Vụ Việt Á, trong đó các cán bộ y tế cấu kết với công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID để ăn chia hoa hồng đến hàng trăm tỷ đồng được xem là vụ bê bối quy mô lớn và gây thiệt hại nhiều nhất từ trước đến nay, khiến công luận phẫn nộ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai quan chức cao cấp nhất bị bắt giữ trong đại án này cho đến nay.
Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á bị phát hiện đã nhập khẩu 3 triệu kit xét nghiệm COVID từ Trung Quốc với giá dưới 1 USD/bộ trong khi hối lộ các quan chức để bán các bộ xét nghiệm mà họ nói là sản xuất ở Việt Nam tới các cơ sở y tế trong cả nước, gồm nhiều bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), với giá trên 400.000 đồng/bộ.
Trong một phiên thảo luận tại Quốc hội hôm 14/6, ông Hoàng Văn Cường – thuộc đoàn đại biểu Hà Nội, nêu ra vụ đại án Việt Á và cho rằng vụ sai phạm này đã có thể được tránh khỏi nếu thực thi dân chủ ở cơ sở và minh bạch thông tin cho người dân, theo truyền thông trong nước.
“Trong vụ đại án test kit Công ty Việt Á, nếu chúng ta thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để mọi người biết sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý thời gian qua”, ông Cường được Lao Động trích lời nói tại phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở.
Ông Cường ủng hộ việc xây dựng dự luật này vì cho rằng nó “đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” khi công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Dẫn ví dụ vụ kit xét nghiệm Việt Á, ông Cường cho rằng nếu công khai thông tin nhà nước phải mua của Việt Á với giá trên 400.000 đồng/bộ và hải quan cũng công khai thông tin Việt Á nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc với giá 0,955 USD/bộ thì “chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua với giá Việt Á bán”, theo Vietnam Plus của TTXVN.
Các cơ sở y tế, CDC và bệnh viện của 16 tỉnh, thành phố bị cáo buộc có liên quan sai phạm trong vụ Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Ông Cường cũng nêu ra vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước. Đại biểu Hà Nội cho rằng nếu công khai cho người dân biết nước hồ phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì “chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện ra”.
Ông Chung bị tuyên 8 năm tù hồi cuối năm ngoái vì “có vai trò chủ mưu, chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua công ty gia đình, gây thiệt hại tài sản nhà nước”.
“Nếu nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng từ đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công thấy rằng đều thực hiện đúng quy trình, đầy đủ các cơ quan có chức năng như định giá…”, ông Cường được Vietnam Plus trích lời nói. “Nhưng có một điều là không được minh bạch, công khai thông tin để người dân biết. Nếu công khai, dân chủ thì các vụ việc sẽ đều được ngăn chặn từ trước”.
Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở, được xem là sẽ góp phần chống quan liêu và tham nhũng, đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 4 trong tháng 10 năm nay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 6 năm qua đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, còn được gọi một cách không chính thức là “đốt lò”, khiến hàng loạt các quan chức trong mọi lĩnh vực, từ y tế cho đến chứng khoán, ngân hàng, quân đội, công an và cảnh sát biển… bị đưa ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, theo giới quan sát và báo chí phương Tây, chiến dịch này, được ví như chiến dịch “đả hổ diệt duồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm thanh trừng các thế lực cạnh tranh trong Đảng Cộng sản.