- Gió Bấc’s blog – RFA
Có ngưởi nói rằng “kiến thức là những gì sau khi đã quên đi người ta còn nhớ lại”. Sau nửa thế kỷ không còn là học trò, tôi nhận ra điều đọng lại của nền giáo dục Miền Nam ngày ấy là tri thức xây đắp không gian tự do trong sách giáo khoa, cách dạy và cả cung cách vận hành của guồng máy.
Trí nhớ con người thật kỳ lạ, khi có tuổi những chuyện thực tại như cái kính, cái chìa khóa bỏ ở đâu không nhớ. Thuốc tim mạch buổi sáng, thuốc huyết áp buổi chiều uống chưa khi nhớ khi quên. Ấy vậy mà có những bài thơ, bài văn từ thuở học trò người ta vẫn thuộc như in. Không phải quy nạp kinh nghiệm cá nhân mà qua bạn bè đồng học và ngay trên cộng đồng mạng cũng có nhiều trang diễn đàn ghi nhận, thảo luận rất xôm về những bài học cũ. Với thế hệ trước, cố nhà văn Sơn Nam từng có hẳn truyện ngắn “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” viết về sự đồng điệu đồng cảm về ký ức của những bài học cũ trong bộ sách giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ..
Những bài thơ ấy không phải là danh tác nhưng chân thành, gần gủi và nồng hậu sống mãi trong lòng người. Bài Về Quê Ngoại tôi học từ năm lớp nhì và vẫn nhớ như in cho tới bây giờ:
Một buổi hoa vàng ngập lối đi
Mẹ tôi âu yếm dắt tôi về
Viếng thăm quê ngoại vì lâu lắm
Người vẫn hằng mong trở lại quê
Cau trắng bà phơi ở trước thềm
Ngỡ ngàng khi thấy bóng quen quen
Dừng tay bà lại lần ra ngõ
Sau phút hàn huyên ôm lấy tôi
Nhớ thương bà chẳng nói nên lời
Trên đôi gò má nhen nheo ấy
Giọt lệ vui mừng khe khẽ rơi…
Ai cũng có một bà ngoại, một quê ngoại để về thăm mỗi năm một đôi lần và bài thơ này như là câu chuyện của riêng tôi. Quê ngoại tôi không có hoa vàng nhưng có hàng cau lắc lay trong gió.
Ngày nay ngành giáo dục cộng sản bàn về việc tích hợp các môn học với nhau như là tiến bô khoa học nhưng đó chỉ mới là lý luận, còn thực tế chưa biết ra sao. Thế nhưng thời nhỏ chúng tôi có những bài học thuộc lòng, chủ yếu là để tập đọc tập viết tiếng Việt nhưng lại bao hàm kiến thức địa lý và lồng trong đó là tình yêu quê hương nước Việt thật ngọt ngào. Đây là bài học thuộc lòng trong năm lớp Nhứt
Chuyến đi dài
Thời niên thiếu vốn giàu mơ lắm ước
Tôi đã nuôi trong trí chuyến đi dài
Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai
Chân bé quá, không mang hài vạn dặm
Để chờ đợi cho vơi phần thăm thẳm
Bản đồ đây, tôi dự ước hành trình
Giữa phương Nam biển dội sóng thanh bình
Ta sẽ lấy Côn Sơn làm khởi điểm
Sau giây phút để tâm hồn mặc niệm
Lắng không gian nghe tiếng gọi tiền nhân
Đường thênh thang chí quyết cũng xem gần
Đây Phú Quốc mùi hương quê tỏa rộng
Hà Tiên với cảnh non chùa Thạch Động
Kiên giang còn Nhật Tảo sáng ngàn năm
Mắt cô em Cái Sắn tựa trăng rằm
Bao la quá ruộng Cà Mau xếp gọn
Thuyền độc mộc xuôi trên dòng Cái lớn
Xuyên kênh đào về trẩy hội Tây Đô
Lòng Hậu Giang bát ngát tận đôi bờ
Cùng hẹn với sông Tiền trôi chậm rãi
Sen Đồng Tháp phơi màu tươi thắm mãi
Núi Điện Bà che rợp bóng tôn nghiêm
Trăng Sài-thành e thẹn dưới đèn đêm
Hai ngả nước ai Đồng Nai, Gia Định!
