10 sự kiện nổi bật tại Việt Nam năm 2015

1Ông Nguyễn Bá Thanh đã qua đời bất thường sau khi đưa về từ Hoa Kỳ

Ông Nguyễn Bá Thanh đang điều trị tại một bệnh viện ở Thành phố Seattle, Hoa Kỳ

Ông Nguyễn Bá Thanh sinh năm 1953, cựu Bí thư thành phố Đà Nẵng, được ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra Hà Nội giữ trách nhiệm Trưởng ban nội chính trung ương vào tháng 12/2012 mà mục tiêu chính là giải quyết các vụ trọng án tham nhũng trong các Tập đoàn kinh tế do ông Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm. Ông Thanh phát hiện bệnh suy tủy vào tháng 4/2014 và sau đó được đưa sang cứu chữa tại một bệnh viên ở Hoa Kỳ từ cuối tháng 8/2014 đến đầu tháng 1/2015. Ông Thanh được đưa về Đà Nẵng để chữa trị theo Đông y và đã mất vào ngày 13/2/2015. Theo tài liệu của Blog Chân Dung Quyền Lực thì ông Nguyễn Bá Thanh đã bị nhiễm chất phóng xạ do tình báo Trung Quốc đầu độc, qua sự sắp xếp của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

2Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi bị truy tố vì chống tham nhũng

Trang điện tử của báo Người Cao Tuổi bị đình bản và Tổng biên tập Kim Quốc Hoa bị truy tố theo điều 258 Luật hình sự

Báo Người Cao Tuổi thuộc Hội Người Cao Tuổi do ông Kim Quốc Hoa, sinh năm 1945, làm Tổng biên tập đã phanh phui hơn 2.500 hồ sơ tham nhũng từ năm 2017-2014. Sau vụ phanh phui hồ sơ tham nhũng của nguyên thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, báo Người Cao Tuổi bị Bộ Thông tin & Truyền thông thanh tra đột xuất từ 7/11/2014 đến 7/1/2015 và đến ngày 9/2, Bộ này đã ra lệnh đình bản trang điện tử và yêu cầu Bộ công an khởi tố ông Kim Quốc Hoa đã đăng tải những bài có nội dung sai sự thật. Bộ công an CSVN đã khởi tố ông Kim Quốc Hoa về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật hình sự.”

3Người dân phản đối chính quyền Hà Nội chặt 6.700 cây xanh

Công nhân thuộc sở Xây dựng thành phố Hà Nội đang chặt hạ các cây xanh tại Hà Nội

Cuối 2013, thành phố Hà Nội đưa ra kế hoạch chỉnh trang thủ đô bằng cách cho chặt, đốn 6.700 cây xanh, đặc biệt là những cây xa cừ có lịch sử hàng trăm năm rất hiếm quý, trong giai đoạn 2014-2016. Khi thành phố tiến hành việc chặt, đốn hàng trăm cây xa cừ trên những đường phố chính, thì người dân thủ đô cùng với cộng đồng mạng phản đối mạnh mẽ. Ngày 1/4/2015, Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phải ký “công văn hỏa tốc” gởi Chánh thanh tra thành phố và Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu ngưng chặt cây xanh và tiến hành thanh tra để “xử lý nghiêm” trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ này. Theo báo Tiền Phong thì mỗi cây xa cừ được bán ra từ 6 đến 7 triệu, vì thế mà cán bộ Hà Nội đem bán cây cho nhà thầu và sẽ bỏ túi từ 150 tỷ đến 220 tỷ đồng.

