70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời

- Quảng Cáo -

Đỗ Đăng Liêu – Web Việt Tân

Thế Chiến Thứ Hai, khiến cho 80 triệu người chết, là biến cố gây thiệt hại về sinh mạng lớn nhất trong lịch sử loài người, không kể đến tổn thất khổng lồ về vật chất, đã là lời cảnh báo, đánh thức lương tâm nhân loại, và nói riêng là các cường quốc nguyên tử thời bấy giờ về nguy cơ của một cuộc thế chiến kế tiếp trong tương lai có thể làm nổ tung cả trái đất, tận thế của loài người.

Vì thế, vào năm 1944, ngay trước khi chiến tranh chấm dứt, các cường quốc lúc bấy giờ thuộc phe Đồng Minh là Mỹ, Anh và Nga đã dự kiến xây dựng một nền hoà bình lâu dài cho toàn nhân loại; từ đó nẩy sinh ý định thành lập một cơ cấu quốc tế với vai trò duy trì hòa bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

Trong mục tiêu đó, tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời vào ngày 26/6/1945 tại New York, Hoa Kỳ và trụ sở được đặt tại đó cho tới ngày hôm nay.

- Quảng Cáo -

Song song với việc thành lập một tổ chức, là Liên Hiệp Quốc, ý thức về sự tôn trọng “quyền làm người, hay nhân quyền, của mỗi cá nhân” được cho là yếu tố căn bản và cần thiết phải phát triển để xây dựng một nền hoà bình lâu dài cho toàn thế giới. Nhu cầu cần có một tuyên ngôn về quyền làm người đã đưa đến sự ra đời của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp Quốc.

Bà Eleanor Roosevelt cầm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Bà tuyên đọc.

Cốt lõi của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Trong tiến trình soạn thảo kéo dài 4 năm trời, ban soạn thảo Tuyên Ngôn gồm 50 luật gia hàng đầu thế giới đã quy định là Tuyên Ngôn phải đạt được những mục tiêu căn bản sau:

– Tuyên Ngôn phải mang tính phổ quát, có giá trị cho tất cả mọi cá nhân trên toàn thế giới chứ không riêng cho một quốc gia hay dân tộc nào.

– Các quyền con người được nêu lên trong Tuyên Ngôn là những quyền tối thiểu mà mọi người phải có để xứng đáng là một con người.

– Đây là những quyền bẩm sinh, đã sinh ra làm kiếp người đương nhiên phải có các quyền này.

– Mọi chính quyền tự nhận là dân chủ có nghĩa vụ thực thi các quyền này.

Ban soạn thảo Tuyên Ngôn đã ứng dụng 2 câu châm ngôn của Đông và Tây là “Điều gì mình không muốn thì đừng làm với người khác” và “Đừng làm cho người khác điều mà mình không muốn người khác làm cho mình” trong việc soạn thảo ra các điều lệ của Tuyên Ngôn.

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc họp tại Palais de Chaillot, Paris, Pháp Quốc, thông qua vào nửa đêm 10 Tháng 12, 1948 với 40 quốc gia bỏ phiếu thuận, 8 quốc gia hiện diện nhưng không bỏ phiếu, và 2 quốc vắng mặt không bỏ phiếu.

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền gồm 30 Điều, nêu lên 30 quyền căn bản tối thiểu của con người. Năm nhân quyền căn bản nhất được nêu lên trong TNQTNQ là:

– Quyền được bình đẳng,

– Quyền không bị kỳ thị,

– Quyền được sống, được tự do, được an toàn cá nhân,

– Quyền không bị làm nô lệ,

– Quyền không bị tra tấn hay bị hạ nhục.

Những đóng góp của Tuyên Ngôn Nhân Quyền cho nhân loại trong 70 năm qua

Cho tới ngày hôm nay, năm 2018, Liên Hiệp Quốc được 73 tuổi và có 193 quốc gia thành viên; Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được 70 tuổi, đã được dịch ra hơn 375 thứ tiếng và phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, và trừ ra một số quốc gia theo chính thể độc tài, được thế giới coi là khuôn mẫu nhân quyền để toàn nhân loại hướng tới.

Được sinh ra từ sự thức tỉnh của nhân loại qua thảm họa chiến tranh nên hẳn nhiên mục tiêu chính yếu nhất của Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là ngăn chặn để chiến tranh không xảy ra nữa và kế đến là cải thiện tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới.

