China Deserves Donald Trump
Thomas L. Friedman, New York Times
Một bạn doanh nhân người Mỹ của tôi làm việc tại Trung Quốc đã nhận xét với tôi gần đây rằng Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ xứng với nước Mỹ, nhưng ông chắc chắn là tổng thống Mỹ đáng cho nước Trung Quốc.
Cảm quan của ông Trump rằng Mỹ cần phải cân bằng lại mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh – trước khi Trung Quốc trở nên quá lớn để thỏa hiệp – là chính xác. Và phải cần có một quả búa tạ như Trump để gây sự lưu tâm của Trung Quốc. Nhưng bây giờ chúng ta đã có xong, thì cả hai quốc gia cần nhận ra thời điểm lúc này này quan trọng như thế nào.
Sự mở cửa Hoa Kỳ-Trung Quốc nguyên thủy từ những năm 1970 đã xác định quan hệ thương mại vốn rất hạn chế trước đó, đã được khôi phục. Khi Hoa Kỳ đồng ý để Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO năm 2001, việc này đã nâng đẩy Trung Quốc trở thành một cường quốc thương mại qua các qui định cho Trung Quốc nhiều nhượng bộ như một nền kinh tế đang phát triển.
Cuộc đàm phán hiện tại sẽ xác định sự tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc như 2 đồng đẳng kinh tế, cạnh tranh nhau cho các ngành công nghiệp của thế kỷ 21, ở lúc mà thị trường của cả 2 hoàn toàn đan xen lẫn nhau. Vì vậy, đây không phải là tranh chấp thương mại thông thường. Đây là một cú lớn.
Để kết thúc tốt đẹp, ông Trump phải chấm dứt các lời chế nhạo trẻ con trên Twitter (và nói cuộc chiến thương mại thắng dễ dàng) mà lặng lẽ gò đạt thỏa thuận tái cân bằng tốt nhất mà Hoa Kỳ có thể có – có lẽ không thể sửa mọi thứ cùng một lúc – và đi tới, mà không rơi vào một cuộc chiến thuế quan vô tưởng mãi mãi.
Và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải nhận rằng Trung Quốc không còn được hưởng các đặc quyền thương mại mà họ đã có trong 40 năm qua, vì vậy, ông ta nên khôn ngoan kiềm chế chủ nghĩa dân tộc của mình, với kiểu nói “không ai được nói Trung Quốc làm gì”, mà cần tìm kiếm các thỏa thuận lưỡng lợi tốt nhất cho cả hai mà TQ có thể đạt. Bởi vì Bắc Kinh không thể kham nổi khi Hoa Kỳ và các nước khác chuyển sản xuất sang chuỗi cung ứng ABC, viết tắt của chữ Anywhere-But-China, Bất Cứ Nơi Nào Ngoại Trừ Trung Quốc.
Chúng ta đã đi đến tình trạng này như sau: Từ những năm 1970, mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khá bất biến: Chúng ta đã mua đồ chơi Trung Quốc, áo phông, giày tennis, dụng cụ máy móc, và các tấm thu năng lượng mặt trời, và đổi lại Trung Quốc đã mua đậu nành, thịt bò và phản lực cơ Boeings của chúng ta.
Và khi cán cân thương mại trật vuột quá độ – bởi vì Trung Quốc không chỉ phát triển bằng cách làm việc chăm chỉ, xây dựng hạ tầng cơ sở khôn ngoan, giáo dục dân họ, mà còn bằng cách ép bưộc chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ, bao cấp cho các công ty của họ, duy trì mức thuế cao, bất chấp phán quyết WTO, và đánh cắp tài sản trí tuệ. Bắc Kinh xoa dịu chúng ta bằng cách mua thêm phi cơ Boeings, thịt bò và đậu nành.
Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng họ vẫn là một quốc gia đang phát triển nghèo, cần được bảo vệ phụ trội, dù rằng đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới từ lâu. Tuy nhiên, tương quan này cũng ổn cho vừa đủ các công ty Hoa Kỳ, trong một khoảng thời gian vừa đủ, để siêu cường đương nhiệm lớn nhất thế giới là Mỹ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của siêu cường thế giới kế tiếp là Trung Quốc. Và từ đó cùng nhau cả hai làm cho toàn cầu hóa lan rộng hơn và thế giới thịnh vượng hơn.
