh. Nếu biến cảng Vân Phong thành cảng quân sự thì Vân Phong có thể quan sát động tĩnh Cam Ranh rất dễ dàng.

Năm 2018, Quốc hội Việt Nam dự tính đưa Luật Đặc Khu ra quyết, trong đó có chủ trương cho “nước ngoài” thuê ba đặc khu 99 năm. Ba đặc khu đó là: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Ba vị trí rải đều trên dải đất Việt Nam. Vân Đồn là cửa ngỏ nước “Phương Bắc” vào Việt Nam, Vân Phong thì có thể thay thế cam Ranh kiểm giám sát khu vực Biển Đông và Phú Quốc kiểm soát khu vực Vịnh Thái Lan.

Năm 2018, Luật Đặc Khu bị người dân phản đối quá rát nên chính quyền Cộng Sản cho tạm hoãn. Hoãn chứ chưa hủy. Người dân Việt Nam lo ngại với Luật đặc khu, Trung Quốc có thể “thuê” 99 năm như Anh Quốc thuê Hong Kong thì Việt Nam gặp nguy hiểm. Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính quyền CS hy sinh an ninh quốc gia vì lợi ích chính trị của họ hoặc vì lợi ích kinh tế trước mắt.

Bị vấp phải phản ứng của người dân Việt Nam, Trung Quốc chưa thuê được 99 năm các khu vực mang tính chiến lược này, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thoái lui hay họ tìm giải pháp thay thế? Chưa đặt chân lên Phú Quốc – Việt Nam thì Trung Quốc lại dụ Campuchia để lập Căn cứ Hải quân Ream tại Sihanoukville như là giải pháp thay thế Phú Quốc. Trung Quốc đã tìm giải pháp thay thế thay vì thoái lui. Cẩn thận với Trung Quốc không bao giờ thừa.

Vào sáng ngày 23 Tháng Sáu, Facebook “Mai Thanh Hải” cho biết có thấy vật thể lạ, cao khoảng 40cm, làm bằng nhựa đặc, hình thù nom giống cái cọc tiêu, bốn mặt và trên đỉnh cọc khắc chữ Trung Quốc rõ ràng rành mạch “Thổ địa giới tiêu” (mốc giới đất đai), tại Đầm Môn thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Chủ tài khoản có hỏi chủ nhà có cây cọc trên thì được trả lời là “Mấy thứ này dạt vô bãi cát miết. Bà vợ tui nhặt, đóng xuống cát làm cọc để buộc dây bò, làm hàng rào chắn gà vịt khỏi vào phá vườn… cũng tiện ra phết!”. Nghĩa là cây cột này không phải là duy nhất. Điều đáng nói hơn là ông chủ nhà ấy lại cho biết “Biên phòng đi qua, ghé đây nhậu suốt, mà có nói gì đâu?”, tức là lực lượng biên phòng Việt Nam đã làm ngơ dù đây là trường hợp bất thường.

Bài của Mai Thanh Hải hiện có khoảng 1.400 likes và 433 lượt share, chứng tỏ người dân rất quan tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, nhà cầm quyền lại dùng truyền thông trấn an khi cho báo chí đồng loạt đăng tin rằng, họ đã cho thu hồi chiếc cọc và nói rằng “đó không phải là cọc chủ quyền”. Lại nói về thái độ của chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Tháng Năm 2012, người dân phát hiện người Trung Quốc thuê bè nuôi cá trên khu vực thuộc vịnh Cam Ranh. Đáng nói là họ làm hàng chục năm mà chính quyền địa phương “không hề hay biết”. Chỉ cần một người lạ xuất hiện lập tức công an khu vực biết ngay nhưng họ lại “không phát hiện” người Trung Quốc nuôi cá bè hàng chục năm gần cảng quân sự Việt Nam? Thái độ phía chính quyền tỉnh Khánh Hòa lúc này cũng không khác gì cách đây 10 năm khi xảy ra vụ người Trung Quốc nuôi cá bè tràn lan tại Vịnh Cam Ranh./.

- Quảng Cáo -