Hai cuộc chiến khốc liệt nhất, mang đến nhiều tổn hại sinh mạng và tài sản cho nhân loại là Thế Chiến Thứ Nhất và Thế Chiến Thứ Hai chỉ cách nhau có 21 năm. Kể từ khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt vào năm 1945, đến nay đã được 73 năm, tuy đã có một số cuộc chiến lẻ tẻ tại một vài nơi và một số nguy cơ được đánh giá là có thể đã gây ra Thế Chiến Thứ Ba, nhưng cuối cùng thế chiến đã không xảy ra. Phải chăng đó là nhờ sự hiện hữu của Liên Hiệp Quốc với những nỗ lực liên lạc, móc nối, dàn xếp, thương lượng liên tục và triền miên để thế chiến không xảy ra mặc dù nhiều khi rất căng thẳng. Có lẽ đây là điều mà khó ai có thể phủ nhận bất chấp một số lập luận bi quan cho rằng Liên Hiệp Quốc chỉ là một tổ chức bù nhìn, không thực lực.

Về lãnh vực nhân quyền thì, hẳn nhiên là tại bất cứ quốc gia nào, kể cả những quốc gia tự do dân chủ nhất thế giới, nhân quyền vẫn luôn là đề tài được quan tâm cải thiện, và nổi trội nhất là tại những quốc gia cộng sản hay độc tài, sự vi phạm quyền con người vẫn tiếp tục ở mức độ trầm trọng.

Tuy nhiên, trong khung cảnh của một “thế giới phẳng”, hay “làng thế giới”, khi các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau hơn, khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước, thông tin, sự hiểu biết về quyền con người được phổ biến và ý thức rộng rãi hơn trước đã giúp rất nhiều cho nỗ lực ngăn chận những vi phạm nhân quyền tại khắp mọi nơi. Tình trạng kinh tế và chính trị của mọi quốc gia móc nối chặt chẽ với nhau, đã không còn tình trạng “đóng cửa biên giới” và mặc kệ thế giới bên ngoài, ngay cả những quốc gia coi thường tự do dân chủ và đàn áp người dân tàn bạo nhất cũng không còn có thể coi thường áp lực của thế giới mà điển hình là qua cơ cấu của Liên Hiệp Quốc.

Như vậy, có thể kết luận mà không sợ sai lầm là tổ chức Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, từ khi được sản sinh ra đã đóng góp rất lớn vào 2 mục tiêu là tránh chiến tranh và cải thiện nhân quyền trên toàn thế giới.

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và thực tế Việt Nam

Trong khoảng thời gian từ năm 1945, khi Liên Hiệp Quốc và sau đó là Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời năm 1948, cho tới năm 1954, khi Việt Nam bị chia thành 2 miền Nam và Bắc, nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất có tên là Quốc Gia Việt Nam.

Sau khi Việt Minh của ông Hồ Chí Minh cướp chính quyền ở miền Bắc thì lập ra một chính phủ song song dưới tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà nhưng không được thế giới công nhận và đơn xin gia nhập Ủy Ban Kinh Tế Châu Á và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc bị bác bỏ trong khi Quốc Gia Việt Nam được chấp nhận.

Tại miền Nam Việt Nam, dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được in ấn, phổ biến và giảng dạy tại bậc trung học.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phát hành

Ở miền Bắc, dưới chế độ cộng sản, độc tài độc đảng, nhân quyền là chuyện không nên nhắc tới.

Mãi tới năm 1977, sau khi xâm lăng chiếm trọn miền Nam, đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của nhà cầm quyền CSVN mới được chấp thuận.

Tuy trở thành thành viên của tổ chức cha đẻ của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhưng từ lý thuyết cho tới thực hành, nhà nước CSVN vẫn duy trì bản chất cố hữu là một đảng độc tài khinh rẻ nhân quyền, ngoài thì lệ thuộc ngoại bang, từ Tàu sang Nga rồi trở lại Tàu; trong thì đàn áp, giam cầm, giết chóc người dân. Cho nên nói chuyện nhân quyền của người dân dưới chế độ cộng sản Việt Nam là … nói chơi.

Bước qua thời đại tin học, với Internet, các mạng xã hội, Facebook, Twitter, và điện thoại di động cầm tay được người dân Việt sử dụng rộng rãi bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản của nhà cầm quyền cộng sản, thông tin về những vi phạm nhân quyền và tội ác của cộng sản ngày một được phơi bày rõ hơn cho người dân trong nước và toàn thế giới, và đưa nhà nước CSVN tới thế tiến thoái lưỡng nan. Không trấn áp, bịt miệng người dân thì phong trào dân chủ sẽ bùng nổ lớn dẫn tới sự sụp đổ của chế độ; trấn áp người dân thì bị thế giới trừng phạt trên căn bản vi phạm nhân quyền mà CSVN đã ký kết phải tuân thủ.

Thế tiến thoái lưỡng nan này chắc chắn cũng sẽ là bước đường cùng của Đảng và Nhà Nước CSVN, một kết cục chắc chắn së diễn ra trong thời gian ngắn trước mặt mà toàn dân Việt Nam mong đợi.

Đây cũng là một đóng góp tích cực của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cho dân tộc Việt Nam, một thành phần của cộng đồng nhân loại, đáp ứng sự mong đợi của Bản Tuyên Ngôn.

Đỗ Đăng Liêu

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here