Người cần bị kỷ luật nặng thì không thấy

- Quảng Cáo -

Thiên Thư – (VNTB) – Nếu đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong với ngờ vực là liên quan đến chuyện chống dịch Covid, thì cũng cần đề nghị kỷ luật luôn phó thủ tướng Vũ Đức Đam…

Báo chí đưa tin Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM vì lý do: “Ban cán sự đảng UBND TP.HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn Thành phố; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và các sở, ngành,… bị xử lý hình sự”.

Lẽ hiển nhiên, Uỷ ban kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị tất yếu là có lý do riêng của họ. Cứ tạm cho mọi đề nghị là đúng hết. Vậy chăng, nếu đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong với ngờ vực là liên quan đến chuyện chống dịch Covid, thì cũng cần đề nghị kỷ luật luôn phó thủ tướng Vũ Đức Đam, liệu có thiếu sót?

Tổng cục Thống kê viết: “Trong nước, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế – xã hội.

- Quảng Cáo -

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quyết sách kịp thời để phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cùng với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế – xã hội nước ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ”.

Thêm nữa, Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh: “Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành Nông nghiệp có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời cùng với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để ổn định và phát triển sản xuất, đạt mức tăng trưởng cao. Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch”.

Qua đó, cũng thấy quá rõ, do chính sách chống dịch Covid-19 sai lầm, ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế không chỉ của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn nhiều tỉnh, thành khác ở khu vực Nam Bộ. Mà người cương quyết thực hiện chính sách chống dịch đó, không ai xa lạ, chính là ông Vũ Đức Đam và người có kiến thức chuyên môn về y tế, ông Nguyễn Thanh Long. Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì cũng đã bị bắt.

Đến khi nhờ Nghị quyết 128, các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ nới lỏng đi lại, giao thông dần dần thuận tiện hơn, công việc trôi chảy hơn trước, đúng như Tổng cục Thống kê viết, cuộc sống mới dần trở lại, mới có thể có kết quả đáng khích lệ.

“Quá rõ ràng, thành phố bị thiệt hại nặng nề, nhiều lao động bình dân chịu cảnh nhịn “đói”, nhiều người không nhiễm cũng bị bắt oan, những mất mát do Covid-19 gây ra ở thành phố, là do ai? Có người cho rằng, quyết định cuối là của chính quyền thành phố. Nhưng, nếu có mặt của phó thủ tướng kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia thì như thế nào? Đại diện thành phố có thể ký quyết định nhưng người buộc phải đưa ra quyết định đó là ai?

Thật sự, trong thời điểm dịch, tôi rất cảm ơn những lãnh đạo như ông Nguyễn Thành Phong, ông Nguyễn Văn Nên, ông Dương Anh Đức… đã có những nỗ lực vì người dân, nhất là với những người nghèo, người mất mát vì Covid-19”, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh bộc bạch.

Có thể thấy, đến cả Tổng cục Thống kê, là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê; tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật, còn xác nhận quý IV năm 2021, thiệt hại về kinh tế do dịch cũng như do chính sách chống dịch là điều hoàn toàn có thật, được minh chứng thực tế.

So với sai phạm (nếu có) của ông Nguyễn Thành Phong về chuyện chống dịch Covid-19, xem ra, sai phạm ảnh hưởng nền kinh tế của toàn miền Nam nói riêng cũng như ngân sách Nhà nước nói chung đến từ ông Vũ Đức Đam, xem ra có phần nặng hơn nhiều.

- Quảng Cáo -