Đường đi của tham nhũng

- Quảng Cáo -

Tuan Luong

thể nhiều bạn chưa hình dung được cơ chế của tham nhũng, xin ví dụ thế này cho dễ hiểu. Hồi còn đi dạy, tôi làm tổ trưởng chuyên môn của tổ Văn, do đặc thù trường chuyên nên một số “môn chính” quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do tổ trưởng quyết.

Điều mà tôi không ngờ tới là người ta mang “quà” tới nhà, sinh viên mới ra trường cũng có mà người đã dạy lâu năm cũng có. Có người còn hẹn gặp chỗ này chỗ kia để “nói chuyện”.

Chúng ta đều biết để “xin” được vào một trường công lập, lại là trường chuyên thì không dễ, cái giá chạy việc ở nhiều nơi là rất cao, lên đến hàng trăm triệu như báo chí nêu nhan nhản. Nếu tham lam thì chỉ cần ở vị trí tép riu như tôi thôi, sau dăm năm là có thể giàu.

- Quảng Cáo -

Ai giám sát được tôi? Về cơ bản là không ai cả, các giáo viên hiện có mặt trong tổ đều “dưới trướng” tôi, BGH hay người tổ khác thì không rành về chuyên môn, sao có thể danh chính ngôn thuận mà đánh giá được.

Cứ thế, nếu vì tiền mà tuyển dụng thì hậu quả sẽ thế nào? Thì tôi sẽ tuyển được một đội ngũ vừa kém về tư cách và chưa chắc đã ổn về chuyên môn, nếu không nói là dốt.

Hơn nữa, người ta sẽ nhìn nhau mà cư xử. Khi tôi tuyển dụng bằng tiền (hay quen biết, máu mủ) thì những người dù có năng lực nhưng không có tiền cũng đành chịu. Thế là họ phải lựa chọn, bước đầu tiên là đau đớn cất cái tư cách của mình vô một cái xó nào đó mà thường là ít khi lôi ra dùng lại nữa; tiếp theo là đi vay mượn hoặc bán đất đai để “xin việc”.

Vòng luẩn quẩn sẽ tiếp diễn. Giữa thời buổi đất chật người đông, có được một công việc là điều may mắn phúc đức, khi họ vào trường thì dù có thấy sai trái bất công cũng đành im để giữ chỗ đứng của mình. Rồi những thứ tệ lậu khác sẽ tiếp nối sinh ra, khi mà người ta đã bỏ tiền “đầu tư” thì phải thu hồi vốn và phải có lãi. Dạy thêm, lạm thu, rút ruột v.v. từ đây mà nảy nở.

Một cung cách tuyển dụng như thế hoặc chỉ tuyển được người kém cỏi hoặc sẽ hủy hoại luôn những người tử tế, và nó tạo thành một môi trường làm việc yếm khí: không đấu tranh, không cất tiếng; tệ bè phái, xu nịnh sinh ra. Những người tử tế sẽ chọn cách ra đi hoặc sống mòn, cơ quan thành nơi cho bọn người tồi tệ tung hoành. Mọi thứ cứ theo đó mà hủ bại dần.

Đây là bức tranh “xin việc” đang phổ biến hiện nay trong hầu khắp các lĩnh vực công. Một giáo viên được tuyển theo cách ấy thì chỉ làm hỏng một số học trò; nhưng nếu một ông quan cai quản cả một xã, một huyện, một tỉnh, một ngành mà nếu cũng theo cách ấy thì thử hỏi làm sao xã hội không bị phá nát cho được? (Ở điểm này tôi không đồng tình với ông Khổng tử khi ông ấy cho rằng làm thầy mới là hệ trọng nhất).

Cho nên, muốn thay đổi giáo dục (hay bất kỳ lĩnh vực nào thì cũng thế) phải bắt đầu từ việc làm trong sạch khâu tuyển dụng. Nếu không có được một cơ chế chọn người một cách khoa học, minh bạch, và một hệ thống đánh giá, giám sát khách quan có tính đối chọi thì mọi nỗ lực khác đều đổ sông đổ biển.

Làm sao để tôi không thể nhận tiền khi tuyển người? Về bản chất, nếu cấp trên tuyển thay cho cấp dưới thì cũng thế, không thay đổi được gì. Ví dụ, sở giáo dục đứng ra tuyển giáo viên rồi giao về cho trường thì tình hình còn tệ hơn. Vì đó là ngành dọc, vẫn là “trong nhà” bảo nhau. Nó không thể là một cách làm đáng tin.

Trước hết, một mình tôi không thể được quyền tuyển; một hội đồng mà toàn “phe tôi” thì cũng vô ích. Tại sao các trường ở nước ngoài có quyền phong giáo sư nhưng họ lại gửi hồ sơ của ứng viên cho các giáo sư ngoài trường chấm? Tại sao họ có các trung tâm khảo thí độc lập với nhà nước? Vì để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Ta vừa tự tuyển, tư dùng, vừa tự kiểm tra, tự đánh giá, tự cất nhắc; trong khi chất lượng giáo dục thì “cha chung không ai khóc”. Tóm lại là người tuyển dụng không phải chịu trách nhiệm trước xã hội thì làm sao không mục nát cho được.

Như vậy, chỉ khi nào không còn tập quyền nữa, khi đó vấn đề mới được giải quyết. Cơ chế sinh ra tham nhũng, phải sửa cái cơ chế ấy, chứ không thể ra sức “đập ruồi trên bãi rác” mà được./.

Thái Hạo

- Quảng Cáo -