Bờ Long Hải chiều êm mây nắng tịnh
Bưởi Biên Hòa ngọt giọng khách miền xa
Trà B’lao sưởi ấm nếp môi già
Đà Lạt gió quyện rừng mây, thác nước
Rừng Ban Mê suối đàn nai khẽ bước
Buồm lao xao Phan Thiết rộn niềm vui
Ngọn tháp Chàm cô quạnh tiếc ngày trôi
Tàu vạn quốc về Cam Ranh chen chúc
Thùy dương rủ Nha Trang thêm hiền thục
Đá bia còn nguyên nét Triện người xưa
Bãi Tam Quan cát mịn ấp chân dừa
Guồng xe nước sông Trà gieo bụi trắng
Ngũ Hành ngắm mặt Hàn giang phẳng lặng
Hải Vân đài cao vút tuyệt đường chim
Nửa khuya chuông Thiên Mụ vọng êm đềm
Cả Hương, Ngự la đà theo nhịp trúc
Cầu Hiền Lương sẽ nối tình Nam Bắc
Xóa nhòa đi phân cách giữa thương đau
Từ Nam Quan cho đến mũi Cà Mau
Liền một dải và chuyến đi lại tiếp.
Ngày nay người ta kêu than học sinh chán sử nhưng thế hệ chúng tôi vẫn còn thuộc lòng các bài toát yếu sử lớp nhất như “Được tin quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ bèn lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung….”. Môn lịch sử không khô khan mà còn hòa tan trong văn học qua nhiều bài học thuộc lòng như bài Giờ Quốc Sử
Những buổi sáng, vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử.
Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thuở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc….
Với cơ chế Bộ Giáo Dục soạn thảo chương trình giáo khoa, các nhà giáo, nhà văn theo đó soạn sách tạo ra nguồn sách giáo khoa phong phú, đa dạng, mỗi thầy cô giáo tự chọn sách để dạy. Sự cạnh tranh lành mạnh ấy không có đất sống cho cách kinh doanh cửa quyền hay chộp giật, sách giáo khoa sai be bét lỗi như hiện giờ.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả tạo dựng uy tín thương hiệu cho mình bằng tài năng phong cách mà trước hết là năng lực và tình yêu giáo dục. Mỗi quyển sách chuyền tay nhau qua nhiều thế hệ. Thời trung học, khi các bạn bè khá giả của tôi học sách của các nhóm Alpha, Trường Thi đươc biên soạn ấn hành trong cuối thập kỷ 1960 với phương pháp, phong cách hiện đại thì tôi vẫn luyện toán từ sách của tác giả Nguyễn Văn Phú, Đào Văn Dương, Nguyễn Đức Kim viết từ thập niên 1950 của thế hệ các anh tôi truyền lại. Kết quả vẫn như nhau.
Cách dạy và cách học thời ấy cũng rất đa dạng, bất ngờ thú vị theo phong cách của từng thầy, cô. Thầy dạy Anh Văn lớp đệ tứ chỉ luyện giọng đọc mà không cần văn phạm. Thầy dạy Toán lớp đệ tam đến lớp tay không, không có sổ đầu bài hay giáo án như bây giờ nhưng bài học, bài tập, bài giải trong đầu thầy tuôn tràn lớp lang mạch lạc. Sau một năm đánh vật với thầy chúng tôi như lớn bổng lên trước các bài Đạo Hàm, Toán Đố Bậc Hai, Hình Học Không Gian vốn là những món khó nhai. Thầy dạy sinh ngữ 2 năm đệ tam lại truyền cho chúng tôi những bài hát tiếng Pháp Que sera sera, Le beau danube bleu đứa nào hát giỏi điểm cao hơn những đứa giỏi chia Verb.
Đặc biệt cô giáo Văn năm lớp 10 dành gần trọn lục cá nguyệt (học kỳ) chỉ giảng hai bài Tài sắc chị em Kiều và Kiều du xuân. Phần còn lại của chương trình gồm Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc và Hoa Tiên truyện, cô chia tổ cho tự học và thuyết trình. Ngày đầu tiên đến lớp cô cho chép một bài thơ tình bí ẩn và chỉ đọc để cảm mà không nhất thiết phải hiểu. Cô gọi tên từng đứa đứng lên để nhận diện và giờ học thứ hai cô phát cho mỗi đứa năm bảy câu nhận xét về tính cách chính xác không thua Quỷ cốc tiên sinh.