Nhưng sau đó, một số thay đổi đã quá lớn để có thể bỏ qua. Trước tiên, Trung Quốc dưới thời ông Tập đã công bố kế hoạch hiện đại hóa “Made in China 2025”, hứa hẹn bao cấp các công ty tư nhân và nhà nước của Trung để dẫn đầu về máy siêu tính, thông minh nhân tạo, vật liệu mới, in ba chiều, nhu liệu nhận dạng mặt người, rôbô, xe điện, xe tự lái, hệ thống 5G, và vi mạch tiên tiến.
Đây là một hành động tự nhiên cho Trung Quốc nhằm vượt ra khỏi hàng ngũ thu nhập trung bình và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây đối với công nghệ cao. Nhưng tất cả các ngành công nghiệp mới này cạnh tranh trực tiếp với các công ty thượng thặng của Mỹ. Do đó, tất cả sự bao cấp nhà nước của Trung Quốc, chính sách bảo vệ thương mại, gian lận đối với các quy tắc thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ, và đánh cắp tài sản trí tuệ kể từ những năm 1970, bắt đầu trở thành mối đe dọa lớn hơn nhiều. Nếu Hoa Kỳ và Châu Âu để Trung Quốc tiếp tục hoạt động theo cùng một công thức mà họ đã dùng để vươn lên từ nghèo đói nhằm cạnh tranh đối với tất cả các ngành công nghiệp trong tương lai, thì chúng ta chỉ có là điên. Ông Trump nói đúng về điều đó.
Chỗ ông Trump sai là thương mại không giống như chiến tranh. Khác chiến tranh, thương mại có thể đem lại lưỡng lợi cho đôi bên. Alibaba, UnionPay, Baidu, Tencent (các công ty của TQ) và Google, Amazon, Facebook, Visa (các công ty của Hoa Kỳ) đều có thể giành chiến thắng cùng một lúc – và họ đã làm được. Tôi không chắc là ông Trump hiểu điều đó.
Nhưng tôi không chắc ông Tập cũng hiểu điều đó. Chúng ta phải để Trung Quốc thắng công bằng và ngay thẳng khi các công ty của họ tốt hơn, nhưng họ cũng phải sẵn sàng để thua một cách công bằng và ngay thẳng. Ai có thể xác định Google và Amazon sẽ thịnh vượng thêm đến đâu nếu họ được phép hoạt động tự do ở Trung Quốc, như là Alibaba và Tencent đã được hoạt động ở Mỹ?
Và Trung Quốc đã đỡ tốn bao nhiêu tiền bao cấp cho các công ty của mình – khi quân đội của họ đánh cắp các họa đồ máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35, và sau đó chế ra phi cơ y hệt, miễn tất cả các chi phí nghiên cứu và phát triển?
Tôi nhắc lại: Mậu dịch có thể là lưỡng lợi cho đôi bên, nhưng phần lợi có thể bị bóp méo khi một bên vừa làm việc chăm chỉ nhưng vừa gian lận cùng lúc. Chúng ta có thể làm ngơ khi mậu dịch chỉ là đồ chơi trẻ con, và các tấm thu năng lượng mặt trời, nhưng khi nó liên hệ đến F-35 và viễn thông 5G, thì điều đó không được .
Nhưng cái đó chưa phải là tất cả những gì mới và gây vấn đề. Hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại sử dụng kép “dual use”. Trong một thế giới sử dụng kép, “ bất cứ thứ nào làm chúng ta trở nên quyền năng hơn và thịnh vượng hơn thì cũng làm chúng ta bị nguy hiểm hơn”, ông John Arquilla, một trong những chiến lược gia hàng đầu của Trường Đại Học Cao Cấp Hải Quân Hoa Kỳ, phát biểu.
Đặc biệt, các thiết bị 5G do Công ty Huawei (Trung Quốc) sản xuất, có thể truyền dữ liệu và giọng nói với siêu tốc độ, cũng có thể là công cụ nền cho mục tiêu gián điệp, nếu các cơ quan tình báo Trung Quốc hành xử quyền luật định Trung Quốc để bắt Huawei cho phép truy cập.
