Người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan|

GÓC SUY TƯ

Theo thiển ý, bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 công nhận việc cho và nhận tài sản, không cấm vai trò trung gian chuyển giao tài sản giữa người cho và người nhận. Các quyết định của chính quyền địa phương, các thông tư của bộ hay các nghị định của chính phủ, đều là những văn bản dưới luật không thể thay thế Luật Dân sự. Chỉ có Quốc Hội mới có thẩm quyền điều chỉnh Luật.

Qua đó, việc các cá nhân bỏ tiền túi, hoặc nhận ủy thác của người khác qua việc kêu gọi giúp đỡ để cứu trợ nạn nhân bão lục… Là việc làm đúng, không trái với luật, không ngược với thuần phong mỹ tục, được Luật Dân sự công nhận.

- Quảng Cáo -

Cho nên, nếu nhà nước dùng nghị định của chính phủ hay các quyết định của chính quyền địa phương, là những văn bản dưới luật, để cản trở các công dân trực tiếp tặng tiền, quà cứu trợ, ủy thác hoặc nhận ủy thác để tặng tiền, quà cứu trợ cho những nạn nhân bão lụt, là trái với các quy định của pháp luật, và trái với đạo lý nhường cơm sẻ áo của dân tộc.

Nói nôm na, tiền của tui tui muốn cho ai là quyền của tui. Tiền của tui tui muốn ủy thác cho ai thay tui tặng cho những người tui thích là quyền của tui. Không ai có quyền ép buộc tui phải làm từ thiện, cũng như không ai có quyền bắt buộc tui phải cho người này không được cho người kia, phải ủy thác cho người này không được ủy thác cho người kia, cũng không ai có quyền bắt buộc tui phải trao cho hoặc ủy thác cho nhà nước hoặc các tổ chức xã hội chính trị công lập, các tổ chức quần chúng công của nhà nước. Vì từ thiện là từ tâm, là việc tự nguyện và thiện nguyện, xuất phát từ lòng nhân ái chứ không xuất phát từ bổn phận công dân, nên nhà nước chỉ có thể kêu gọi hoặc khuyến cáo chứ không thể buộc.

Chỉ có thể kêu gọi hoặc khuyến cáo tui nên cho ai hoặc ủy thác cho ai, để tiền và quà của tui được đưa đến đúng mục đích, đúng địa chỉ, tránh có nơi được cứu trợ quá nhiều, có nơi cứu trợ quà ít hoặc không có, tránh bị một số kẻ xấu lợi dụng kêu gọi đóng góp từ thiện để tư túi.

Nhà nước kêu gọi và khuyến cáo là một chuyện, tui nghe hay không là một chuyện khác. Nếu nhà nước cấm tui cho ai, cấm tui nhận ủy thác của ai hoặc ủy thác cho ai, bắt buộc tui phải làm theo ý nhà nước là trái luật, vô tình làm mất đi hàng cứu trợ mà những nạn nhân bão lụt đang rất cần. Bởi nếu nhà nước ngang ngược can thiệp thô bạo vào việc từ thiện, thì tui sẽ sử dụng quyền làm chủ tài sản của tui để thu hồi tiền, quà cứu trợ của tui về nhà, sẽ trả lại tiền, quà cho người ủy thác, thì làm gì nhau ? Chỉ làm khổ cho những nạn nhân lũ lụt đang đói khát mong chờ hàng cứu trợ.

Nhưng trước khi kêu gọi và khuyến cáo ai, nhà nước nên xem lại các tổ chức xã hội công lập và các cơ quan địa phương đã làm tốt việc cứu trợ chưa, đã khắc phục hiện tượng hàng cứu trợ đi lạc vào nhà quan, lạc vào các thân hữu hoặc bị ai đó xà xẻo… Mà báo chí nhiều lần phản ánh chưa ? Tự đặt câu hỏi vì sao các mạnh thường quân thường “chọn mặt gửi vàng” cho các nhà từ thiện chứ ít ủy thác cho nhà nước, ít ủy thác cho các đoàn thể dân sự công lập?

Nhà nước cần siết chặt kỷ cương của các cấp địa phương để lấy lại lòng tin của nhân dân hơn là tìm cách hạn chế hoạt động của những nhà từ thiện. Vì việc từ thiện luôn rất cần trong những lúc thiên tai hoạn nạn. Các nhà từ thiện giúp nhà nước cứu trợ kịp thời là một việc đáng hoan nghênh. Độc quyền từ thiện làm kìm hãm đóng góp của nhân dân cho việc cứu trợ.

Bởi hiện tại, các nhà hảo tâm ít ủy thác tiền, quà cứu trợ cho nhà nước và các hội đoàn của nhà nước, chỉ tin vào những nhà từ thiện ngoài nhà nước, thì nếu nhà nước dùng quyền lực cản trở và định hướng từ thiện chỉ làm cho việc từ thiện chững lại chứ không thể làm cho tiền, quà từ thiện tư nhân chuyển qua cho nhà nước. Bởi tiền, quà từ thiện của nhân dân chỉ được chuyển cho nhà nước và các đoàn thể nhà nước khi và chỉ khi nhà nước làm cho nhân dân tin tiền và quà từ thiện của họ không bị xà xẻo hoặc sử dụng cẩu thả.

Tóm lại, người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm, nhưng cán bộ và các cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì luật pháp quy định. Luật Dân sự không cho phép cán bộ và các cơ quan nhà nước cản trở quyền cho, ủy thác tài sản và nhận tài sản của công dân một cách tự nguyện, không trái với các luật khác và không trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Việc các cá nhân cho tiền, quà cứu trợ, hoặc ủy thác cho các nhà từ thiện làm trung gian chuyển tiền, quà cứu trợ đến nạn nhân bão lụt là việc làm đúng luật, đúng đạo lý dân tộc và đúng với lòng nhân ái của con người. Các nghị định hoặc quyết định của chính quyền địa phương đều là những văn bản dưới luật, nếu trái với Luật Dân sự đều không có giá trị cưỡng hành./.

#lũlụtmiềntrung #chungtaycứutrợđồngbào #luậtdânsự

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here