Bài phát biểu mới rồi của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thư viện Richard Nixon, cố tổng thống Nixon là người cách đây 48 năm đã thăm Bắc Kinh mở đầu cho mối tình đầy duyên nợ Mỹ – Trung gần nửa thế kỷ qua. Trong bài phát biểu ấy có đoạn: “Nếu chúng ta không thay đổi Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ thay đổi chúng ta” chẳng khác gì lời tuyên chiến cho một cuộc chiến ý thức hệ từng được gọi tên là chiến tranh lạnh.
Bởi trong bài phát biểu này, Ông Pompeo có vẻ như muốn tách đảng cộng sản Trung Quốc, là đảng đang độc quyền lãnh đạo nhà nước TC (Trung Cộng), ra khỏi nhân dân Trung Quốc, ngụ ý rằng Mỹ đang chống lại đảng cộng sản TQ chứ không chống nhân dân TQ, kêu gọi thế giới tự do cùng liên thủ chống TC, tự tin rằng Mỹ và thế giới tự do sẽ chiến thắng.
Nhớ lại vào thập niên 80 thế kỷ trước, tổng thống Ronald Reagan đối mặt với hai cuộc chiến vô cùng cam go :
– Một là cuộc chiến thương mại với Nhật. Thời điểm đó GDP của Nhật bằng 2/3 GDP của Mỹ, chênh lệch mậu dịch nghiêng hẳn về Nhật, nguy cơ Nhật bóp còi qua mặt Mỹ ngày càng rõ dần khiến Mỹ phải phát động thương chiến ngăn chặn Nhật vượt mặt. Nhưng vì Nhật là đồng minh của Mỹ nên Mỹ không quá khó khăn đạt được một thỏa thuận thương mại khả dĩ với Nhật. Nhật chấp nhận chiếu dưới để làm ăn thịnh vượng trong cái ô an ninh của Mỹ.
– Hai là cuộc chiến ý thức hệ với Liên Xô, tức cuộc chiến tranh lạnh. Thời điểm đó, Liên Xô đang lãnh đạo các nước thuộc ý thức hệ cộng sản chống lại và đe dọa sự sống còn của thế giới tự do do Mỹ cầm đầu. Hai khối có chiến tuyến rõ ràng, có hệ tư tưởng trái ngược vững chắc, có nền kinh tế biệt lập, có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển, đối kháng triệt để và toàn diện một mất một còn với nhau. Cuộc chiến tranh lạnh kết thúc sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.
Cuộc chiến tranh lạnh Mỹ Trung ngày nay có điểm khác là:
– TC đã hòa nhập kinh tế sâu rộng với Mỹ và thế giới tự do, không còn chiến tuyến, trở thành một nước hết sức quan trọng về kinh tế và thương mại với cộng đồng quốc tế. Nếu TC bị tổn thương cả thế giới khó tránh thương tổn. Cho nên không dễ để Mỹ vận động thành lập một liên minh chống TC như thời chiến tranh lạnh với Liên Xô.
– Mỹ đối đầu với TC khó khăn gấp bội so với Liên Xô. Bởi đối đầu với TC ngày nay chẳng khác gì vừa đối đầu ý thức hệ với Liên Xô vừa đối đầu thương mại với Nhật trước đây. Vì hiện thời GDP của TC đã bằng 2/3 GDP Mỹ, chênh lệch thương mại Trung Mỹ nghiêng hẳn về TC, triển vọng kinh tế TC vượt Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian y chang Nhật trước đây.
– Khả năng quốc phòng TC hiện nay không thua kém quốc phòng Liên Xô, trình độ khoa học kĩ thuật và công nghệ TC đang phát triển mạnh. Quốc khố TC hơn hẳn Liên Xô vì độ lớn của nền kinh tế đang phát triển và dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, không phải cháy túi như Liên Xô lúc sụp đổ.
Tóm lại, cuộc chiến tranh lạnh với TC hôm nay vô cùng khó, không như Liên Xô trước đây, nên không dễ để Mỹ có thể khuất phục ngày một ngày hai.
