Phạm Chí Dũng – Cali Today news|
Cú sụt nặng nề của chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến giới “tay to” và quan chức ở Việt Nam phải tính toán lại kế hoạch vừa ngắn hạn vừa trung hạn cho các thị trường chứng khoán, thị trường tín dụng, thị trường bất động sản và kế hoạch bán vốn nhà nước qua sàn.
Chẳng vì một nguyên do nghiêm trọng nào, Dow Jones đã đột ngột lao dốc từ cuối tháng Giêng năm 2018 và đến nay đã bốc hơi đến hơn 10% so với đỉnh 26.600 điểm – một tỷ lệ sụt giảm mạnh hiếm có trong nhiều năm qua và khiến nhiều người nhớ lại mức sụt của chỉ số này khi đã lập đỉnh vào năm 2007.
Nếu không có lý do nào thực sự nghiêm trọng, hình ảnh lao dốc của Dow Jones chỉ có thể được lý giải bởi kỳ vọng lợi nhuận của nhiều nhà đầu tư đã đạt được và họ đã đổ xô vào làn sóng bầy đàn bán tháo để chốt lời.
Nhưng dù là chốt lời hay bán cắt lỗ, cú sụt hơn 10% của Dow Jones cũng cho thấy nhiều khả năng chu kỳ tăng trưởng kéo dài suốt từ năm 2009 đến nay của các chỉ số chứng khoán Mỹ đã kết thúc.
Chứng khoán Mỹ lại luôn được xem là “kim chỉ nam” cho các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu. Dow Jones giảm mạnh đã tất yếu kéo theo các chỉ số chứng khoán châu Á và châu Âu “nhuộm máu”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ so với tình trạng bán tháo trên. Tuy nhiên ngay sau ngày Dow Jones giảm đến hơn 4%, chỉ số chứng khoán Việt Nam – VN-Index chỉ mất chưa đầy 2% – một hiện tượng lạ. Điều này một lần nữa cho thấy giới “tay to” trong thị trường chứng khoán Việt Nam đã chủ ý “đánh xuống” để “gom hàng giá rẻ”, nhưng không muốn làm cho tâm lý thị trường hoảng loạn thêm mà có thể khiến tiêu cực mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi cần “đánh lên”. Điều đó cũng cho thấy một kịch bản dễ xảy ra là bất chấp trong thời gian tới Dow Jones tiếp tục suy giảm từ từ hoặc đi ngang, VN-Index vẫn tăng và thậm chí còn tăng mạnh.
Vậy vì sao chỉ số chứng khoán Việt Nam cần phải tăng mạnh?
Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán đã tăng vọt từ gần 700 điểm vào đầu năm 2017 lên 1.100 điểm vào đầu năm 2018, nhưng chưa có dấu hiệu suy giảm trở lại mà vẫn còn có xu hướng tăng tiếp, thậm chí còn có thể tăng cho đến khi nào vượt qua mốc kỷ lục được thiết lập vào tháng Ba năm 2007 là 1.167 điểm.
Năm 2018 có thể sẽ chứng kiến mặt bằng giá cổ phiếu có mức vốn hóa lớn (large cap) tăng gấp đôi hoặc gấp ba kể từ giữa năm 2017, và sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại cổ phần dễ dàng hơn trong ý đồ tống khứ những dự án căn hộ cao cấp và đất nền đã siết nợ từ vài ba năm trước.
Số siết nợ trên lại nằm trong nợ xấu trầm kha của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cho tới nay, cộng với khoảng 300.000 tỷ đồng mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua – trên thực tế là mua trên giấy chứ không phải bằng “tiền tươi thóc thật” – số nợ xấu hiện thời lên đến khoảng 900.000 tỷ đồng.
Nhưng sau 7 năm từ thời điểm 2011 khi thực hiện đề án xử lý nợ xấu, bất chấp vô số tuyên truyền một chiều của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và kể cả thời hậu đại hội 12 của đảng cầm quyền, cho tới nay nợ xấu ngân hàng không những không giảm đi mà còn tăng mạnh.
Theo giới chuyên gia phản biện độc lập, nợ xấu hiện thời là vô phương cứu chữa vì các kênh tiêu thụ nợ xấu hầu cũng bế tắc. Mầm mống khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi thế ngày càng lộ diện.
Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải “đội nón ra đi,” và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Trong khi đó, kết quả thu ngân sách năm 2017 đã lần đầu tiên, sau nhiều năm, không những không tăng so với dự toán đầu năm mà còn bị sụt đến hơn 3% so với dự toán. Trong đó, không chỉ phần thu từ dân bị giảm mà thu từ khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước cũng giảm mạnh, cho thấy quả thực “sức dân và doanh nghiệp đã cạn”.
“Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Phúc hẳn đã nhận ra rằng rút tiền từ cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là chóng vánh và thuận lợi nhất.
Do vậy năm 2018 sẽ “phát huy thắng lợi” từ đà bán vốn Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát (Sabeco) vào cuối năm 2017 được 5 tỷ USD, để tiếp tục bán vốn còn lại của Sabeco, của Vinamilk và của nhiều tập đoàn lớn khác có cổ phần của nhà nước, mà dự kiến sẽ thu được từ 7 – 10 tỷ USD nhằm “bù đắp khó khăn ngân sách”.
Sẽ càng thuận lợi hơn nếu bán được với giá cao. Muốn như vậy, cần phải “đánh lên” thị trường chứng khoán, khiến cho không ít nhà đầu tư và người dân ảo tưởng về một nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và “hóa rồng”, còn giá cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước tăng dữ dội trên sàn chứng khoán…
Tuy nhiên dù đang có được “địa lợi” và một phần “nhân hòa”, ý đồ tính toán của giới quan chức và tài phiệt ở Việt Nam đang bị cản trở bởi cú sụt mạnh của Dow Jones – như một yếu tố làm giảm “thiên thời”. Nếu chu kỳ 2007 tái hiện, sau cú sụt giảm này, nền kinh tế Mỹ sẽ bị chững lại và có thể bước vào giai đoạn suy giảm (chưa hẳn là suy thoái), kéo theo các nền kinh tế khác trên thế giới. Do vậy và ứng với kịch bản Dow Jones có thể đi ngang trong năm 2018, giới quan chức và “tay to” ở Việt Nam cũng chỉ còn cơ hội ngon ăn nhất là “đánh lên” chứng khoán, giải chấp bất động sản và bán vốn nhà nước chủ yếu trong năm 2018 này mà thôi./.
.