Những phát lộ đáng sợ

- Quảng Cáo -

Nguyễn Thông

Vụ “đàn áp ngoáy mũi” ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương hôm 28.9 làm lộ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Vẫn biết ở xứ mặt trời rực rỡ, mọi chuyện, nhất là chuyện xấu, sẽ qua đi rất nhanh, bị quên đi rất nhanh, thế nên mới có câu thành ngữ nổi tiếng “ném đá ao bèo”, nhưng tránh sao khỏi bia miệng vẫn tạc chỗ này chỗ kia, khi ấy khi khác.

Phát lộ nhiều lắm. Như người ta nói với nhau, trận dịch khốn nạn này giết chết bao nhiêu người, tàn phá lung lay cả xã hội, còn ghê hơn chiến tranh, nhưng nó cũng có “công” làm phát lộ, phơi bày ra nhiều thứ xấu xa kín đáo, trong đó phần nhiều của nhà cai trị. Nhiều, khó mà kể hết được, chỉ tranh thủ nhặt ra đôi điều.

- Quảng Cáo -

Sự đời xưa nay, ăn cây nào rào cây ấy, ăn oản phải thờ phật, làm thuê phải theo lệnh chủ, nhưng coi đoạn video người đàn bà tay không bị lực lượng hùng hậu trang bị tận răng phá cửa vào nhà, bị bẻ quặt tay ra sau lưng dong đi, chỉ để nhằm mỗi việc ngoáy mũi xét nghiệm, thấy thật kinh khủng và rất buồn. Quyền con người bị xâm phạm, pháp luật bị vi phạm trắng trợn đã đi một nhẽ (mấy thứ này để dành cho các luật sư phân tích), còn nhẽ khác rất đáng nói: đám sai nha hung tợn kia, nào phải ai khác, chính là công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, tất tật đều do dân nuôi, thấm 6 điều cụ dạy, đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ… Trên lý thuyết, họ đều rất đẹp, nhưng lâu nay trong thực tế đã bị méo mó nhiều, trong vụ này thì hỏng hẳn.

Không phải vô cớ mà mấy bữa ni trong dư luận nhan nhản việc trích dẫn truyện Kiều, nào “Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/Người nách thước, kẻ tay dao/Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, nào “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh/Rụng rời khung cửi tan tành gói may”… Hình ảnh những cảnh sát cơ động quần áo nai nịt gọn gàng, giầy chiến binh cao cổ, chú nào cũng đeo chiếc dùi cui, đầy đủ vũ khí xông vào nhà dân trông cực kỳ phản cảm. Ba chú, cộng thêm công an, dân phòng, cán bộ đảng, cán bộ chính quyền, ập vào nhà một cách hung tợn chỉ để bắt đứa đàn bà tay không, không vi phạm pháp luật, không hề có ý chống cự. Cứ thế bẻ quặt tay lôi đi, mặc cho người đàn bà đáng thương yếu ớt phản đối, mặc đứa trẻ con của người tội nghiệp ấy gào mẹ ơi mẹ ơi.

Những người lính kia đâu phải trình độ, nhận thức như đám khố xanh khố vàng ngu dốt, vô học ngày xưa. Họ hiểu cả thế thái nhân tình, nhưng bị nhồi sọ, nhồi nhét thứ ý thức chuyên chính vô sản, chỉ còn biết tuân chỉ, cúc cung tận tụy làm theo lệnh, như thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, như những con robot người máy vô cảm, vô nhận thức, vô hồn. Không một ai trong số hung hăng bẻ quặt đó nhận thức được rằng chính mình đang vi phạm pháp luật chứ không phải người đàn bà tội nghiệp kia.

Trong vụ “cưỡng chế xét mũi” ở tỉnh Bình Dương hôm 28.9, điều may mắn nhất là kết quả xét nghiệm. Người phụ nữ đó cần cảm tạ trời đất và cả khoa học nữa khi có kết quả âm tính.

Cứ thử hình dung xem, nếu cô ấy bị dương tính sẽ như thế nào. Không chỉ nhà chức việc, chính quyền, đoàn thể, hệ thống chính trị, mà cả báo chí truyền thông mậu dịch sẽ được dịp lên án “đương sự” không tiếc lời. Từ một nạn nhân sẽ biến thành tội nhân trong phút chốc. Từ người phụ nữ đáng thương bị cưỡng chế, bị tước đoạt quyền con người sẽ thành kẻ chống đối, cứng đầu, gieo rắc dịch bệnh, thậm chí bị nâng lên thành thế lực thù địch. Còn ai dám bênh vực người thấp cổ bé miệng bị cường quyền đàn áp trước bộ máy hành sự và tuyên truyền như thế. Không loại trừ việc người ta còn xem đây là thắng lợi trong việc kiên quyết áp dụng biện pháp không khoan nhượng để phòng chống dịch nhằm “bảo vệ dân”, nhân rộng ra mọi nơi, rồi cưỡng chế tràn lan. Từ TP.Thuận An, Bình Dương sẽ lan ra khắp nước. Có khi còn được trung ương khen ngợi như điển hình… Tất cả đều có thể xảy ra nếu kết quả dương tính.