Thật vậy, cuộc tranh cãi xung quanh Huawei đã chiếu sự chú ý vào biến chuyển hoàn toàn mới này: Huawei ngày càng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu về cơ sở hạ tầng 5G, vốn từng được chiếm lĩnh bởi Ericsson và Nokia. Công ty Qualcomm của Hoa Kỳ vừa là nhà cung cấp con bọ chip và phần mềm cho Huawei và vừa là đối thủ cạnh tranh cấp toàn cầu. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã hạn chế mọi công ty – cả nước ngoài lẫn Trung Quốc – được cạnh tranh với Huawei tại Trung Quốc – để Huawei được phát triển lớn hơn, nhanh hơn, và rẻ hơn. Huawei sau đó sử dụng sức mạnh và giá cả đó để hạ các đối thủ viễn thông Tây phương, và sau đó sử dụng sự thống trị thị trường toàn cầu đang lên của mình để thiết lập tiêu chuẩn viễn thông 5G toàn cầu thế hệ tiếp theo chiếu theo kỹ thuật của riêng Huawei, chứ không phải của Qualcomm hay Thụy Điển.
Hơn nữa, trong một thế giới sử dụng kép, bạn phải lo lắng rằng nếu bạn có một rôbô Huawei trong nhà, tương tự như Echo của Amazon, bạn cũng có thể đang nói chuyện với tình báo quân đội Trung Quốc (mà không biết).
Ngày xưa, khi chúng ta chỉ mua giày tennis và tấm thu năng lượng mặt trời của Trung Quốc, và họ mua đậu nành và phi cơ Boeings của chúng ta, ai cần quan tâm nếu Trung Quốc là Cộng sản, Mao-ít, xã hội chủ nghĩa – hay gian lận? Nhưng khi Huawei cạnh tranh với Qualcomm, AT & T và Verizon trên thế hệ viễn thông mới 5G – và 5G sẽ trở thành xương sống mới của ngành thương mại kỹ thuật số, truyền thông, y tế, giao thông, và giáo dục – thì giá trị, sự khác biệt về giá trị, một ly tấc về niềm tin và sự cai trị bởi pháp luật, đều là vấn đề. Điều này đặc biệt đúng cho kỹ thuật và tiêu chuẩn 5G, một khi đã được thiết lập ở cấp quốc gia, thì sẽ rất khó tháo gỡ.
Và còn thêm một điều nữa: Khoảng cách về giá trị và niềm tin giữa chúng ta và Trung Quốc ngày càng lớn, không thu hẹp. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và châu Âu dung túng một số gian lận nhất định từ Trung Quốc về mậu dịch, bởi vì họ giả định rằng khi Trung Quốc trở nên thịnh vượng hơn – nhờ mậu dịch và cải cách kinh tế hướng tư bản – nó cũng sẽ trở nên cởi mở hơn về mặt chính trị. Điều đó đã xảy ra cho đến khoảng một thập kỷ trước.
Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, ông James McGregor, một trong những nhà tư vấn kinh doanh am tường nhất về Trung Quốc và là cư dân lâu năm ở đó, nói rằng rõ ràng Bắc Kinh, “thay vì cải cách và cởi mở”, đã “cải tổ và bó lại”. Thay vì Trung Quốc ngày càng giàu hơn và trở thành một thành viên có trách nhiệm trong sự toàn cầu hóa, nước này đã giàu lên và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông để đẩy Hoa Kỳ ra ngoài. Và quốc gia này đã sử dụng các công cụ công nghệ cao, như nhận dạng khuôn mặt, để tăng hiệu quả thêm trong việc kiểm soát độc tài, chứ không ít đi.
Tất cả đã đến lúc trong các cuộc đàm phán thương mại này. Hoặc Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tìm cách xây dựng sự tin tưởng nhau cao hơn – để sự toàn cầu hóa có thể tiếp tục phát triển và chúng ta có thể cùng nhau phát triển trong kỷ nguyên mới này – hoặc họ sẽ không làm thế. Trong trường hợp đó, toàn cầu hóa sẽ bắt đầu rạn nứt, và cả hai sẽ nghèo đi vì cách đó.