Hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu từ 6-18/11 tại điểm du lịch có tiếng Sharm el-Sheikh, Ai Cập, chỉ còn vài ngày nữa sẽ kết thúc nhưng có nhiều điều quý vị có thể làm trong vài ngày tới.
Tác hại của biến đổi khí hậu lớn tới mức mà người ta sợ rằng thành phố Hồ Chí Minh, vốn đã lún nửa mét trong vòng 25 năm qua, có nguy cơ chìm dưới nước vào năm 2100. Những thành phố khác được cho là có thể chịu chung số phận bao gồm Miami ở Florida, Hoa Kỳ, Venice ở Ý và Bangkok ở Thái Lan.
Có nhiều điều con người có thể làm để thôi “ném đá vào ngôi nhà kính của chính mình”. Đó là tiết kiệm điện, xăng dầu, thay đổi thói quen đi lại, chẳng hạn ít lái xe và dùng máy bay, và thay đổi chế độ ăn uống trong đó có giảm tiêu thụ thịt đỏ và tăng tiêu thụ hàng địa phương để tránh chi phí CO2 do vận chuyển, bên cạnh những giải pháp khác.
Một nhóm bạn tôi ở Anh và nhiều nước đang có sáng kiến vừa đi bộ vừa trồng cây để tăng số lượng cây xanh có khả năng hấp thụ CO2 mà mỗi người Việt Nam tính trung bình thải ra hơn ba tấn mỗi năm, dù ít hơn so với mức gần 16 tấn của người Australia, gần 15 tấn của người Hoa Kỳ, hơn 12 tấn của người Nga và hơn tám tấn của người Trung Quốc. Cứ hai km đi bộ được đăng ký qua ứng dụng AtlasGO, các nhà tài trợ sẽ trồng thêm một cây. Cho tới nay sáng kiến mang tên Walk2COP27, tức đi bộ tới Thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 27, đã có được gần 100.000 km từ hàng ngàn người ủng hộ.
Để tham gia sáng kiến này trong một hai ngày tới, quý vị có thể tới đường dẫn tại đây và đăng ký. Sau đó quý vị tải app mang tên AtlasGO và bấm ‘GO’ trên app mỗi lần đi bộ hay chạy để ghi lại số km đóng góp cho Walk2COP27. Như quý vị có thể thấy trên ảnh chính trong bài, hai ảnh hoa có tên ‘hunginternet’ chính là hai lần đi bộ mới nhất tôi đóng góp, cả thảy 5km, hôm 14/11.
Năm ngoái nhân Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 ở Glasgow, tôi đã tham gia đi bộ từ London tới Glasgow, chặng đường dài 800 km và nhóm đi bộ mất gần 25 ngày mới tới nơi. Thông điệp của chúng tôi là mọi người có thể đi bộ những chặng từ 5-8km mà không cần dùng xe hơi, để ý hơn nữa tới dấu vết CO2 của chính mình. Tôi cũng đã chia sẻ 10 bài học rút ra được từ việc đi bộ 1000 km, cả đi tập và đi chính thức, trong năm ngoái.
Tại Thượng đỉnh COP27, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố “chính sự sống của hành tinh” đang bị đe doạ và Hoa Kỳ sẽ góp phần của mình để tránh “địa ngục khí hậu” mà tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc tới tại COP27.
Danh sách năm quốc gia và nhóm quốc gia thải CO2 lớn nhất trên thế giới hiện nay theo thứ tự từ cao tới thấp là Trung Quốc với 12 triệu tấn mỗi năm, theo sau là Hoa Kỳ – 4,7 triệu tấn, EU – 2,7 triệu tấn, Ấn Độ – 2,6 triệu tấn và Nga – 1,9 triệu tấn, theo tổng hợp của BBC./.
https://www.fodors.com/news/photos/these-11-cities-are-sinking-they-could-be-gone-by-2100
https://ourworldindata.org/grapher/co-emissions-per-capita
https://dash.atlasgo.org/challenges/61dc3bc0c5507705ba5139f9