4Nông dân Binh Thuận chiếm Quốc lộ phản đối ô nhiễm môi trường

Người dân xã Vĩnh Tân, Bình Thuận dùng bàn ghế, cây để ngăn chận xe lưu thông trên Quốc lộ 1

Từ nhiều năm qua, người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã liên tục khiếu nại và yêu cầu nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải chấm dứt tình trạng xả tro bụi  than gây ô nhiễm môi trường. Nhất là những tro bụi đang làm thiệt hại việc trồng trọt và  gây tác hại đến phổi, đường hô hấp và nguồn nước của người dân trong vùng. nhưng nhà máy đã không chịu khắc phục. Ngày 14/4 dân chúng tụ tập trước nhà máy nhiệt điện phản đối nhưng không ai giải quyết; dân chúng đã rủ nhau mang bàn ghế ra chiếm Quốc lộ 1 làm tắc nghẽn lưu thông và các đoàn xe bị ứ đọng đến hàng cây số. Mãi cho đến chiều ngày 15/4 nông dân Bình Thuận mới chịu ngưng việc ngăn chận Quốc lộ 1, sau khi ban quản trị nhà máy hứa sẽ giải quyết việc thải tro bụi than, dưới sự giám sát của chính quyền.

5Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên thăm Hoa Kỳ

Ông Nguyễn Phú Trọng bắt tay ông Obama tại Tòa Bạch Ốc

Đánh dấu 20 năm (2005-2015) quan hệ ngoại giao bình thường, Tổng thống Obama đã đưa ra lời mời lãnh đạo nhà nước (Chủ tịch nước hay Thủ tướng) viếng thăm Hoa Kỳ; nhưng ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN lại muốn đi sang Hoa Kỳ để  đánh dấu một chuyển biến lịch sử. Chuẩn bị cho chuyến đi, phía CSVN đã gửi nhiều đoàn công tác sang Hoa Kỳ vận động, kể cả việc bỏ tiền mua ảnh hưởng đối với một số cơ quan truyền thông và nghiên cứu Hoa Kỳ. Phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 10 tháng 7. Ngoài cuộc gặp chính thức Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, ông Trọng đã được Bộ trưởng ngoại giao John Kerry mời dự tiệc và sau đó đến nói chuyện tại trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSIS).

6Việt Nam được chấp thuận tham gia vào Hiệp định TPP

Đại diện Việt Nam và 11 Quốc gia trong TPP họp báo công bố kết quả thông qua Hiệp Định TPP tại Atlanta vào ngày 5/10/2015

Sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng từ tháng 3/2010, 12 quốc gia đã kết thúc phiên đàm phán TPP sau cùng vào rạng sáng ngày 5/10 tại Atlanta, Hoa Kỳ.  TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.  Mục tiêu ban đầu của TPP là giảm 90% các loại thuế xuất nhập cảng giữa các nước thành viên trước ngày 1/1/2006 và cắt giảm còn 0% vào năm 2015 và cuối cùng là để tiến tới việc xoá bỏ hoàn toàn các rào cản cho hàng hoá, dịch vụ xuất nhập cảng trong khối.

Hiện tại 12 thành viên của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và chiếm 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Các tỷ lệ này cho thấy vai trò quan trọng của TPP trên bàn cờ kinh tế chính trị thế giới.

7Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 

Thủ tướng Najib Razak (trái) của Malaysia, nước đăng cai Thượng đỉnh 27 của Asean bắt tay Tổng thư ký Asean, Lê Lương Minh, tại lễ ký tuyên bố thành lập ACE AEC hôm 22/11/2015

AEC được coi là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm Nhìn ASEAN 2020. Hai trụ cột còn lại là Cộng đồng an ninh ASEAN và Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN. Ngày 22/11, lãnh đạo cấp cao ASEAN đã bắt đầu Lễ ký kết “Tuyên bố Kuala Lumpur 2015” về việc hình thành Cộng đồng kinh tế, với tổng dân số khoảng 625 triệu dân, tổng GDP toàn khu vực là 2.600 tỷ Mỹ Kim và tổng kinh ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ Mỹ Kim năm 2014. Hiện nay, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp. Việt Nam buộc phải thay đổi rất nhiều thì mới có thể khai thác hiệu quả hai lợi điểm là 100% hàng hóa của mình được tự do lưu chuyển trong khối, và nhờ vậy có thể thu hút thêm đầu tư của những nước trong vùng.

