Tại sao Một Trung Quốc không làm thế giới an tâm?

- Quảng Cáo -

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Pelosi ghé thăm Đài Loan vào ngày 2 và ngày 3 tháng Tám năm 2022. Chuyến đi của bà Pelosi đã làm chấn động dư luận toàn thế giới, trong những ngày qua. Phản ứng dữ dội của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) bằng cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, cũng như cấm vận cá nhân và gia đình bà Pelosi cùng nhiều tuyên bố gay gắt khác, làm thế giới lo ngại, tương lai dễ dẫn đến xung đột khó hòa giải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như dễ dàng kéo theo nhiều quốc gia khác vào cuộc.

Bối cảnh thế giới nói chung, cả Trung Quốc – Đài Loan và Việt Nam nói riêng, trong thập niên đầu 1960 đến cuối thập niên 1970, chứng kiến nhiều xáo trộn địa – chính trị. Trong đó, các cột mốc sau trận chiến 1968 với tên gọi “Tết Mậu Thân”, đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như tóm tắt dưới đây:
1. Từ tháng Năm năm 1968 đến tháng Giêng năm 1973: Hiệp định Paris với tên gọi “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” [1] là cột mốc để Hoa Kỳ rút quân và là dấu chấm hết cho nhà nước Việt Nam Cộng Hòa với sự sụp đổ vào tháng Tư năm 1975.
2. Ngày 25 tháng Mười năm 1971, Đài Loan đã bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc và mất ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc [2].
3. Tháng Năm năm 1973, sau nhiều lần qua lại, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thành lập Văn phòng Liên lạc của đôi bên, tại Washington và Bắc Kinh.
4. Ngày 19 tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc tấn công và cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong tình thế Việt Nam Cộng Hòa hầu như cạn kiệt mọi nguồn lực.
5. Ngày 1 tháng Mười Hai năm 1975, Tổng thống Ford chính thức đến thăm Bắc Kinh và tái khẳng định mối quan tâm của Mỹ trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
6. Ngày 15 tháng Mười Hai năm 1978: Hoa Kỳ công nhận nước CHND Trung Hoa
7. Ngày 31 tháng Mười Hai năm 1978: Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
8. Ngày 1 tháng Giêng năm 1979, Hoa Kỳ đã chuyển giao công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
9. Từ ngày 17 tháng Hai đến 16 tháng Ba năm 1979, Bắc Kinh và Hà Nội đã diễn ra cuộc chiến đẫm máu và nhiều xung đột khác trong những năm tiếp theo. Phải đến tháng Mười Một năm 1991, đôi bên mới chính thức bình thường hóa quan hệ 2 quốc gia.
Trong quãng thời gian, từ 1971 (kể từ khi Đài Loan mất vị thế trên trường quốc tế) Đài Loan đã được thế giới ngưỡng mộ với tên gọi “Bốn Con Rồng Châu Á” cùng 2 nước: Hàn Quốc, Tân Gia Ba và vùng lãnh thổ Hong Kong, với thời gian dùng cho phát triển cùng thể chế tự do – dân chủ, chỉ mất khoảng 30 năm.
Hong Kong được Anh quốc trao trả về Trung Quốc vào ngày 1 tháng Bảy năm 1997. Tới nay, chỉ hơn 20 năm, Hong Kong không còn là mảnh đất tự do – dân chủ như nhân loại đang chứng kiến.
Đài Loan là một phần của Trung Quốc với chính sách Một Trung Quốc – Một thuật ngữ vẫn còn quá nhiều mơ hồ và tranh cãi với việc ra đời “Đạo Luật Đài Loan” – Một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ, được ban hành ngày 10 tháng 4 năm 1979. Điều đáng chú ý, Đạo Luật Đài Loan ra đời chỉ sau 3 tháng, kể từ khi Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập quan hệ ngoại giao (1/1/1979) và chỉ sau không đầy 1 tháng, khi Hà Nội và Bắc Kinh tạm ngưng cuộc chiến tranh Biên Giới. Đạo luật Đài Loan là cơ sở xác định mối quan hệ chính thức nhưng không có ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Quan sát cả quá trình đối ngoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, dễ dàng nhận thấy sự đối phó, dòm ngó nhau hơn là mối quan hệ cởi mở cần có giữa các quốc gia.
