Sau 2 tháng có vaccine giờ đây số người nhiễm Covid ở Mỹ giảm mạnh. Khi Covid giảm thì nền sản xuất, thương mại và dịch vụ của nước này cũng bắt đầu hồi phục. Các doanh nghiệp thì đang cần tiền để hồi phục, người dân cần tiền để mua sắm. Nói chung là nước Mỹ đang khát tiền. Trong cơn khát nước Mỹ thông qua gói cứu trợ bơm 1.900 tỷ USD giải khát thì chẳng khác nào nắng hạn lâu ngày gặp mưa rào. Nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục nhanh thôi.
Đấy là những mặt lợi của gói 1.900 tỷ, còn mặt hại thì tất nhiên là nguy cơ lạm phát của đồng USD. Nền kinh tế hàng hóa chưa hồi phục kịp mà tiền thì thừa thãi kéo theo chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng. Chính sách nào nó cũng có tính 2 mặt nên khi tung gói kích cầu phải cân nhắc. Việc nước Mỹ tung gói kích cầu đến gần 10% GDP là một khoản tiền rất lớn, nếu không phải là nước Mỹ mà là nước khác thì họ không có dư địa nhiều để kìm chế lạm phát.
Theo Viện nghiên cứu về chính sách công Brookings tại Washington DC cho biết, ước tính gói kích thích này sẽ làm GDP của Mỹ tăng 4% vào cuối năm 2021, với 2% vào cuối năm 2022 và ở mức không đáng kể vào năm 2023 so với kịch bản nếu không có gói kích thích này. Đến năm 2023, nền kinh tế Mỹ về cơ bản là trở lại quỹ đạo tăng trưởng dự báo đạt được trước khi xảy ra đại dịch. Nói tóm lại là gói kích cầu này nó sẽ ảnh hưởng nền kinh tế Mỹ trong vòng 2 năm. Vì thế nhiều nước trên thế giới đã và đang lên chính sách để kiếm đô la từ gói 1.900 tỷ này.
Tại Trung Quốc, nơi mà Tập Cận Bình đang lên kế hoạch vượt Mỹ trong 10 năm tới thì họ cũng đang muốn kiếm đô cho nền kinh tế Tàu từ gói 1.900 tỷ này. Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết, dự định trong năm 2021 này Trung Cộng sẽ đẩy xuất khẩu sang Mỹ tăng 20%, một tỷ lệ tăng trưởng quá lớn bất chấp chính sách thuế của Donald Trump vẫn được Joe Biden giữ nguyên. Như vậy thì nước Tàu đang muốn mang hàng sang Mỹ giải quyết vấn đề khán hiếm hàng hóa cho nền kinh tế Mỹ và rút đô la về Tàu để giải quyết nạn thừa tiền của nền kinh tế Mỹ. Vậy rõ ràng là Trung Cộng vô tình giúp Mỹ kìm chế lạm phát mặc dù họ rất ghét Mỹ.
Tương tự như Trung Cộng, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ để kiếm đô la từ gói 1.900 tỷ đấy. Theo số liệu thương mại của Việt Nam thì xuất khẩu sang Mỹ tháng 1/2021 đã tăng vọt 70,3% so cùng kỳ năm trước và 6,2% so với tháng 12/2020, đạt 8,2 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã chiếm tới 28,7% tổng xuất khẩu của Việt Nam trong cùng tháng. Như vậy Việt Nam cũng góp phần làm giảm tình trạng thừa tiền thiếu hàng hóa cho nền kinh tế Mỹ, và chính họ cũng góp phần làm cho nền kinh tế Mỹ kìm hãm lạm phát. Và không những Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang muốn như vậy. Vô tình chung, các nền kinh tế trên thế giới giúp Mỹ có dư địa rộng để tung gói kích cầu hồi phục kinh tế.
Vào tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – FED là Jerome Powell đã nói rằng, ngay cả khi giá hàng hóa tăng vào mùa xuân năm nay như dự đoán, thì ông cũng hy vọng thị trường sẽ kiên nhẫn. Đồng thời, Chủ tịch Powell của FED nói là FED sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ cho đến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi. Như vậy khi gói kích thích bơm ra, thì giá cả có tăng, tuy nhiên sau đó những nước khác nhập hàng vào Mỹ và rút USD đi thì giá cả thị trường bình ổn trở lại. Đó là lý do chủ tịch của FED tuyên bố chính sách tiền tệ sẽ không đổi.
Hiện nay sức mạnh vô đối của đồng đô la đã giúp nước Mỹ thực hiện nhiều chính sách kích thích kinh tế dễ dàng hơn những nước khác. Và với sức mạnh đồng đô la Mỹ thì nó cũng gián tiếp buộc nước Tàu phải giải quyết một phần bài toán khó của Mỹ dù muốn hay dù không. Vì vậy có thể nói, sức mạnh đồng đô la Mỹ giúp cho nước Mỹ không kém gì những chính sách trừng phạt Tàu. Sức mạnh đồng đô la cũng là một công cụ lợi hại mà Tàu khó mà vượt Mỹ./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.globaltimes.cn/page/202103/1217612.shtml
https://vietnambiz.vn/su-kien-thi-truong-ngoai-hoi-tuan…
https://cafef.vn/goi-kich-thich-19-nghin-ty-usd-cua-my-se…