Nhân quyền theo cái nhìn của ông Phạm Minh Chính

Nếu ông Phạm Minh Chính (trong hình) muốn thực hiện lời tuyên bố “sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai,” ông hãy trả tự do cho nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và các nhà báo như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, chắc chắn ông sẽ có những người đối thoại xứng đáng. Ảnh: VnExpress
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Ngày nay nhân quyền hay quyền con người được hầu hết các chính phủ trên thế giới tôn trọng như quyền tự nhiên của con người ngay từ lúc mới sinh ra. Do đó nhân quyền không thể bị tước bỏ, hủy hoại hay chà đạp bởi bất cứ cá nhân hay chính phủ nào. Tuy nhiên sự tồn tại của những quyền lực tha hóa của các thể chế độc tài nhất là ở những chế độ cộng sản còn sót lại, đã có cách nhìn và định nghĩa khác của họ về hai chữ nhân quyền để phù hợp với hành vi của họ trong nước.

Hôm 31 tháng Mười, nhân chuyến đi sang Anh Quốc tham dự Hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow, Scotland, Phạm Minh Chính, Thủ Tướng CSVN đã có một buổi gặp gỡ một số người Việt Nam tại Anh và Ái Nhĩ Lan. Tại buổi gặp gỡ này, ngoài những lời tuyên bố đề cao thành tích và ru ngủ quần chúng, Phạm Minh Chính đã có đề cập về nhân quyền, mà báo Tuổi Trẻ tường thuật nguyên văn như sau:

“Đề cập đến vấn đề nhân quyền, Thủ Tướng Phạm Minh Chính khẳng định ông ‘sẵn sàng đối thoại với bất cứ người nào trên thế giới về vấn đề này.’ Bởi với Việt Nam, nhân quyền lớn nhất của chúng ta là không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; khi khó khăn chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN” (hết trích).

- Quảng Cáo -

Ông Chính nói “sẵn sàng đối thoại” thật ra không có gì mới vì vào tháng Năm, 2017, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương lúc đó là ông Võ Văn Thưởng cũng đã từng tuyên bố “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận…” trong một hội nghị trực tuyến: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.” Từ ngày đó đến nay đã hơn 4 năm, tuyên giáo trung ương chưa có một cuộc đối thoại hay tranh luận nào trên các phương tiện truyền thông. Ngược lại đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà văn, nhà báo, blogger, facebooker lần lượt bị tống giam để “đối thoại” với công an trong nhà tù. Nếu ông Chính muốn thực hiện lời tuyên bố “sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai,” ông hãy trả tự do cho nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và các nhà báo như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, chắc chắn ông sẽ có những người đối thoại xứng đáng.

Như vậy theo ông Chính, nhân quyền là chỉ cần lo cho người dân có cái ăn, cái mặc và muốn có cái ăn, cái mặc thì phải ổn định chính trị, phải có pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của ông Chính về nhân quyền như thế là quá đơn giản và non kém, chẳng khác nào nuôi một con vật chỉ cần cho nó ăn no, ngủ yên giấc là đủ!

Với sự hiểu biết thông thường, nhân quyền không phải như vậy.

Nhân quyền là quyền tối thượng của con người dựa trên 4 nền tảng mà một con người phải được bảo đảm: ăn, nghĩ, nói, viết. Hay diễn tả rộng hơn đó là quyền được sống no đủ, quyền tự do tư tưởng để suy nghĩ, học hỏi; quyền tự do ngôn luận để phát biểu công khai điều mình suy nghĩ và quyền tự do báo chí là quyền tự do diễn đạt, trình bày công khai và minh bạch mà không bị ai bắt bớ. Đó là những quyền căn bản nhất để mưu cầu một cuộc sống có ý nghĩa, chứ không phải chỉ có ăn cho no rồi thôi.

Sự ổn định chính trị mà ông Chính đưa ra để biện bạch cho hành động chà đạp nhân quyền lâu nay của nhà nước Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với công ước về quyền con người của Liên Hiệp Quốc (Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự, Chính Trị) mà Việt Nam thừa nhận. Vì chính những vi phạm nhân quyền có hệ thống của nhà nước cộng sản đã là nguyên nhân gây mất ổn định trầm trọng trong xã hội hiện nay.

Trên thế giới, quốc gia nào cũng có nhà nước pháp quyền dựa trên pháp luật để thực hành quyền lực chính trị, đem lại công bằng xã hội và đặc quyền tiếp cận quyền lợi pháp lý cho mọi công dân. Đồng thời nó cũng bảo vệ và duy trì những quyền căn bản nói trên của con người, đem lại sự ổn định cho một xã hội tôn trọng luật pháp. Thứ pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà ông Chính đem rao giảng cho người Việt Nam ở Anh không có gì khác hơn là những khuôn mẫu khắc nghiệt dùng để uốn nắn xã hội đi theo con đường cộng sản mà đảng chủ trương. Đó chính là thứ pháp quyền từ thời Liên Bang Xô Viết dưới ách thống trị của đảng Cộng Sản Liên Xô và ngày nay còn hiện diện ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên…

Rốt cuộc lại, lần đầu tiên công du ngoại quốc, quan niệm của ông Chính về nhân quyền xã hội chủ nghĩa nghe thật chối tai. Nó không tạo cho người nghe một cảm giác thoải mái hay hứng khởi mà ngược lại còn làm người ta ngao ngán và khó chịu với sự hiểu biết hạn hẹp về nhân quyền phổ quát, của người đứng đầu nhà nước của một quốc gia hơn 90 triệu dân. Bởi vì nhân quyền của ông Chính chỉ là để “chăm sóc” con người như con vật, chỉ biết cái ăn cái mặc và nằm im không được quậy phá trong khung sắt xã hội chủ nghĩa mà thôi.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -