Quốc hội, theo đúng nghĩa của từ này, là cơ quan dân cử, một tổ chức (hội) có quyền lực cao nhất của một nước (quốc), gồm các đại biểu ưu tú do dân cử ra. Nói nôm na, quốc hội do dân bầu, còn ở đâu đó nó có phải do dân bầu hay không, có quyền lực cao nhất không hay chỉ là bù nhìn, thì lại là chuyện khác.
Theo lẽ công minh, chính quốc hội với các vị dân biểu, dân cử sẽ họp và tiếp tục bầu ra những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cụ thể ở xứ ta là chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội; sẽ biểu quyết thông qua nhân sự phụ trách bộ máy hành pháp, tư pháp, tất cả người và bộ máy đó đều hoạt động trong nhiệm kỳ của quốc hội. Khóa nào có nhiệm vụ và trách nhiệm của khóa đó, không du di, chuyển đổi, không lôi thôi lằng nhằng, không khóa này lấn sang khóa kia theo kiểu chợ chiều, chợ vỡ, linh tinh.
Tại sao vậy? Tại vì chính các đại biểu quốc hội trong nhiệm kỳ 5 năm sẽ bằng lá phiếu, bằng sự biểu quyết, bằng sự gửi gắm niềm tin của dân, đại diện cho dân sẽ bầu chọn ra chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Nếu những vị đầu lĩnh được chọn ấy có sự làm ăn không ra gì, không chính ngôi, ngồi nhầm ghế, thậm chí vô tích sự, gây nhiều điều tiếng… thì chính đại biểu quốc hội trong nhiệm kỳ chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai, không trách ai được.
Lâu nay bầu bán ở xứ này vẫn thế, ít nhiều vẫn theo cái hình thức tử tế-giả tạo đó. Nay chả biết có ông quân sư quạt mo nào, mưu mẹo, khôn vặt, có nhẽ vừa để nịnh đảng, vừa cho chắc ăn, đặt dân vào sự đã rồi, đặt quốc hội mới chưa bầu vào thế việt vị, bày kế để quốc hội khóa cũ bầu những vị lãnh đạo chóp bu khóa mới.
Phải nói toẹt ra, ở xứ này, quốc hội khóa nào, cũ hay mới, có bầu ông này bà nọ ra thì cũng vậy thôi. Đảng cử dân bầu, đóng khung cả rồi, không bầu cũng trúng, huống hồ quyền bầu chọn được trao vào tay những vị dân biểu ngoan ngoãn sắp hết nhiệm kỳ. Bầu phát cho xong, để ngày mai về làm người tử tế.
Chỉ có điều ai cũng rõ, tam trụ do những vị dân biểu sắp hết nhiệm kỳ bầu ra, nếu các trụ làm ăn ất ơ không ra gì, chả nhẽ lại túm lôi những vị dân biểu khóa cũ bắt đền. Dân biểu đương nhiệm có bầu ra họ đâu mà bắt đền nó. Còn những dân biểu đã cởi áo, treo ấn từ quan, về vui thú điền viên, xa lánh bụi trần chính trị kia, có mà đòi trắng răng, đợi đến mùng thất. Túm lại, chả ai chịu trách nhiệm.
Cái mưu mẹo rẻ tiền kia nhưng có hiệu quả cực kỳ ghê gớm, đặt tất cả vào sự đã rồi, chưa nói là coi quốc hội mới (sắp được bầu) chả là cái đinh gì.
Lần đầu tiên trong đời sống chính trị chính em xứ ta xảy ra chuyện như vậy.
Chỉ có cái thể chế ngang ngược, coi thường tất cả, thì mới tự vênh váo làm theo ý nó.
Thật là, “sinh con rồi mới sinh cha/sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, quá ngược đời./.
#bầucửquốchội