Tôi đọc thư của cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, rồi những lời hoan hô ông mà thở dài. Ông Phong ra tối hậu thư, rằng 55 quan chức “uy tín” đã mua và sử dụng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, leo cao chui sâu vào bộ máy chính quyền hãy tự giác từ chức. Nếu không, ông sẽ công bố hết danh tính 55 vị. Có lẽ, theo ông Phong, tự giác từ chức sẽ còn giữ được “uy tín”.
Từng làm công an mà “duy tình” như vậy thì cái xấu, cái ác không phát triển và hoành hành trong chính quyền và trong xã hội mới là chuyện lạ!
Những người bán bằng trong đại học Đông Đô, gồm cả Hiệu trưởng, Hiệu phó đã được công khai và đang xử lý hình sự. Cớ sao phải “duy tình” với các đồng phạm, trong khi ở trường hợp này cầu quyết định cung, có cầu thì mới có cung chứ không phải mua nhầm hàng giả như thị trường thông thường?
“Nhân văn” như cụ Tổng tuyên bố thì phải công bằng, chứ tại sao phải thiên vị các đồng chí của mình? Theo tôi, đã khởi tố hình sự kẻ bán thì cũng phải khởi tố hình sự kẻ mua vì không thể có chuyện mua nhầm hàng giả. Chữ ký, con dấu thật, phôi bằng thật, sao gọi là giả, trừ phi đó là cán bộ giả, thậm chí chính quyền giả. Theo tôi, không có chuyện “duy tình” để che giấu tội phạm. Che giấu tội phạm cũng là một tội được quy định trong luật hình sự.
Chợt nghĩ đến những vụ mua bán dâm. Lâu nay toàn thấy những Thúy Kiều thời đại bị phơi trần trên báo và công luận, bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, còn những khách làng chơi Mã Giám Sinh, Sở Khanh thì bị ém nhẹm. Duy tình thế ư? Nhân văn thế ư? Bảo vệ uy tín gì ở tư cách giòi bọ ấy?
Xử sự như vậy mà đưa Truyện Kiều vào sách giáo khoa dạy chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo thì có lừa dối trẻ em trắng trợn không? Giáo dục một đằng làm một nẻo có phải bị tác dụng ngược không?
Thở dài xong thì không kìm được cơn mửa!
Chu Mộng Long
#bằnggiả #đạihọcĐôngĐô #nguyễnnhưphong