Nói thế không có nghĩa là TC không có điểm yếu. Dịch cúm Tàu đã giúp bộc lộ những điểm yếu đó :
– Nền kinh tế TC mất cân đối, thị trường nội địa nghiêng về tiết kiệm nên rất yếu không cáng đáng nỗi lúc kinh tế gặp khó khăn và lúc xuất khẩu gặp trở ngại. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, dịch cúm khiến xuất khẩu giảm sút, thương chiến Mỹ cũng góp phần làm suy giảm xuất khẩu, nên đây là thời kỳ kinh tế TC suy yếu, thời kỳ hạ cánh của một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thần kỳ với tỷ lệ tăng GDP luôn ở mức hai con số suốt hai thập niên qua. Một nền kinh tế đang phát triển bỗng dưng chậm lại, thậm chí đang suy yếu sẽ bộc lộ nhiều bất cập khó lường, về nợ nần, công ăn việc làm, ổn định xã hội v.v…
– Kinh tế TC dựa nhiều vào thu nhập nhân công giá rẻ trong các công xưởng thế giới đặt tại TC nên lợi tức không tương xứng với độ lớn của nền kinh tế, phần lớn lợi nhuận vào túi các doanh nghiệp FDI trong các chuỗi cung ứng. Và khi các chuỗi cung ứng rút khỏi TC, thì ngoài việc mất thu nhập còn đối mặt với hàng loạt doanh nghiệp phụ trợ phá sản, hàng trăm triệu lao động thất nghiệp gây rối loạn xã hội.
– Nền khoa học kỹ thuật và công nghệ TC phát triển mạnh trên nền tảng sao chép, bắt ép các doanh nghiệp FDI tại TC chuyển giao, trộm cắp, chôm chỉa… Nên khó bền vững. Bởi khi các nước ngăn chặn TC trộm cắp, phong tỏa không cho TC tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ của họ, thì TC gặp vô vàn khó khăn. Huawei là một trong những ví dụ.
– Kinh tế tài chính và tiền tệ TC phụ thuộc quá lớn vào hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD do phố Wall và FED của Mỹ điều phối. Nếu một mai bị Mỹ ngăn chặn không cho tiếp cận hệ thống tài chính này thì kinh tế TC sẽ lao đao ngay.
– TC tham gia hầu hết các hiệp ước kinh tế, nhưng không có đồng minh, nên rất khó đối đầu với Mỹ khi Mỹ có rất nhiều đồng minh quan trọng.
– TC quá tham lam và hung dữ. Luôn quấy nhiễu láng giềng để lấn chiếm biên giới, biển đảo, tài nguyên… Cho vay bằng bẫy nợ, dùng tiền bạc và lợi ích lo lót các tổ chức quốc tế, các quan chức của các quốc gia khác để thu lợi. Cho nên nếu TC bị sa sút sẽ đối mặt với cảnh giậu đổ bìm leo.
Có vẻ như TC đã nhận thức được tầm quan trọng của cuộc chiến tranh lạnh, vì chiến tranh luôn đem đến kết cục nghiệt ngã là được và mất. Chỉ cần một quyết định sai lầm có thể phải trả giá. Trong tình trạng hiện nay, thật khó cho TC thắng được Mỹ, cho nên một giải pháp nào đó giúp TC thoát khỏi tình huống lưỡng nan để tiếp tục hợp tác với Mỹ như xưa, đang được các giới chức Bắc Kinh suy tính.
Nghiệt nỗi hiện tại có vẻ Mỹ luôn muốn đối đầu ăn thua với TC, chủ động làm cho quan hệ Mỹ Trung luôn nóng, và việc Mỹ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán của TC tại Houston Texas như là một động thái leo thang mới cho sự đối đầu đó.
Tổng Lãnh sự quán TC ở Houston Texas tuyên bố không đóng cửa Tổng Lãnh sự của mình, không phải vì liều mạng ở lỳ không chịu đi, mà đó chỉ là một động thái báo hiệu ba mươi chưa phải là Tết, chắc Bộ Ngoại giao hai nước đang gặp gỡ, đang có một tiến bộ nhất định nào đó? Bởi giới chức TC cũng tuyên bố sẽ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa.
Tuy lãnh sự quán của Mỹ ở Thành Đô Tứ Xuyên không lớn, song nơi đây đã từng là nơi giám đốc công an Trùng Khánh Trương Lập Quân chui vào lánh nạn trong vụ đại án Bạc Hi Lai, và cũng là nơi Mỹ theo dõi cuộc sống nhân dân Tây Tạng.
Thế lưỡng nan của TC là, nếu không phản ứng mạnh với Mỹ chẳng khác nào yếu thế, sẽ làm cho phe diều hâu trong đảng phản đối.
Nhưng nếu phản ứng mạnh với Mỹ sẽ rơi vào trận địa chiến tranh lạnh của Mỹ thì lành ít dữ nhiều./.