Sự khốn nạn của lịch sử hay lịch sử của sự khốn nạn?

- Quảng Cáo -

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vừa qua của Kim Jong-un (Kim Chính Ân) đã không có nổi một cái “tuyên bố chung” nào. Mặc dù theo thông lệ, nhất là đối với nền ngoại giao “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì những dịp như này thường không thể thiếu cái gọi là văn kiện “phô diễn” kết quả. Hay liệu đấy là do chính Bắc Kinh muốn thế?

CHIẾN THÀNH

Sau cuộc mặc cả chưa thành với Trump, Kim đã nán lại Hà Nội để tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ 1 đến 2/3 (hình như đã rút bớt một ngày so với kế hoạch). Đây thực sự là chuyện hiếm hoi, bởi giữa hai quốc gia “cộng sản nòi”  mà theo mô tả của nhà thơ “cung đình” Tố Hữu thì vốn là “anh em … cùng mẹ sinh ra”, nhưng phải mất 60 năm mới lại có dịp hội ngộ.

Đó là chưa kể, như nhiều nhà bình luận ví von thì Triều Tiên ngày nay được xem như “cái mỏ”, còn Việt Nam là “đôi chân” của “chú Khách”. “Cái mỏ” là để ông chủ sai bảo khi cần gây khó khăn cho tiến trình phi hạt nhân hoá (UNNUKE) với Mỹ, thì phải “mổ” ngay. Về mặt địa chiến lược, hẳn chú Khách phải tính toán như thế, song trên thực tế Kim lại không phải là loại người dễ bề để cho kẻ khác sai khiến.

- Quảng Cáo -

Trong khi đó, để thực thi sáng kiến “vành đai con đường” (BRI) nhằm phá thế thượng phong toàn cầu của Mỹ thì ông chủ lại rất cần đến “đôi chân” lưỡng dụng, vừa kêu đứa con hoang đàng trở về với đất mẹ (lời Dương Khiết Trì khi trở về nước sau chuyến kinh lý Việt Nam năm 2014), vừa tìm cách mở “đường máu” đưa hàng trăm triệu nông dân tràn xuống ĐNÁ (Mao tiết lộ với Lê Duẩn thuở nào).

Sứ mệnh của hai anh em “cùng mẹ khác cha” (cùng là cộng sản nhưng gen Đại Hàn và Đại Việt lại chẳng mấy giống nhau) ngàn xưa đã vậy, từ thuở “An Nam đô hộ phủ” và “An Đông đô hộ phủ”. Nhưng dù là “An Nam” hay “An Đông” thì cũng đều phải cung phụng thiên triều trong sứ mạng trấn giữ sự yên bình tại “miền biên viễn”. 40 năm trước, khi xua quân xâm lược Việt Nam, Đặng cũng từng nói mục đích duy nhất chỉ có vậy (!)

Thế mà lần này,  cả “hai anh em” lại không ra nổi cái “Tuyên bố chung” hay chí ít là “Thông cáo chung” trong chuyến thăm cấp nhà nước nói trên. Bởi theo thông lệ thế giới, nhất là đối với nền ngoại giao “định hướng xã hội chủ nghĩa” và “quốc tế vô sản” thì những dịp như thế này thường không thể thiếu những văn kiện “phô diễn” kết quả. Hay liệu đấy là do chính ông chủ muốn thế?

Chắc vậy! Nếu ra “Tuyên bố chung” thì rách việc lắm. Này nhé, khi ấy “hai anh em” sẽ phải cam kết ủng hộ nhau, hoặc tuyên bố cùng chia sẻ những vấn đề của nhau trước khi đề cập đến  các điểm nóng của khu vực hay thế giới. Hà Nội ủng hộ Kim “unnuke” thì OK vì đã được bật đèn xanh từ trước, mà nếu chưa có cái “thánh chỉ” ấy thì chắc Kim cũng chẳng dám sang Hà Nội để gặp Trump.

Tuy nhiên, làm sao mà Kim Jong-un lại có thể ủng hộ ông Trọng trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa được? Ngay đến cả ông nội ông là Kim Nhật Thành có sống lại chắc cũng chẳng dám. Nhất là khi ông này đã từng công khai ủng hộ Trung Quốc chống lưng cho Khơ-me đỏ để làm “Việt Nam chảy máu” và “dạy cho Việt Nam một bài học”. Chưa hết, ông này còn dành hẳn cho Sihanouk một cuộc sống vương giả trong căn biệt thự “xa xỉ” tại Bình Nhưỡng để tiện bề “thông lưng” với Bắc Kinh.

