Trân Văn – VOA
Tuần này, Trung Quốc lại vừa dọa Đài Loan. Phát ngôn viên Văn phòng Đặc trách Vấn đề Đài Loan của Trung Quốc lại khẳng định ý chí của Trung Quốc không cho phép Đài Loan độc lập dưới bất kỳ hình thức và Trung Quốc có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ (1)…
Tuần trước, Trung Quốc cũng tiếp tục dọa Việt Nam như thế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh ngừng đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Quốc trên vùng biển Nam Trung Hoa vì lệnh đó là biện pháp thuộc quyền hành chính của Trung Quốc (2)...
***
Đài Loan giống Việt Nam ở chỗ liên tục bị Trung Quốc dọa dẫm và những dọa dẫm ấy đều liên quan đến chủ quyền quốc gia. Đài Loan bị cấm tuyên bố “độc lập” còn Việt Nam bị cấm tuyên bố có “chủ quyền ở biển Đông” (nơi mà thiên hạ vẫn gọi là vùng biển phía Nam Trung Hoa).
Cả hai đều liên tục bị Trung Quốc cảnh cáo, rằng sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của Trung Quốc nếu ngoan cố đòi những thứ mà Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định vốn không phải của Đài Loan hay của Việt Nam (3)!
Tuy yếu tố vừa nêu cho thấy giữa Đài Loan và Việt Nam có điểm tương đồng trong quan hệ của từng bên với Trung Quốc nhưng không thể so Đài Loan với Việt Nam. Đem Đài Loan so với Việt Nam hoặc ngược lại sẽ hết sức khập khiễng dù chủ quyền quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của cả hai đều bị Trung Quốc đã xâm hại lại còn hăm dọa.
***
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam có tư cách và tư thế của một quốc gia, Đài Loan thì không. Đài Loan chỉ là một lãnh thổ, dù có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền riêng nhưng mất tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc từ đầu thập niên 1970, đến giờ vẫn còn tranh đấu để được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một thực thể độc lập.
Đó cũng là lý do, tuy có quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, Đài Loan không có Đại sứ quán trên lãnh thổ của những quốc gia ấy mà chỉ mở các “Văn phòng”. Do áp lực của Trung Quốc, nhiều quốc gia từ chối đón tiếp các viên chức trong hệ thống công quyền của Đài Loan. Nhiều tổ chức quốc tế (như Tổ chức Y tế Thế giới – WHO,…) không trao cho Đài Loan tư cách thành viên. Ở Việt Nam, khi đề cập đến Đài Loan, nhiều cơ quan truyền thông chính thức còn mở ngoặc chú thích… thuộc Trung Quốc!
Đài Loan cũng không thể sánh với Việt Nam về diện tích và dân số. Diện tích của Đài Loan chỉ chừng 1/10 diện tích Việt Nam và dân số của Đài Loan chỉ khoảng 1/4 dân số Việt Nam. Về mặt chính trị, nếu xét theo quan điểm chính thống tại Việt Nam, Đài Loan không thuộc nhóm… ưu việt, chỉ cần một đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối như Việt Nam. Ở Đài Loan hiện có khoảng… 280 đảng theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau, kể cả đối đầu trong việc vươn lên thành một quốc gia độc lập hay thống nhất với Trung Quốc.
Đài Loan chỉ hơn Việt Nam ở thứ hạng về kinh tế và mức độ phát triển. Xét ở khía cạnh này, Đài Loan ở vị trí 22 và Việt Nam ở vị trí 42. Tuy nhiên nếu nhìn khía cạnh ấy theo nhãn quan của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, người Việt không cần bận tâm. Đầu năm nay, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng mới tái khẳng định: Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay (4)! So sánh thứ hạng về kinh tế và mức độ phát triển rồi thắc mắc sẽ trở thành phản động, có thể bị trừng trị!
