Thanh Trúc – RFA
Tại vòng họp thường niên cấp cao lần thứ 78 Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) ở Bangkok, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Với chủ đề: “Một chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Châu Á-Thái Bình Dương,” khóa họp có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và khoảng 700 đại diện của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ESCAP.
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cao sự đóng góp thiết thực của ESCAP vào những thành quả to lớn của quá trình phát triển kinh tế-xã hội khu vực, không những đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo mà còn phát triển những nền kinh tế lớn và năng động hàng đầu thế giới.
Báo Chính Phủ Việt Nam ngày 23/5 trích dẫn một trong các tuyên bố của ông Vũ Đức Đam cho tựa bài của báo là “Luôn đặt con người ở trung tâm của mọi hoạt động phát triển.”
Giật tít kiểu này làm người đọc không hiểu hoặc hiểu sai đi, nhà nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, góp ý:
“Nói ‘đặt con người vào trung tâm’ cũng đúng nhưng nó sáo rỗng. Nhiều năm nay rồi, có lẽ phải từ 20 năm nay rồi, các nhà lãnh đạo Việt Nam cứ thích dùng cụm từ ‘đặt con người làm trung tâm’ mà không làm gì cụ thể cả. Đến ngay người nói cũng nói thế thôi mà không hiểu gì.”
“Luôn đặt con người ở trung tâm mọi phát triển” không phải là một khái niệm mới, cũng không phải là sáng kiến của ông Vũ Đức Đam, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trường bộ Tài nguyên-Môi trường nhận xét:
“Phó Thủ tướng Việt Nam nói có ba luận điểm Việt Nam tiếp cận vấn đề. Thứ nhất là lấy con người làm trung tâm, thứ hai là kết nối khu vực một cách mạnh mẽ bằng các phương tiện giao thông, truyền thông. Thứ ba là khuyến khích sự sáng tạo đối với giải pháp về môi trường, giảm phát thải, vân vân…”
“Việc đặt con người làm trung tâm không phải là sáng kiến mới. Gần như đây là luận điểm chung trên các diễn đàn quốc tế, tức là phát triển vì con người, tất cả vì lợi ích của con người. Việt Nam nói lên được thì tôi cho cũng là điều tốt ở chỗ nếu Việt Nam làm thật được vấn đề này là tốt.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, giảng viên Đại học Maine, Hoa Kỳ, nhìn vấn đề một cách khác:
“Báo chí trong nước quen hô khẩu hiệu rồi, khi người ta nói cái gì ra thì báo cắt một câu làm khẩu hiệu cho xong.”
“Trong trường hợp ông Vũ Đức Đam, một người đàng hoàng, đi học nước ngoài từ lâu, cũng gặp nhiều người nước ngoài, thì tôi nghĩ ông tuyên bố câu như vậy một là để có sự giúp đỡ ủng hộ của nước ngoài, hai là dùng tuyên bố đó để thúc đẩy các nhóm bảo thủ, các nhóm thờ ơ với đời sống nhân dân trong nước là nếu chỉ hô khẩu hiệu mà không làm gì cụ thể thì không thể nào được quốc tế giúp đỡ.”
Tại phiên thảo luận của ESCAP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lo ngại về những tác động nặng nề nhiều mặt của đại dịch, các thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai cho đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, đặc biệt việc thực hiện ‘Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững.’
Về ưu tiên hợp tác chính tại khu vực trong thời gian tới, Phó thủ tướng Việt Nam cho rằng phải đặt con người ở trung tâm mọi hoạt động, cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm người dân có việc làm, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản; tăng cường năng lực, ứng phó và chống chịu với các thách thức mới.
Thứ hai là tăng cường kết nối khu vực, nhất là về giao thông vận tải, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, bảo đảm các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu, thúc đẩy chuyển đổi số, giảm khoảng cách số.
Thứ ba là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực chuyển đổi tăng trưởng sang mô hình tăng trưởng carbon thấp, phát triển kinh tế và tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy quan hệ đối tác trong vùng cũng như các khu vực khác.
Thực tế, theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ESCAP không phải là tổ chức phát triển quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc. Quan trọng nhất theo ông là Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP. ESCAP tập trung nhiều hơn về môi trường, hạ tầng cơ sở về giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy và hạ tầng cơ sở về thông tin liên lạc. Cho nên khi họp ESCAP thì ông Vũ Đức Đam phải nói tất cả những gì vừa hợp với mục tiêu của ESCAP vừa hợp với tư cách người được đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ như thế.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam nói riêng, trong tiêu chí và khuôn khổ ESCAP thì những đề xuất của Phó Thủ tướng Việt Nam đều rất đúng:
“Cụ thể, Việt Nam có nhiều thành tích trong việc xóa đói giảm nghèo rồi là phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng giáo dục các cấp.”
