Việt Nam & Triều Tiên: bài học dành cho nhau

- Quảng Cáo -

Một cách ước lệ, dưới đây là 5 bài học dễ nhận thấy trước và sau thượng đỉnh Mỹ – Triều cũng như qua cuộc viếng thăm chính thức Hà Nội của Kim Jong-un. Tuy nhiên, việc đánh số các bài học không đồng nghĩa với thứ tự của tầm quan trọng. Bài học cuối cùng có khi lại là cốt tử nhất.

Thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Hà Nội kết thúc chóng vánh mà không có một cam kết chung nào giữa các bên. Giấc mơ Hà Nội thành dấu ấn lịch sử đối với tiến trình phi hạt nhân hóa để thỏa mãn cơn khát của “thành phố hoà giải các xung đột quốc tế” gần như về “mo”. Hai ngày nán lại Hà Nội của ông Kim xem ra cũng kém vui, dù Cả Trọng vẫn đãi ông Kim với nghi thức dành cho nguyên thủ.

Tuy nhiên, chuỗi sự kiện liên quan đến ba bên (hẳn nhiên Việt Nam chỉ ngồi ở “ghế phụ”) vẫn để lại một số bài học cho mỗi nước, cũng như cho cả hai. Bài học quan trọng nhất đối với cả Triều Tiên lẫn Việt Nam là số phận của các nước nhỏ trong thời đại ngày nay vẫn được quyết định bởi bàn cờ giữa các cường quốc. Bài học xưa như trái đất này muôn thuở có lẽ vẫn đúng!

- Quảng Cáo -

Ngẫm lại một chút, chẳng có lý gì do để tiếc nuối. Chúng ta (tức Việt Nam) phải hiểu rằng Mỹ – Triều không đạt được thoả thuận như vừa qua là điều logic. Dù chỉ yêu cầu bỏ 5/11 khoản liên quan đến cấm vận, nhưng vấn đề này không thể quyết mà không có tiếng nói của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Bỏ cấm vận để đi đến phi hạt nhân hoá cũng như thống nhất trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn là một “cuộc trường chinh” vạn dặm và liên quan đến nhiều bên.

Trung Quốc không bao giờ mong muốn một quốc gia Triều Tiên thống nhất, độc lập, hùng cường, thoát Trung và có xu hướng thoả hiệp với Mỹ. Nhật Bản cũng chẳng hề muốn có một đối thủ sẽ nổi lên cạnh tranh với họ trên mọi lĩnh vực (Nếu thống nhất, bán đảo Triều Tiên sẽ có gần 80 triệu dân, sở hữu nền tảng kinh tế và khoa học công nghệ rất mạnh, đấy là chưa nói tới cái “máu” dân tộc chống Nhật của dân Hàn).

Và ngay cả Hàn Quốc, dù cùng chung một dân tộc với Triều Tiên và nếm trải nỗi đau chia cắt, nhưng cách biệt giữa hai miền giờ đây đã là quá lớn, bên cạnh gánh nặng phúc lợi vì một cơ cấu dân số “già hoá” chẳng hề kém Nhật, liệu họ có sẵn sàng để chi hàng ngàn tỷ USD nhằm tái thiết miền Bắc (giống như Tây Đức đã từng phải gánh Đông Đức).

Bài học thứ hai, chúng ta (cả Việt Nam lẫn Triều Tiên) cần tỉnh ra ngay, đó là Tổng thống Mỹ bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích nước Mỹ trước tiên, luôn lấy đối ngoại phục vụ đối nội. Nói cách khác, trong trường hợp của Trump, tình hình “nước sôi lửa bỏng” ở Washington những ngày ông vắng nhà, đã buộc ông phải nhanh chóng lấy một quyết định để thu hút truyền thông, nhằm đánh bạt lời khai của tay luật sư Michael Cohen “phản thùng” kia.

Và Trump đã toại nguyện. Sau khi huỷ bỏ bữa tiệc trưa (với một menu rất hấp dẫn), họp báo vội vàng (trong 37 phút) rồi ông lên thẳng chuyên cơ về nước, hiệu ứng có ngay lập tức trên nước Mỹ. Tất cả các nhật báo ở thủ đô, từ The Washington Post đến New York Times, từ Los Angeles Times đến Wall Street Journal… đều đồng loạt chạy trên trang nhất về chuyện đã không thoả thuận được cái “deal” nào với Triều Tiên cả. Hẳn nhiên, lời khai “lật kèo” của Cohen bị đẩy lùi ra những trang sau.

Bài học thứ ba, trong câu chuyện nhiều “chương”, “hồi” về Triều Tiên, cần phân biệt giữa chiến lược với chiến thuật. Nếu chấp nhận dỡ bỏ ngay lập tức toàn bộ cơ sở hạt nhân của mình thì Triều Tiên sẽ còn gì để mặc cả với Mỹ, Nhật, Hàn và cả phương Tây? Đến cả Mỹ cũng tuyên bố “chẳng có gì phải vội”. Bởi vì, nếu Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa ngay thì chẳng còn “raison d’être” nào cho sự hiện diện và chiếc dù an ninh của Mỹ ở Đông Á nữa.

