Bàn tay thượng đế

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Bệnh CoVid-19 xuất hiện đến nay đã 8 tháng, làm gần 16 triệu người nhiễm và hơn 600 ngàn người chết. Ban đầu là Trung Cộng sau đó Âu Châu, rồi đến Châu Mỹ. Điều đáng nói là ổ dịch sau luôn vượt rất xa những ổ dịch trước đó. Như ta biết, trong thời gian dài Ấn Độ dùng biện pháp cách ly rất quyết liệt, họ cho cảnh sát đánh roi người dân nào vi phạm. Ấy vậy mà bây giờ quốc gia này lại trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới vượt 1 triệu ca nhiễm. Điều đáng nói là ấn độ bùng phát thành ổ dịch khi mà thế giới đã ngưng giao thông qua lại giữa các quốc gia.

Cũng giống Việt Nam, Ấn Độ là quốc gia láng giềng với Trung Cộng nhưng quốc gia này không bùng phát thành ổ dịch từ sớm mà lại bị khi mà cơn đại dịch này đã “đi du lịch” đến Châu Âu, và Châu Mỹ chán chê rồi quay lại Á Châu. Đây là một cảnh báo cho Việt Nam rằng chớ chủ quan, cơn đại dịch này có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy, bệnh dịch này nó chẳng theo một quy luật nào cả, nó chẳng giống với suy đoán thông thường của mọi người.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này nó không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây. Bởi đơn giản, khủng hoảng nầy không xuất phát từ nguyên nhân kinh tế mà là do dịch bệnh. Như ta biết, các cuộc khủng hoảng do nguyên nhân kinh tế thì các nhà nước luôn có chính sách đối phó. Tăng chi tiêu chính phủ là một phương pháp trong chính sách tài khóa nhằm kích cầu cho nền kinh tế. Cách ứng phó này là bài học kinh nghiệm từ các lần khủng hoảng trước. Tương tự vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng thường được các ngân hàng trung ương áp dụng khi mà nền kinh tế đang gặp khủng hoảng vì đói vốn. Chính sách này nó được hình thành cũng từ những bài học khủng hoảng trong quá khứ. Và từ nhiều năm nay, nó đã được nhiều quốc gia dùng như những là liều thuốc đặc trị cho căn bệnh khủng hoảng kinh tế đất nước.

- Quảng Cáo -

Hiện nay, từ Châu Mỹ sang Châu Âu, Châu Phi, Châu Á đến Châu Úc thì các chính phủ vẫn cứ dùng chính sách tài khóa kích cầu nền kinh tế, song song với chính phủ là các ngân hàng trung ương dùng chính sách tiền tệ để bơm tiền kích cầu. Ngoài 2 cách này ra, họ không còn cách nào hay hơn. Giải pháp kinh tế sao chữa được căn bệnh có nguồn gốc từ dịch bệnh được? Mỹ bơm hàng ngàn tỷ USD, EU bơm hàng ngàn tỷ EURO, Anh quốc thì bơm hàng trăm tỷ Bảng, Nhật bơm hàng ngàn tỷ Yen vv.. nhưng nếu bơm rồi mà dịch bệnh không được kiểm soát thì khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng mà thôi. Không chữa được.

CoVid – 19 làm cho hệ thống giao thông thế giới tê liệt. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị cắt rời từng mảnh. Nền kinh tế của từng quốc gia gần như bị cô lập với thế giới. Như vậy, nhiều quốc gia hiện nay chẳng khác nào “gấu ngủ đông”, nghĩa là mỗi quốc gia trên thế giới chủ yếu sử dụng nội lực của mình để mà tự nuôi sống mình là chính. Được biết, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ chỉ chiếm 19,3% GDP, Trung Cộng thì chiếm 33% GDP, còn Việt Nam thì chiếm đến 197% GDP. Tỷ lệ càng thấp thì chứng tỏ nền kinh tế đó càng ít phụ thuộc vào thế giới bên ngoài. Nhìn vào tỉ trọng ấy, chúng ta thấy nội lực nước Mỹ rất mạnh, kế đến là Tàu, và tất nhiên nền kinh Việt Nam có nội lực rất yếu, có thể nói là cực yếu. Vậy thì nếu CoVid-19 kéo dài, thế giới bị cô lập lâu thì nền kinh tế nào rụng trước? Việt Nam rụng trước rồi mới đến Tàu và cuối cùng mới tới lượt Mỹ.