Theo bài bản này quả là cô phá giáo án nhưng ngay cú bắt mạch độc đáo đó, cô tạo ra ấn tương mạnh với cả lớp. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc lời phán của cô rồi bình luận suốt nhiều ngày. Qua những chuyện hàn huyên trong các kỳ họp lớp gần đây, bạn bè tôi vẫn còn thuộc bài thơ của cô và chừng như chúng tôi (Ban Toán, Lý) biết yêu văn từ tiết học của cô.
Thời ấy, chừng như mỗi môn học, mỗi tiết học là một không gian độc lập thiêng liêng của Thầy, Cô và học trò. Không có kiểm tra, dự giờ, không có Ban Giám Hiệu, Thanh Tra hay bất cứ chủ thể nào khác xen vào.
Hệ thống quản lý rất nhẹ nhàng, Trường tiểu học chỉ có Hiệu trưởng, hiệu phó, nhân viên thư ký kiêm thủ quỹ. Trường Trung học có thêm Giám Học, Tổng Giám Thị và Giám Thị. Hàng tháng viên Tùy Phái chạy xe Sarch tiếng nổ bành bành đinh tai nhức óc từ tỉnh xuống phát lương cho từng trường. Ngành dọc chỉ có Bộ, Nha và Ty giáo dục mà không có cấp Phòng ở quận.
Sau này chúng tôi đươc biết, thời ấy Sư Phạm không phải là ngành chuột chạy cùng sào như bây giờ mà phải thi tuyển với tỉ lệ chọn rất gắt gao. Muốn dự tuyển vào Đại học sư phạm, thí sinh phải đậu chứng chỉ dự bị của Đại học Khoa học hoặc Văn Khoa đó lại là những chứng chỉ khó gặm. Vì vậy, đối với nam, chỉ cần rớt một trong hai kỳ thi trên sẽ dính vào quân dịch, nên phải học giỏi, thật tự tin mới dám thi Sư Phạm.
Bù lại, người tốt nghiệp Đại học, Cao Đẳng sư phạm sẽ được Bộ Giáo Dục bổ nhiệm bằng môt nghị định theo ngạch công chức Giáo Sư đệ nhị cấp (Đại học) hoặc đệ nhất cấp (Cao Đẳng). Thầy tôi kể rằng chỉ số lương của Giáo sư đệ nhị cấp là 470 cao hơn rất nhiều so với ngạch của Cử nhân hành chánh (thường đươc bổ nhiệm làm quận phó, Trường ty thậm chí Phó tỉnh trưởng hành chánh). Là công chức cấp Bộ quản lý, người Thầy giáo thời VNCH không lệ thuộc vào các quan chức hành chánh hàng đầu của quận của tỉnh thậm chí ngạch bậc lương cao hơn nên không thể có chuyện cô giáo bị Phòng Giáo Dục điều đi tiếp cấp trên ăn nhậu như gái bia ôm của thời cộng sản.
Hơn các ngành khác, giáo chức VNCH còn đươc hưởng trọn ba tháng hè, không phải học chính trị hay làm những việc linh tinh như bây giờ. Chính nhờ vậy, người thầy có không gian thời gian đủ rộng, để nuôi dưỡng, dung chứa tình yêu học trò và có động lực và năng lực cho nghề nghiệp.
Thầy cô thời đó cũng không bị áp lực về thành tích, thi đua, tỉ lệ học sinh lên lớp hay ở lại. Tất cả những yếu tố đó được đánh giá khách quan. Thầy cô bộ môn kiểm bài, cho điểm vào sổ. Lớp quản lý sổ điểm và sổ điểm danh và tổng hợp các điểm số này theo Giáo sư hướng dẫn (chủ nhiệm). Mỗi học sinh có riêng bảng Thành Tích Biểu ghi điểm trung bình hàng tháng, điểm thi học kỳ và lời phê của thầy cô từng môn, lời phê tổng quát của Giáo Sư hướng dẫn. Căn cứ điểm số này, cuối năm ai cũng tự biết mình lên lớp hay ở lại hay được nhận thưởng. Không có chạy điểm, xin điểm, dù thời đó đang chiến tranh, điểm số rất quan trọng, nếu bị ở lại lớp một năm là dính động viên quân dịch không thể thi tú tài. Những học sinh lớn tuổi vướng quân dịch chỉ có đường học nhảy (đăng ký học các lớp cao hơn ở các trường Tư Thục) và ra sức cày để vượt qua các kỳ thi.