Hãy coi kỹ tấm ảnh mà xem, không ai nghĩ rằng đây là tét mũi tìm vi rút để bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà là đang thi hành án tiêm thuốc độc, tử hình quyền con người.

Cũng có những ai đó, nhất là dư luận viên, lên tiếng bênh bạo quyền. Họ vẫn thứ lý luận, rằng ai cũng như cô kia thì làm sao hết dịch. Có người còn đòi trừng trị nghiêm khắc đương sự, phạt thật nặng để làm gương. Họ bất cần biết ngoáy mũi là biện pháp vô ích, tốn kém, không có tác dụng ngăn dịch bệnh, thậm chí còn làm dịch lan nhanh, người lành dễ bị nhiễm hơn. Họ lại càng không thèm biết đó là thứ công quyền bị lạm dụng, trắng trợn tước đoạt quyền con người, luôn coi con người lương thiện như tội phạm. Họ cũng giống như đám báo chí mậu dịch đang lên tiếng nhiếc móc hàng chục vạn công nhân mất việc bị bỏ đói suốt mấy tháng không chịu nổi phải về quê là “tự ý bỏ về gây ùn tắc giao thông”, “tự phát vô ý thức rời nơi đang cư trú”, “gây nguy cơ lây lan dịch bệnh”, “đã về quê tự phát lại còn vượt rào chống người thi hành công vụ”, v.v..

Kẻ ít hiểu biết nên không thương dân, bầu không thương bí chung một giàn đã đi một nhẽ. Đằng này nhiều cán bộ đảng viên, ông to bà nhớn nắm quyền cai trị cũng cố tình vi phạm pháp luật, tự đối lập với dân lành. Ngay cả biện pháp “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại” họ cũng cóc cần. Khi xưa, những người như họ còn ý tứ giấu diếm “phần đen”, nay họ cứ sổ toẹt, công khai. Cơn đại dịch này góp thêm phần bộc lộ nhanh chân tướng của đám “phụ mẫu” ấy.

Bí thư phường, nơi có chung cư xảy ra vụ cưỡng bức ngoáy mũi, rồi cả bà bí thư TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) đều trắng trợn vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật. Ban ngày ban mặt kéo sai nha vào nhà dân như đi bắt tội phạm nguy hiểm. Kẻ dưới làm bậy, kẻ trên bao biện quanh co. Bà bí thư Thuận An cũng trắng trợn chả kém: “Trong thời điểm cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch Covid như hiện nay, tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường trong công tác phòng chống dịch”. Bà ta ngồi xổm lên pháp luật, coi luật pháp không là cái đinh. Bà ta thay cả quốc hội, cơ quan có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp, điều chỉnh luật. Xin hỏi, ai cho phép họ được làm vậy? Trả lời: Họ không cần ai cho phép bởi họ và những người như họ từ thấp tới cao luôn tự nghĩ mình có quyền đó. Tự nhận lãnh đạo toàn diện thì đương nhiên được làm đủ mọi điều.

Còn lộ ra gì nữa trong vụ tét mũi này? Đó là khi dân bị áp bức, bị tước đoạt quyền sống, không thấy bất cứ đoàn thể hội hè nào đứng ra bênh vực, bảo vệ. Nói đâu xa, hội phụ nữ có lẽ không coi người đàn bà đáng thương kia là phụ nữ. Mặt trận cũng chả thấy. Dân vận vắng bóng. Đoàn thanh niên cũng không. Không thấy cái gọi là hệ thống chính trị chặt chẽ đâu cả. Trốn tiệt, cả trước, trong và sau vụ việc. Lại vẫn phải nhắc câu “Khi vui thì vỗ tay vào/Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai” bởi nó quá đúng với hội đoàn ban bệ xứ này. Không phải bản chất ấy bây giờ nhờ dịch mới lộ ra, mà phát lộ lâu rồi, trong vụ tét mũi chỉ đậm hơn, cụ thể hơn thôi.

Nói như một ông trên phây búc, dịch ơi tao cảm ơn mày/mày như nhát cuốc phơi bày chúng ra./.

Thông cào

- Quảng Cáo -