Thế nhưng có một điểm đáng buồn là thiên hạ chưa chịu… nhìn như “ta”, chưa… thấy sự ưu việt của “ta”. Trong mắt của họ, thứ hạng về kinh tế và mức độ phát triển của một quốc gia liên quan quan mật thiết đến chuyện định hình cách ứng xử với công dân của quốc gia đó. Năm ngoái, khi xếp hạng về giá trị sử dụng các hộ chiếu, Henley & Partners (công ty chuyên tư vấn về cư trú và quyền công dân) đặt “sổ thông hành” của Đài Loan vào vị trí 31 và đặt hộ chiếu Việt Nam vào vị trí… 90!
Tại sao chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một quốc gia mà dân Đài Loan lại có thể dùng “sổ thông hành” của lãnh thổ này để đến 145 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, không cần xin visa, trong khi con số tương ứng với công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ có… 51? Vì sao giá trị sử dụng hộ chiếu của ta chỉ cỡ 1/3 so với “sổ thông hành” của Đài Loan mà “ta” không… quyết liệt đấu tranh với cộng đồng quốc tế như vẫn… kiên quyết đấu tranh với những đồng bào không chịu thừa nhận ta… ưu việt?
***
Trong bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng hung hăng, càn rỡ và dù phải đối diện với thực trạng độc lập bị đe dọa, chủ quyền bị xâm hại như Việt Nam nhưng so về mức độ “giác ngộ cách mạng”, dân chúng Đài Loan thua “ta”. Họ từ chối bỏ phiếu cho những đảng ủng hộ việc đặt Đài Loan dưới quyền thống thuộc Trung Quốc để duy trì sự “ổn định chính trị”. Giống như lần bầu cử trước, họ lại dồn phiếu cho đảng Dân Tiến, giúp bà Thái Anh Văn tái đắc cử, trở thành Tổng thống Đài Loan thêm một lần nữa.
Bà Thái Anh Văn không chỉ là cái gai trong mắt Trung Quốc, người phụ nữ này đã cũng như đang là ác mộng của Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của bà, chính quyền Đài Loan đã khiến vòng vây mà Trung Quốc từng thiết lập để ngăn cản cộng đồng quốc tế đối xử với Đài Loan như một thực thể độc lập, hết vỡ ở chỗ này tới bị bục ở chỗ khác. Càng ngày càng nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế tỏ ra khó chịu với những đòi hỏi của Trung Quốc về cách ứng xử với Đài Loan (5).
Chắc chắn là không ngoa chút nào nếu bảo rằng bà Thái Anh Văn đã dẫn dắt chính quyền Đài Loan biến Trung Quốc trở thành lố bịch trong mắt thiên hạ và càng ngày thiên hạ càng thêm ác cảm với Trung Quốc! So với “ta”, bà Thái Anh Văn không khôn ngoan vì tự biến bà lẫn đảng của bà thành kẻ thù mà Trung Quốc tìm mọi cách loại bỏ. Nhiều năm nay, người phụ nữ này và đảng Dân Tiến ở Đài Loan luôn bị đẩy vào thế phải nỗ lực tối đa để chống chọi với đủ loại áp lực do Trung Quốc tạo ra cả trong đối nội lẫn đối ngoại.
Chủ tịch của “ta” khôn ngoan hơn nhiều. Đâu phải tự nhiên mà ông vặn vẹo những người thắc mắc về cách ứng xử của ta với thái độ hung hăng và những đòi hỏi càn rỡ của Trung Quốc: Nếu để xảy ra đụng độ thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không (6)? So về sự tài tình và mức độ sáng suốt, Tổng thống Đài Loan và đảng Dân Tiến không thể sánh được với Chủ tịch của “ta” và đảng “ta”.
Bất kể Chủ tịch Trung Quốc từng vài lần khẳng định: Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền (7) nhưng Tết âm lịch vừa qua, Chủ tịch của “ta” vẫn gọi điện thoại chúc Tết Chủ tịch Trung Quốc, nhân tiện “Chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (8).
Rõ ràng không có chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc sẽ không có yêu sách vô lối về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ không có thái độ hung hăng, ứng xử càn rỡ như đã thấy cả với “ta” lẫn thiên hạ, cho nên: Chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc làm nhiều người cảm thấy khó hiểu!
Những người đã hoặc vẫn còn cảm thấy khó hiểu cần tự kiểm và tự phê một cách nghiêm khắc vì không tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng ta, không hội đủ tiêu chuẩn nhận vinh dự là… nhân dân ta! Thật đáng ngại khi càng ngày càng nhiều người chối bỏ… vinh dự cao quý này, một số công khai ủng hộ các thế lực thù địch, phản động, số nhẹ dạ, cả tin, nghi ngại Chủ tịch “ta” và đảng “ta” càng ngày càng đông, công tác tuyên truyền kết hợp với các biện pháp răn đe, giáo dục càng lúc càng khó khăn, phức tạp.
***
Tháng giêng vừa qua, bà Thái Anh Văn tái đắc cử, tiếp tục đảm nhận vai trò Tổng thống Đài Loan thêm bốn năm nữa (2020 – 2024). Đến tháng 4, khi được mời tham gia vào một cuộc khảo sát, 70% dân chúng Đài Loan cho biết họ muốn bỏ “China” ra khỏi Quốc hiệu (Republic of China) để minh định với cộng đồng quốc tế, Đài Loan là Taiwan, không liên quan đến Trung Quốc, thiên hạ không nên đối xử với người Đài Loan bằng định kiến vẫn dành cho công dân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (9).
Hôm qua (20 tháng 5), khi tuyên thệ trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, bà tuyên bố tôn trọng “hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại” nhưng không chấp nhận việc chính quyền Trung Quốc sử dụng “một quốc gia, hai thể chế” để hạ thấp vai trò của Đài Loan, làm suy yếu Đài Loan và Đài Loan sẽ kiên quyết đi theo hướng này. Không riêng Đài Loan mà cả Trung Quốc cũng có nhiệm vụ tìm kiếm phương cách cùng tồn tại lâu dài, ngăn chặn sự khác biệt và gia tăng đối đầu (10).
Đó không phải là ý kiến của riêng Tổng thống Đài Loan, đó là ý chí – nguyện vọng của dân chúng Đài Loan, những người tiếp tục chọn bà Thái Anh Văn làm Tổng thống. Kiểu hành xử theo nhân tâm, dân ý này không phù hợp ở “ta”. Theo Điều lệ đảng, 19 điều đảng viên không được làm và vướng và 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, bà Văn chính là phần tử điển hình của “cơ hội về chính trị”, đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không chỉ nói mà còn làm trái Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết, Chỉ thị của đảng ta.
Cho đến giờ này, bất kể Trung Quốc hung hăng, càn rỡ thế nào, chủ quyền quốc gia bị xâm hại ra sao thì với Chủ tịch “ta” và đảng “ta”, Trung Quốc vẫn là người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở bên cạnh chúng ta, phải mềm mỏng với Trung Quốc để được giúp đỡ trong việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. “Ta” kiên định với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội không phải vì chủ nghĩa xã hội mà vì đó là con đường duy nhất để đảng “ta” duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình.
Đó cũng là lý do tuy ta có Chủ tịch Nhà nước, có Quốc hội, có Thủ tướng nhưng trong quá trình… giao thiệp với Trung Quốc, “ta” chỉ sử dụng Bộ Ngoại giao để bày tỏ bất đồng và bất bình! Gần đây, do áp lực của dư luận, “ta” cử thêm Bộ Quốc phòng hứa hẹn “sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam” nhưng không chắc sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn nữa như mong muốn của dân chúng vì đó là “vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài” (11).
Theo thông lệ, sau những tuyên bố… cứng rắn để công chúng bớt sốt ruột, nếu không có gì thay đổi, “ta” sẽ sớm bày tỏ thiện chí, sớm tái cam kết sẽ cùng Trung Quốc nâng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hai nước và quan hệ song phương trong thời đại mới lên tầm cao mới. Đừng quên cách nay vài tháng, “ta” và Trung Quốc vừa khẳng định với thiên hạ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên phát triển ổn định và không ngừng đi vào chiều sâu, tin cậy chính trị được tăng cường (12).
Chú thích
(7) http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20151107-tap-can-binh-lai-khang-dinh-bien-dong-la-cua-trung-quoc