Như đã nói, cuộc khủng hoảng kinh tế kỳ này là do dịch bệnh nên các giải pháp kinh tế của các nhà nước không thể vực dậy nền kinh tế được nếu chưa tìm ra Vaccine. Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Đó là vận mệnh cả thế giới này vẫn không thể nằm trong tay con người được, mà nó vẫn còn nằm trong tay … “ông trời”. Nếu như dịch bệnh hoành hành đến 5 năm hay 10 năm thì thế giới này sẽ đi về đâu? Khó mà tưởng tượng.

Như ta biết, trong bức tranh toàn cầu hóa thì hiện nay, Trung Cộng đang là một mắt xích lớn nhất trong chuỗi cung ứng. Xưa nay Trung Cộng vẫn cứ tung gián điệp ăn cắp công nghệ của Mỹ và Phương Tây để dùng làm bàn đạp rút ngắn khoảng cách trình độ công nghệ với những siêu cường này. Mỹ và Phương Tây đã biết điều này và rất cay ông Tàu, nhưng họ vẫn nhịn, vì sao? Vì nếu đánh Tàu thì chẳng khác nào các quốc gia này tự đánh vào mình. Nói về quan hệ Mỹ -Tàu thì rõ ràng, bên ngoài hai cường quốc này có là sự gắn kết quyền lợi rất lớn với nhau bằng bức tranh toàn cầu hóa. Thế nhưng bên trong thì khác. Bên trong mối quan hệ giữa hai cường quốc là sự mâu thuẫn ngày một sâu sắc bởi cách chơi bẩn của ông Tàu. Mối quan hệ này chẳng khác một bình ga là mấy, bên ngoài là vỏ thép nhưng bên trong là khí ga có áp lực rất lớn. Nếu vỏ bị xé thì hơi nén bên trong sẽ bung mạnh, đó là điều chắc chắn.

Như ta biết, nếu khủng hoảng kinh tế toàn cầu bởi nguyên nhân kinh tế thì nó không thể nào cắt vụn bức tranh toàn cầu hóa được. Bức tranh toàn cầu hóa tưởng như không thể bị cắt, nhưng với con CoVid-19 thì chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, bức tranh này đã bị cắt vụn. Khi vỏ vị vỡ thì rõ ràng mâu thuẫn Mỹ-Tàu bao lâu nay sẽ được giải phóng. Và đó là lý do tại sao sự mâu thuẫn hiện nay đang leo thang, giờ nó không còn gói gọn ở “chiến tranh thương mại” mà đã lan sang lĩnh vực chính trị. Rồi không biết mọi việc sẽ leo thang đến đâu. Chỉ biết, nếu đấu nhau thì chắc chắn Tàu sẽ đuối sức trước. Và biết đâu, lúc đó thế giới sẽ có đổi thay?!

Tất cả, những mâu thuẫn Mỹ – Tàu hôm nay đang ngày càng leo thang đều bắt nguồn từ Covid-19. Thế mới thấy, thế giới thật khó lường. Không ai có thể đoán định được, kể cả người nắm quyền lực lớn nhất thế giới -Tổng Thống Mỹ. Vì sao? Vì đơn giản, số phận thế giới này đang nằm trong tay… thượng đế mà hôm nay chúng ta đang thấy, con người cố gắng vãn hồi nhưng vẫn chưa được. Vậy nên, trên đồng tiền mạnh nhất thế giới vẫn còn đó câu “In God We Trust” mà không bao giờ lỗi thời./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here