Lá cờ của Đài Loan phấp phới ở Bình Dương, Việt Nam, có lẽ không qua được 72 tiếng đồng hồ, nhưng bản thân sự có mặt của nó như là một cuộc kháng chiến không mệt mỏi về chủ quyền của mình.
2 ngày sau khi có tin hãng gỗ Kaiser ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương được treo cờ Đài Loan để phân biệt với các công ty Trung Quốc trong khu vực này, nhằm tránh các cuộc biểu tình bao động nhằm vào Trung Quốc, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã giận dữ yêu cầu Việt Nam phải “sửa sai” về việc này. Thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc phát đi dõng dạc vào ngày 31/7/2018.
Dĩ nhiên, sớm muộn gì công ty Kaiser cũng sẽ phải hạ cờ và thay bằng hình thức gì đó khác. Bởi sự cho phép treo cờ, chắc chắn hoàn toàn nằm ở ý kiến chủ quan của chính quyền địa phương. Mà nguyên nhân chính là Kaiser là công ty đóng góp đến chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, vào thị ttrường quan trọng là Hoa Kỳ.
Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì, khi so với sức nặng của nền kinh tế Việt Trung, khi nền kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỷ USD. Mạnh tiền, đồng nghĩa mạnh quyền. Dĩ nhiên, đó là chưa nói đến tình hữu nghị kỳ lạ giữa hai đảng cộng sản, không liên quan gì đến nhân dân Việt Nam.
Không chỉ Việt Nam, nhiều hãng máy bay đi ngang biển Đông hiện nay, nằm trong vùng kiểm soát Trung Quốc từ tháng 7 vừa qua đã phải đổi tên gọi trên bản đồ và cách xưng hô, để xác định Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng đang phải tiến hành những yêu cầu này của Trung Quốc.
Số phận của lá cờ Đài Loan nhắc cũng như dự báo rất nhiều điều về một Trung Cộng và Việt Nam. Vô số những tàu cá mang cờ VN đi trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa đều bị tấn công dã man vì Trung Quốc không muốn lá cờ chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong vùng họ chiếm đóng. Nhượng bộ để hạ cờ Đài Loan ở Bình Dương lúc này, cũng là cách mà Việt Nam luôn né tránh và im lặng về giá trị của một đất nước mà họ nắm quyền, nên việc hy sinh ai đó khác, cho mối liên minh ma quỷ ấy, cũng không lạ.
Lá cờ của Đài Loan có thể coi như một cuộc khởi nghĩa nho nhỏ bất thành trong lòng liên minh các thù địch. Nó lại nhắc nhớ khi ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc ghé Sài Gòn và nơi ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp đón phải che bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa – Trường Sa. Ông Nhân quả cũng có một cơ hội “khởi nghĩa” nhỏ nếu để cho tay Hoàng Khôn Minh ấy nhìn thấy tấm bản đồ chủ quyền Việt Nam. Nhưng không, ước muốn ấy, hy vọng ấy luôn chỉ có ở những người yêu nước và đủ nhân cách.
Một tay buôn gỗ mà có lòng ái quốc hơn cả một nhân vật lãnh đạo, quyền kiểm soát một hệ thống chính trị kiểu ấy có đáng để so sánh cùng?