Tượng đài để làm gì?

- Quảng Cáo -

Hiền Lương – (VNTB) – Tượng đài để làm tiền chứ làm gì…

Trung tuần tháng 12 năm 2020, “tượng đài Bác Hồ với nông dân” được khánh thành tại quảng trường Thái Bình, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.

Lý do xây tượng đài này được giải thích là “thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, được sự nhất trí của Trung ương, công trình Đền thờ Bác Hồ được tỉnh Thái Bình khởi công xây dựng ngày 25-8-2014 và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được triển khai xây dựng từ tháng 10-2018”.

Được biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tổng cộng 5 lần về thăm Thái Bình, và đây cũng là một trong những lý do để người dân Thái Bình mong muốn được làm Đền thờ Bác Hồ, và tượng đài Bác Hồ với nông dân.

- Quảng Cáo -

Hiểu theo nghĩa tâm linh, trong trường hợp này xem ra tượng đài mang ý nghĩa của tượng… thờ; và thực tế cũng khó thể hiểu khác được khi phía hậu cảnh của tượng đài là đền thờ Bác Hồ, được một kiến trúc sư nhận xét như sau:

“Nghi môn đền là 4 trụ, 2 trụ lớn ở giữa và 2 trụ nhỏ hai bên theo lối tứ trụ truyền thống với các chi tiết trang trí vân mây cách điệu. Tả vu, hữu vu được đặt đăng đối 2 bên sân, trên mặt bằng chữ Nhất. Tiền tế có cấu trúc 3 gian 4 cột, vì kèo chồng rường, bảy mái liên kết với hàng cột hiên gian đại bái.

Đại bái có cấu trúc 5 gian, kiến trúc vì kèo kiểu chồng rường – giá chiêng – bảy mái. Các góc đao của tiền tế, đại bái dâng đao mái mềm mại. Hậu cung là 3 gian vuông góc với 5 gian đại bái tạo thành kiến trúc chữ Đinh. Tại hậu cung vào gian chính giữa được nâng thêm một tầng mái (dạng cổ lầu)…”.

Có thể kiểm chứng nhận xét trên qua clip ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại buổi lễ khánh tượng đài Bác Hồ với nông dân.

Ở Việt Nam, xây dựng tượng đài Bác Hồ luôn là một biệt lệ cho mọi nhận xét bình phẩm, và thường thì chỉ được quyền khen, không được phép ‘chê’. Và từ định hướng tuyên truyền đó, xin được bàn về một dự án tượng đài khác cho thấy rất rõ là người ta vẽ ra chỉ nhằm để ‘giải ngân’, bất chấp hệ lụy lịch sử.

Đó là câu chuyện ở Vĩnh Thạnh, một trong 4 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, đang xây dựng tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa.

Hiện đang có sự tranh cãi là ý nghĩa muốn nói đến của tượng đài là gì, khi tượng tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek (đồng bào Ba Na) để chống lại Tổng thống Ngô Đình Diệm, nền Đệ nhất Cộng hòa?

Điều đáng nói là 60 năm trôi qua rồi việc tưởng nhớ cuộc nội chiến chống lại chế độ cộng hoà Ngô Đình Diệm – một nhân vật lịch sử còn gây tranh cãi để nhằm mục đích gì?

Ý nghĩa của cuộc nổi dậy chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa không còn nhiều nữa. Trong khi đó ý nghĩa của các cuộc chiến Cộng sản Trung Quốc cưỡng chiếm đất đai, biển đảo của Tổ Tiên đang hừng hực nóng lại chả có tượng đài nào ngoài tượng đài tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh.

48 tỉ tiền của Dân bỏ ra để làm một tượng đài không còn bao nhiêu ý nghĩa, thậm chí còn làm vết thương hoà giải Dân tộc thêm xót đau…

“Khoan thư sức dân”, lời nhắn nhủ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300) vẫn còn nguyên giá trị. Cổng chào, đền thờ và tượng đài hoành tráng và bền vững nhất, chính là LÒNG DÂN.

***

Liên quan chuyện tượng đài Bác Hồ, ở thành phố Phan Thiết có trường Dục Thanh. Trước khi lên đường xuất ngoại để đi tìm đường cứu nước, có thời gian ngắn Bác Hồ tạm mưu sinh bằng nghề thầy giáo dạy thể dục ở trường Dục Thanh.

Sau tháng 4-1975, chính quyền mới đã lập ở trường Dục Thanh một khu di tích mang tên Dục Thanh.

Sau khi được đầu tư xây dựng mở rộng ra hơn nữa với mức đầu tư lớn, nhưng thực tế nó vẫn không thu hút người dân địa phương và khách du lịch. Ngay nhiều người dân Phan Thiết nhiều năm trời cũng chưa từng vào thăm để đốt cây nhang cắm lư hương nơi thờ phượng với bán thân Bác Hồ đặt trong đền thờ, và tượng đứng toàn thân đặt trên bệ cao ở trước sân.

Có ý kiến liên tưởng: Cứ đi khắp miền Nam mà xem, đâu đâu cũng thấy nghi ngút miếu thờ Lê Văn Duyệt. Mà một khi dân đã thờ, đã tôn như thánh suốt bao nhiêu năm thì con người ấy nhất quyết không thể là người sai trái!

- Quảng Cáo -