Nhóm công tác của LHQ nói chính quyền VN “tùy tiện” trong việc bắt giữ ông Châu Văn Khảm

Nhóm Công Tác LHQ Về Bắt Giữ Tùy Tiện coi việc CSVN bắt giữ ông Nguyễn Bảo Tiên (trái) và ông Châu Văn Khảm (phải) là tùy tiện. Ảnh: AFP/ Báo Công An
- Quảng Cáo -

Nguồn: RFA

Trong tuần đầu của tháng Sáu, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc ra văn bản đăng tải ý kiến của cơ quan này về việc bắt giữ ông Nguyễn Bảo Tiên, người vận chuyển sách của Nhà Xuất bản Tự do và ông Châu Văn Khảm, người Úc gốc Việt và là thành viên của tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Việt Tân).

Theo hai văn bản số 13/2022 và 35/2022 được thông qua bởi WGAD trong phiên họp lần thứ 93 từ ngày 30/3 đến 08/4/2022, cơ quan này coi việc bắt giữ ông Nguyễn Bảo Tiên và ông Châu Văn Khảm là tùy tiện và yêu cầu Chính phủ Việt Nam tiến hành các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của hai ông ngay lập tức và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế có liên quan, bao gồm cả những quy định được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

“Sự liên hệ của ông Châu Văn Khảm với tổ chức Việt Tân không thể đủ cơ sở để bắt giữ”

Ông Châu Văn Khảm, theo WGAD, 72 tuổi, bị bắt ngày 13/01/2019 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

- Quảng Cáo -

Ông Khảm sau đó bị kết án 12 năm tù giam với một tội danh khác là “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” chỉ vì ông là thành viên của Việt Tân, một tổ chức bị Bộ Công an dán nhãn là “khủng bố,” tuy nhiên tổ chức này lại được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mô tả là nhóm hoạt động ôn hòa vận động cải cách dân chủ.

WGAD nói việc bắt giữ ông Châu Văn Khảm mà không có lệnh bắt, vi phạm Điều 9 của Công ước [ICCPR], vốn quy định rằng những người đang chờ xét xử phải bị tạm giam không phải là quy tắc chung.

Cơ quan này nói việc tước bỏ tự do của ông là tùy tiện vì ông chỉ thực hiện các quyền tự do lương tâm và niềm tin cũng như quyền biểu đạt được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và ICCPR.

WGAD còn nói ông bị hạn chế quyền tiếp cận lãnh sự từ Phái bộ Ngoại giao của Úc ở Việt Nam và hỗ trợ pháp lý. Sự liên hệ của ông với tổ chức Việt Tân không thể đủ cơ sở để bắt giữ ông, cơ quan này nói.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Việt Tân, cho biết:

Ngay lúc này chúng tôi đang ở Úc châu và mục đích của chuyến đi là gặp gỡ chính giới và dân cử của nước Úc để vận động cho ông Châu Văn Khảm.

Bản phán quyết này của Liên Hiệp Quốc đến rất đúng lúc. Với bản phán quyết này, rõ ràng ông Châu Văn Khảm vô tội… Chúng tôi sẽ tranh đấu để ông Khảm được tự do và trở về với gia đình. 

Chính phủ Việt Nam trong tháng 3 năm 2022 cũng phản hồi tới Nhóm Công tác về trường hợp của công dân Úc.

Chính quyền Hà Nội cho rằng rằng ông Khảm bị bắt giữ vì vi phạm luật pháp Việt Nam chứ không phải vì quan điểm dân chủ, và việc bắt giữ và kết án được thực hiện theo đúng luật pháp Việt Nam tương đồng với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Hà Nội cũng nhắc lại việc chính quyền đã thông báo Việt Tân là tổ chức khủng bố với mục tiêu lật đổ Chính phủ bằng nhiều phương pháp như hoạt động vũ trang, đe doạ trực tiếp an ninh quốc gia và trật tự xã hội, tuyển mộ và huấn luyện các thành viên sử dụng vũ khí và chất nổ…

Trong trường hợp ông Khảm, Việt Nam nói ông nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam ngày 11/01/2019 dưới sự chỉ đạo của Việt Tân để tổ chức tuyển mộ và huấn luyện các hoạt động phá hoại, khủng bố.

Kể từ khi ông Khảm bị bắt, nhiều tổ chức dân sự và nghị sĩ ở Úc đã kêu gọi chính phủ ở Canberra gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để đòi tự do cho ông. Tuy nhiên, hiện ông vẫn bị giam giữ và bị buộc phải lao động khổ sai trong nhà tù ở Việt Nam.

“Bắt giữ ông Nguyễn Bảo Tiên vi phạm quyền tự do biểu đạt”

Trong văn bản khác của Nhóm Công tác cũng đề cập đến ông Nguyễn Bảo Tiên, 36 tuổi, là người vận chuyển sách và cộng tác viên tự nguyện của Nhà Xuất bản Tự do – một cơ sở xuất bản không đăng ký với chính quyền Việt Nam được sáng lập bởi nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.

Ông bị bắt ngày 5/5/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam trong phiên tòa ngày 21/01/2022.

WGAD nói ông Nguyễn Bảo Tiên bị trừng phạt chỉ vì thực hiện ôn hoà quyền tự do biểu đạt và lập hội quy định tại Điều 19 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và ICCPR. Trong thời gian bị tạm giam và xét xử, ông bị tước quyền có luật sư bào chữa.

Chính phủ Việt Nam trong văn bản trả lời hồi tháng 3 nói rằng, ông Nguyễn Bảo Tiên bị bắt giữ vì vi phạm luật pháp quốc gia và trong quá trình bắt giữ cũng như xét xử, các quyền của ông được bảo đảm.

Phía Việt Nam cũng nói ông sở hữu và phát tán 108 cuốn sách với nội dung phỉ báng chính sách và đường lối của chế độ nhằm kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong 5 năm gần đây, WGAD đưa ra hàng chục văn bản nêu ý kiến rằng việc bắt giữ và kết án hàng chục tù nhân lương tâm, trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Văn Dũng… là tùy tiện và yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho họ.

Tuy nhiên, nhà nước im lặng trước các yêu cầu trên, tiếp tục giam giữ các nhà hoạt động này trong điều kiện hà khắc.

Nguồn: RFA

- Quảng Cáo -