“Thế nhưng nhìn lại tình hình giáo dục của Việt Nam thì nó bị chậm lại so với các nước xung quanh. Riêng trong khối ASEAN thì nền giáo dục VN có nhiều sự không thể chấp nhận được về mục tiêu về chất lượng về hướng cho người đi học từ cấp thấp. Những mục tiêu giáo dục Việt Nam đặt ra rất cao nhưng càng ngày càng thấy nó chậm lại và kém các nước xung quanh.”
“Điểm hai mà ông nói là chuyển đổi số, tăng cường kết nói khu vực về công nghệ thông tin …thì nó nằm trong chính sách của Việt Nam mà nó cũng phù hợp với những gợi ý của Liên Hiệp Quốc đối với không chỉ các nước nghèo đang phát triển mà cả các nước phát triển.”
Điểm thứ ba, đổi mới và sáng tạo thì gần như là nói riêng cho Việt Nam, bởi vì:
“Thực sự mức độ đổi mới của Việt Nam còn thấp nên tăng trưởng cũng rất thấp. Về con số mà nói không phải là thấp lắm nhưng liên quan đến mức độ sáng tạo để mà chuyển sang tăng trưởng kinh tế thì vẫn ở mức độ thấp.”
“Thí dụ nhìn sang Nam Hàn mình thấy họ tăng trưởng nhanh là bởi vì họ đưa được những đổi mới và sáng tạo khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng, quản trị… Cho nên tăng trưởng của họ một là nhanh, hai là tỷ lệ đổi mới sáng tạo cao, trong khi Việt Nam gần như là thấp nhất khu vực ASEAN này”.
Được biết năm 2021 Việt Nam đứng thứ hạng 51/165 nước trong việc thực hiện các ‘Mục tiêu Phát triển Bền vững,’ tăng hơn 30 bậc so với 5 năm trước. Chuyên gia Đông Nam Á và Việt Nam Hà Hoàng Hợp cho rằng:
“Thực sự Việt Nam có đạt được một số chỉ tiêu về phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đề ra, gọi là ‘chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ.’ Nhưng từ khi có đại dịch hai năm vừa qua thì bị chậm đi rất nhiều, chậm hơn cả Lào, Myanmar và Indonesia, và ra ngoài ASEAN như Sri Lanka, Bangladesh.”
“Thế nên lời kêu gọi của ông Vũ Đức Đam với ESCAP là đúng thôi. Sự tài trợ giúp đỡ về tiền bạc của Liên Hiệp Quốc đối với các nước thì nó nhỏ thôi, nhưng quan trọng nhất trong trường hợp này là giúp đỡ của ESCAP về mặt kiến thức và phương cách để mà đạt được cái tăng trưởng bền vững hơn trong những hoàn cảnh khó khăn.”
Nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ, đang là cố vấn không thường trực cho văn phòng World Bank ở Việt Nam, nói rằng ông quan tâm đến việc tăng hạng lên 30 bậc mà Việt Nam được đánh giá:
“Tăng được lên như thế chỉ là thông qua các tuyên bố của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng nhiều lần nói sớm đưa, hình như tới 2050, phát thải khí nhà kính về bằng không, hứa đưa tốc độ giảm phát thải vào nhóm đứng đầu thế giới, rồi giải quyết sao cho người dân được hưởng một môi trường trong sạch vân vân… Các tuyên bố của Việt Nam rất phù hợp với xu hướng trên thế giới mà nếu làm được thì quả là vĩ đại.”
“Thế nhưng vấn đề là có làm được không, nếu làm thì làm bằng cách gì? Câu trả lời là có những khó khăn nhất định.”
“Thực tế ở Việt Nam, vấn đề môi trường gắn liền với cuộc sống những nhóm người yêu thế, dễ bị tổn thương. Rác thải nông thôn xử lý không đúng, sông ngòi bị ô nhiễm. Ngay ở Hà Nội này thôi mọi sông đều trong tình trạng hoặc chết hẳn hoặc gần chết. Chỉ số không khí theo trạm do của Mỹ cũng như mạng lưới các trạm đo của chính quyền lắp đặt đều cho rằng ô nhiễm không khí của Hà Nội ở nhóm cao trên thế giới, thậm chí ở dạng báo động.”
“Vậy chúng ta làm gì để có thể thực hiện được ba điểm, một lấy con người làm trung tâm, hai là kết nối khu vực, ba là sáng tạo để giải quyết những vấn đề mang tính khu vực?”
Tình trạng hiện nay, theo GSTS Đặng Hùng Võ, chưa phản ảnh được ba điều mà phó thủ tướng Việt Nam vừa tuyên bố tại ESCAP lần thứ 78.
Về chuyện kêu gọi quốc tế giúp đỡ các nước, trong đó có Việt Nam, cũng là một kêu gọi đúng đắn, là khẳng định của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, chỉ có điều Việt Nam phải cố gắng biến những luận điểm những tuyên bố của mình thành hiện thực, để thế giới nhìn thấy Việt Nam làm như thế nào, lộ trình ra sao nhằm thúc đẩy phát triển bền vững với trọng tâm là con người.