Ấy vậy mà tối 1/3, Cả Trọng đã cho tổ chức một chương trình văn nghệ đặc biệt trong khuôn khổ quốc yến chào mừng Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un với tựa đề “Ánh dương Mùa Xuân”, do Nhà hát Ca múa kịch Việt Nam thực hiện. Ở đó, các “nghệ sĩ nhân dân” đã biểu diễn các ca khúc  “Đam Mê”, “Trung Thành” – vốn được sáng tác để tôn vinh Kim Chính Nhật và Kim Nhật Thành.

Theo tin TTXVN, Chủ tịch Kim đã đặt vòng hoa tri ân tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Thật ra, có lẽ không cần thiết phải phô trương quá lố đến như vậy. Bởi nếu có thế giới tâm linh, thì ngay chính trong cái đêm diễn đặc biệt ấy, hàng vạn liệt sỹ từ chiến trường Vị Xuyên và biên giới Tây Nam đã phải đội mồ về để chứng kiến những bài hát “ngợi ca” cả gia tộc họ Kim.

Bản thông cáo báo chí vắn tắt về chuyến thăm rình rang của Kim, dưới dạng sáo ngữ. Tại đó, Nguyễn Phú Trọng Trọng đã bày tỏ niềm tin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, đứng đầu là Chủ tịch Kim, nhân dân Triều Tiên sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Cùng thời điểm đó, chính phái bộ Triều Tiên ở LHQ phải lên tiếng kêu gọi thế giới cứu đói cho hơn 10 triệu người (chiếm 40% dân số nước này).

Nhưng thông cáo báo chí đã không đề cập gì đến niềm tin của ông Kim đối với sự nghiệp Đổi mới của ĐCS Việt Nam lẫn công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Cả điều Washington mong đợi, Bình Nhưỡng sẽ biến “phép lạ Việt Nam” thành “phép lạ Triều Tiên” cũng không hề có bất cứ một “bóng chữ” nào trong thông cáo.

Nói chuyến thăm là rình rang, bởi khi sang mất tới 66 giờ, còn khi về thì nghe nói nhanh hơn, chỉ tốn khoảng 60 giờ di chuyển bằng xe lửa. Nhưng oái ăm là bên Bình Nhưỡng, người dân phải dậy sớm trước 3h sáng để rước đón chủ tịch trở về sân ga. Trong khi các cháu thiếu nhi Việt Nam, dưới tiết trời lạnh giá ở Đồng Đăng, cũng phải hàng lối chỉnh tề trước 6h sáng để đón đoàn tàu của Kim chủ tịch.

Blogger J.B Nguyễn Hữu Vinh đã có lý khi buông lời nhận xét: “Cả nước chộn rộn, quan chức chạy ngược chạy xuôi, học sinh phải nghỉ học, chợ búa đóng cửa, xe cộ bị cấm lưu thông, cờ quạt búa xua, công an như muỗi … Nửa phía Bắc tê liệt một phần, đổ tiền dân như nước lã, đốt giấy vụn. Tất cả chỉ để chào đón một kẻ bị mang danh “côn đồ quốc tế”. Điều này thật sự là phản “đắc nhân tâm”.

Thế nhưng, ông Trọng và bộ sậu có thể đã “bắn” đến Washington một thông điệp đầy nguy hiểm, rằng Việt Nam và Triều Tiên là những đồng minh chí cốt. Việt Nam có tiếng nói đối với Triều Tiên (nghe thật huyễn hoặc). Quý vị hãy cẩn thận, đừng để “An Nam” và “An Đông” chúng tôi giương cao ngọn cờ XHCN ngay trong khu vực Indo-Pacific chiến lược của các ông! (Kim chúc Trọng trước khi rời Hà Nội).

Việt Nam rình rang đón Kim để làm gì? Từ cuộc đón tiếp “rình rang” ấy đến cái vị thế “lộng giả thành chân” (when lies become truth), liệu Việt Nam và Triều Tiên sẽ tiến bước trên con đường trở thành những đối tác cùng chung lợi ích, hay sẽ “xuống hố cả nút” (x.h.c.n) trong công cuộc “chống Mỹ cứu Tàu” cho Tập Cận Bình?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here