Hơn nữa, câu chuyện đến năm 2020 của Trump là tập trung tái cử. Từ nay đến đó, chắc chắn còn một số màn trình diễn thượng đỉnh Trump – Kim nữa. Nhưng cứ “diễn” mãi thì cũng dễ nhàm chán. Vì vậy sẽ có những thoả thuận “bán phần” nào đấy đủ để nuôi dư luận Mỹ. Rằng, nếu không phải là Tổng thống Trump thì giờ này, Hoa Kỳ và Triều Tiên đang chuẩn bị lâm chiến. Đấy là chiêu Ban vận động tranh cử của Trump cần cho thời gian tới.

Bài học thứ tư, nên tránh rơi vào trạng thái ảo tưởng hay tự huyễn hoặc. Giả định Triều Tiên thành một Việt Nam thứ hai là ăn phải “bả tuyên truyền” của mấy ông Mỹ. Mỹ có ẩn ý đằng sau việc ca tụng “mô hình Việt Nam”. Còn ông Kim từ bé học ở Thuỵ Sỹ sao lại có thể mê món “bún chả” kinh tế thị trường nửa dơi nửa chuột? Chẳng phải bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thừa nhận, mô hình ấy “không hề có trong lý thuyết mà cũng chẳng mấy ai hiểu nổi trên thực tế”.

Rồi nữa, Đặng cởi trói vì kinh tế Tàu lúc bấy giờ kiệt quệ sau những chính sách của Mao Trạch Đông. Lãnh đạo Việt Nam học phép “cởi trói” kinh tế của Trung Quốc khi viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu chấm dứt. Kim Jong-un không lâm vào tình trạng ấy. Sau khi Kim bắt tay Trump năm ngoái, Trung Quốc, Nga và các nước châu Phi đã tìm cách xé rào, né tránh các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc để liên hệ, trao đổi với Bắc Hàn. Cho nên chế độ của gia tộc Kim có lẽ vẫn sẽ sống dài dài.

Bài học cuối cùng, thứ năm nhưng lại rất quan trọng (the last but not least), đó là phải cắt nghĩa thế nào cho “chuẩn khỏi cần chỉnh” cái xu thế “viễn Trung cận Mỹ”, tức là “thoát Trung và xích lại gần Mỹ” trong thời đại ngày nay? Triều đại Kim III này lên ngôi 6 năm xử trảm cả chú họ từng đưa mình lên ngai vàng lẫn anh trai, chỉ vì tội “quá thân Tàu” hoặc nghi “do Trung Quốc nuôi” (và chắc có ý tạo phản). Thế không phải là “thoát Trung” thì là gì?

“Thoát” nhưng khi cần thì vẫn “nhào dzô” đấy. Trong vòng 10 tháng, ông Kim qua lại Trung Quốc bốn lần. Đấy là chưa kể lần sang Việt Nam và lần từ Hà Nội về Bình Nhưỡng vừa rồi không loại trừ có thêm các cuộc tiếp xúc bí mật thứ năm hay thứ sáu ngay trên đường (?). Dù “cùng một mẹ sinh ra” và bây giờ thì chẳng còn chất keo “cộng sản” nào dính hai nước được với nhau, nhưng cách hành xử của Kim đối với Trung Quốc xem ra rất đáng để mấy người ở Ba Đình học tập!!!

Tập Cận Bình – Kim Jong-un

Dẫu rằng, cách “thoát Trung” của anh Kim này chẳng mấy nhân văn và có lẽ chẳng quốc gia nào trên thế gian này có thể học hỏi các phương thức bạo chúa ấy. Nhưng phải thừa nhận “anh chàng ôm hoả tiễn” kia (rocketman là lời của Trump từng chỉ trích Kim) không phải là không dám “chơi rắn” với Trung Quốc khi cần (mà anh ta cũng có đường biên giới chung với Trung Quốc giống ta đấy thôi).

“Xích lại gần Mỹ” là câu chuyện rất thời sự. Nguyễn Gia Kiểng đã đúng khi cho rằng, ban lãnh đạo Việt Nam có lý khi cố gắng tách dần khỏi quỹ đạo Trung Quốc và sáp lại với Mỹ. Nhưng sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng có thể mật thiết với Mỹ mà vẫn giữ nguyên chế độ độc tài toàn trị. Điều này có thể đúng với Trump, nhưng Trump chỉ là một “dấu ngoặc đơn” (…) trong nền chính trị Hoa Kỳ. Gánh nặng trên vai Cả Trọng trong chuyến thăm Mỹ tới đây, vì vậy, xem ra chẳng mấy nhẹ nhàng./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here