8Công an CSVN bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài theo điều 88

Thánh lễ cầu nguyện cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và Cô giáo Lê Thu Hà bị công an bắt giữ vì điều 88, tại Nhà thờ Thái Hà ngày 27/12/2015

Luật sư Nguyễn Văn Đài, sáng lập viên Hội anh em dân chủ vào năm 2013, đã bị cơ quan an ninh đến bắt tận nhà và truy tố tội tuyên truyền chống phá nhà nước vào sáng ngày 16/12. Ngoài ra, cơ quan an ninh còn bắt giam cô giáo Lê Thu Hà, một cộng tác viên của Luật sư Đài trong Hội anh em dân chủ nhưng chưa cho biết lý do bắt giữ. Năm 2007, LS Đài cũng bị bắt và truy tố cùng tội danh nói trên khi cùng với Luật sư Lê Thị Công Nhân tổ chức các khóa học về quyền con người. Chính quyền Hoa Kỳ và nhiều cơ quan quốc tế, chính giới, đã lên án việc bắt giữ phi pháp và tùy tiện của CSVN. Dòng Chúa Cứu Thế đã tổ chức hai thánh lễ tại Thái Hà và Kỳ Đồng để cầu nguyện cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô giáo Lê Thu Hà với sự tham dự của các nhà dân chủ và giáo dân.

9Hà Nội, Sài Gòn biểu tình chống Tập Cận Bình thăm Việt Nam

Biểu tình chống Tập Cận Bình thăm Việt Nam tại Hồ Con Rùa, Sài Gòn

Đánh dấu 65 năm quan hệ, CSVN đã mời ông Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam trong vòng 1 ngày từ chiều mồng 5/11 đến chiều mồng 6/11. Ngoài những buổi đón tiếp và gặp gỡ tứ trụ, ông Tập Cận Bình có một bài phát biểu khoảng 10 phút tại quốc hội. Ngay trước khi ông Tập đến Việt Nam, đã có vài cuộc biểu tình diễn ra tại Sài Gòn và Hà Nội; nhưng cuộc biểu tình vào ngày 5/11 đã bị công an đàn áp. Riêng ở Sài Gòn công an đã  đánh nhà dân chủ Trần Bang đổ máu và bắt giữ một số người khi đoàn biểu tình tuần hành quanh khu vực Hồ Con Rùa. Trong khi đó, ngay sau khi rời Việt Nam đến Singapore tối ngày 6/11, Tập Cận Bình lại tuyên bố rằng những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại, gây phẫn nộ mạnh mẽ trong quần chúng Việt Nam.

10Nhiều thành phố phá sản, hết tiền trả lương cho công nhân viên

Cạn kiệt ngân sách, khiến cho nhiều Thành phố hết tiền trả công nhân viên

Trong Hội thảo Tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội vào ngày 22/10, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Kế hoạch báo động là ngân sách nhà nước chỉ còn 45.000 tỷ đồng không còn đủ tiền hoạt động. Sự cạn kiệt ngân sách, dẫn đến sự kiện chưa từng xảy ra đối với chế độ bao cấp là sự phá sản của một số thành phố, khởi đầu là hành phố Bạc Liêu và Cà Mau tuyên bố hết tiền hoạt động từ đầu tháng 12. Sau đó thành phố Hải Phòng, tỉnh Đắk Lắk công bố hết tiền trả lương nhân viên các bệnh viện, tỉnh Gia Lai thì hết tiền trả lương giáo viên … Danh sách vỡ nợ, bao gồm cả các tỉnh giàu lẫn nghèo, chắc chắn sẽ còn bùng nổ hơn nữa nếu không có lệnh của Ban Tuyên giáo cấm báo đài đăng thêm loại tin này. Bức tranh tài chánh của Hà Nội chưa bao giờ thê thảm như trong năm 2015.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here