Sự nghiệp của hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam chấm dứt! (Phần 1)

- Quảng Cáo -

Lê Văn Đoành

Dấu chấm hết

Cuộc họp Bộ Chính trị hôm 24-12-2022 diễn ra gay gắt và đầy kịch tính. Kết quả bỏ phiếu trong Bộ Chính trị đã “kết liễu” số phận chính trị của cả hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

– Phạm Bình Minh sẽ thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khoá 13, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; thôi Đại biểu Quốc hội khóa XV.

- Quảng Cáo -

– Vũ Đức Đam thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng khoá 13, Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

– Cả hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ nghỉ việc vào ngày 1-2-2023, nghỉ hưu chính thức vào ngày 1-12-2023.

Quy trình tiếp theo là, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương đảng sẽ làm thủ tục trình lên Ban chấp hành Trung ương đảng khoá 13 xem xét và ra nghị quyết công khai. Dự kiến hội nghị bất thường Ban chấp hành Trung ương khoá 13 sẽ diễn ra vào ngày 28-12-2022.

Quốc hội khoá XV sẽ có kỳ họp bất thường vào sáng 5-1-2023. Ngay trong ngày khai mạc sẽ làm công tác nhân sự, quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết phê chuẩn đề nghị về việc miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tiếp theo sẽ cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu quốc hội của Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Sau đó, quốc hội phê chuẩn các tân Phó Thủ tướng Chính phủ theo Tờ trình của Chính phủ.

Sau khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị khởi tố, bắt giam, dư luận trong và ngoài ngành ngoại giao vẫn đồn đoán Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh có thể sẽ thoát qua khe cửa hẹp, nhờ vào gia thế và mưu lược. Tuy nhiên, phe tấn công quyết tâm kết liễu sự nghiệp chính trị của con trai ông Nguyễn Cơ Thạch trước mùa xuân 2023, họ liên tiếp tung ra đòn phủ đầu, với những nhát chém chí mạng:

Ngày 14-4-2022, khởi tố, bắt giam thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu thư ký của ông Phạm Bình Minh, thời ông Minh làm bộ trưởng.

Ngày 27-9-2022, khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Quang Linh, đương giữ chức Trợ lý Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Ngày 21-12-2022, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 – 2021, 2021 – 2026 và cá nhân ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Bùi Thanh Sơn là đại đệ tử của Phạm Bình Minh. Khi tổ chức làm công tác nhân sự cho đại hội 13, cả hai thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Lê Hoài Trung tranh nhau ghế bộ trưởng Bộ Ngoại giao và chính Phạm Bình Minh ủng hộ, bảo kê cho Bùi Thanh Sơn vượt qua Lê Hoài Trung.

Cũng cần nhắc lại, nhiệm kỳ 2016-2021 ông Phạm Bình Minh giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; phụ trách công tác đối ngoại của Nhà nước và Đảng ủy Ngoài nước.

Phạm Bình Minh là con trai út của cố Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Cơ Thạch (tức Phạm Văn Cương), ông Minh là Ủy viên Trung ương đảng bốn khoá (từ khoá 10 đến khoá 13), Uỷ viên Bộ Chính trị hai khoá 12 và 13.

Vụ án “chuyến bay giải cứu” đã phát lộ nạn hối lộ, tham nhũng, cùng những bê bối ở Bộ Ngoại giao hết sức kinh hoàng, trách nhiệm cao nhất chắc chắn thuộc về Phạm Bình Minh. Mặc dù đến thời điểm này ông Minh vẫn chưa viết đơn xin từ chức, nhưng các chóp bu trong đảng đang ép ông Minh ra đi, nếu không muốn “nhập kho”. Hai con trai của Phạm Bình Minh là Phạm Bình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao và Phạm Bình Nam, công chức tại Văn phòng Chính phủ, đang bị xem như con tin.

Nếu như hai Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12 là Hoàng Trung Hải cùng Nguyễn Văn Bình “hạ cánh an toàn” trước đại hội 13, bảo toàn được sinh mạng chính trị lẫn tài sản, thì chuyến rút lui này của Phạm Bình Minh sẽ khó khăn, gay cấn hơn rất nhiều.

Ông Minh muốn ra về sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành Trung ương Đảng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, vào năm 2023 nhưng bị từ chối. Lý do đưa ra, anh không còn đủ uy tín phục vụ thì nên viết đơn. “Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng” được quy định tại Thông báo 20/TB-TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị.

Một Phó thủ tướng khác là ông Vũ Đức Đam, cũng đang rơi vào tình cảnh như Phạm Bình Minh nhưng Vũ Đức Đam cam chịu hơn. Vũ Đức Đam không xuất thân “trâm anh thế phiệt” như Phạm Bình Minh. Bố ông Vũ Đức Đam là nông dân thứ thiệt, vì vậy hoạn lộ của ông Đam rất lận đận. Tuy là Uỷ viên dự khuyết khoá X, Uỷ viên Trung ương khoá XI, XII, XIII nhưng Vũ Đức Đam vẫn không vào được Bộ Chính trị.

Dân chúng thì hả hê, tung hô “đốt lò”, đâu hay ở thượng tầng, phe nhóm trong đảng đang “mượn gió bẻ măng” truy sát nhau để giành quyền lực. Người trong cuộc, ông Đam ngán ngẫm, kinh sợ. Hai nhiệm kỳ làm Phó thủ tướng phụ trách văn xã, lý thuyết thì phụ trách các bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; nhưng thực tế mỗi nơi này đều có một Uỷ viên Trung ương phụ trách, nên ông Đam chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Khổ thân, thực quyền thì không có, khi những nơi này hư hỏng, bê bết, sai phạm, tham nhũng hối lộ… thì cấp trên lại đổ hết lên đầu Vũ Đức Đam.

Ngày 1-10-2022, ba ngày sau khi Trợ lý Nguyễn Quang Linh bị bắt giam, Vũ Đức Đam đã chính thức gởi đơn cho Bộ Chính trị, xin nghỉ việc, rút khỏi Trung ương khoá 13.

(Còn nữa)

Nguồn: Báo Tiếng Dân

- Quảng Cáo -