Nhiều nhà quan sát cũng nhận định, sau khá nhiều sự kiện và biến cố như tóm tắt 9 sự kiện nêu trên, Hoa Kỳ có vẻ nhận ra Trung Quốc có quá nhiều bước đi táo tợn hơn họ nghĩ. Điều đó là một trong những căn nguyên dẫn đến “Đạo Luật Đài Loan” cần ra đời như dây cương cần kìm chế một chú ngựa bất kham.
Cho đến ngày 26 tháng Ba năm 2020, Đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan (TAIPEI Act) tiếp tục được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và ông Donald Trump lúc bấy giờ [3] – với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 –  đã ký thành luật, được cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ủng hộ hoàn toàn. Bộ luật này càng khẳng định, Đài Loan vô cùng quan trọng đối với Hoa Kỳ ứng phó trước những động thái ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc.
Mới nhứt, ngày 3 tháng Tám năm 2022, báo 24H cho hay [4]: “Dự kiến, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ họp ngày 3/8 để xem xét Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022, còn gọi là Đạo luật S.4428, do Chủ tịch Ủy ban Bob Menendez và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất. Trong một thông cáo báo chí chung, văn phòng của họ mô tả đạo luật này là “sự tái cơ cấu toàn diện nhất trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan kể từ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979”. Trước đó, báo Tuổi Trẻ cho hay [5] vào ngày 18 tháng Sáu năm 2021, Đài Loan đã ký hợp đồng với con số kỷ lục từ trước đến nay, đạt trên 1,75 tỷ USD mua vũ khí của Hoa Kỳ, để nâng cấp hệ thống phòng thủ của vùng lãnh thổ này.
Tổng giá trị vũ khí mà Đài Loan mua từ Hoa Kỳ đã vượt qua con số 70 tỷ USD – Một con số gây lo ngại cho nhà cầm quyền Cộng sản Trung quốc – như báo VTC [6] loan tin vào 24 tháng Năm năm 2022.
Mua bán vũ khí không chỉ đơn thuần về số lượng – chủng loại mà đi kèm với nó là chuyển giao bí mật quân sự – sửa chữa – huấn luyện – đào tạo, đó là những bí mật quốc gia không dễ gì có được, nếu mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan không đủ bảo đảm sự tin tưởng giữa đôi bên.
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 9 tháng Tám năm 2022 cho biết [7]: Đài Loan đã tiến hành tập trận thành công bằng việc bắn đạn thật và sẽ tiếp tục tập trận vào ngày 11 tháng Tám tới đây.
Nhiều lo ngại dấy lên trên thế giới về việc đối đầu giữa Đài Loan ( với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Hoa Kỳ) và Trung Quốc, một khi đôi bên không đủ kìm chế để tìm giải pháp hòa bình, bằng con đường ngoại giao. Chỉ có điều, ngoại giao chính thức giữa Đài Loan – Hoa Kỳ đã bị cắt đứt từ lâu và ngoại giao chính thức giữa Đài Loan – Trung Quốc vốn chưa bao giờ có. Cho nên, liệu con đường ngoại giao ôn hòa có ý nghĩa gì trong hiện tình căng thẳng và chưa cho thấy một hình thức khả dĩ nào cho tới hiện nay?
Chiến tranh là điều hầu như không quốc gia nào muốn, nếu có thể tìm cách nào tốt hơn. Thông thường, khi chiến tranh xảy ra, nó cần một “cái cớ” nào đó để dễ dàng chứng minh – biện minh cho việc làm “chính nghĩa” mà bên này hay bên kia cần phải xoay xở một cách thỏa đáng nhứt.
Điểm lại hơn 50 năm qua, kể từ khi Đài Loan bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc, thế giới hầu như không hề ghi nhận Nhà cầm quyền Đài Loan có hành vi hay tuyên bố mang tính khiêu khích hoặc thách thức Trung Quốc đến mức, sẵn sàng chấp nhận một xung đột võ trang hay một cuộc chiến tranh, nhằm đánh đổi tan hoang cho mảnh đất đã và đang phát triển – Bởi cho đến nay, Đài Loan vẫn xứng với danh hiệu CON RỒNG CHÂU Á – Một hình ảnh văn minh – thịnh vượng và tấp nập khách du lịch mà Hong Kong ĐÃ TỪNG là…
Tại sao Hong Kong như vậy? Tại sao Một Trung Quốc (gồm Đại Lục – Hong Kong – Ma Cao – Đài Loan) lại có vẻ không mang lại sự an tâm cho thế giới mà nhà cầm quyền CSTQ vẫn tiếp tục duy trì theo cách độc đảng toàn trị?
________________________
- Quảng Cáo -