Khi Hoàng Tuấn Công chỉ ra những lỗi chính tả ngay trong quyển Từ điển Chính tả với những dẫn liệu và phân tích từ thuần Việt đến Hán Việt, tôi đã đoán ngay là đàn gảy tai trâu. Bởi tôi biết ông Hà Quang Năng, nguyên phụ trách Phòng Từ điển chuyên ngành và Từ điển thuật ngữ của Viện Từ điển chỉ ở trình độ “chữ Nhất bẻ làm đôi không biết chữ gì”. Vả lại, người đã viết sai chính tả thì không thể biết mình sai. Càng bắt anh ta tự chữa lỗi, anh ta càng sai. Một lần duyệt đề thi trong bộ môn, có một câu mà một giảng viên ngôn ngữ học viết sai đến 5 lỗi chính tả, tôi gọi lên tự sửa, anh ta sửa một hồi chồng thêm 10 lỗi. Thôi thì tôi sửa luôn cho anh ta cho nhanh.
Người dạy tiếng Việt viết sai tiếng Việt là hiện tượng phổ biến ở đất nước hay vỗ ngực tự hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Nhưng đây lại là Phó giáo sư, Tiến sĩ ngôn ngữ học chứ không phải giáo viên bình thường.
Nghe ông Năng tự bào chữa cái sai của ông, tôi càng nhận ra ông chẳng có tri thức gì về ngôn ngữ ở trình độ đại cương. Ông nói Từ điển Chính tả của ông “cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng”. Hóa ra những cách viết sai trùng điệp trong từ điển của ông: x thành s (“xét xử” thành “xét sử”…), s thành x (“sa trường” thành “xa trường”…), ch thành tr (“chưởng bạ” thành “trưởng bạ”…), iu thành ưu (“trìu mến” thành “trừu mến”…), gi thành d (“giãy giụa” thành “dãy dụa”…) n thành ng (“tán gia bại sản” thành “táng gia bại sản”…),v.v… vẫn được gọi là chính tả!
Không nghi ngờ gì nữa, đến từ “Chính tả” mang nghĩa là gì ông cũng không biết khi chính ông đặt tên cho sản phẩm của ông là Từ điển Chính tả. Chính tả nghĩa là viết đúng, viết chuẩn thì sao lại chọn cả những cách viết “chưa chuẩn”? Ông lấy cách viết tùy tiện của một thằng ngọng, một đứa trẻ chưa học xong lớp Một để đưa vào từ điển gọi là chính tả cho mọi người học hoặc tra cứu hay sao?
Tôi dám chắc, một em bé học xong lớp Một cũng không có chuyện viết sai như trong từ điển của ông Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện Từ điển vừa dẫn trên.
Khi ông nói “chưa có một văn bản nào ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả” để biện bạch “không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia” làm tôi chợt nhớ đến ông Nguyễn Văn Hiệp (Van Hiep Nguyen), Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, đề nghị Nhà nước nhanh chóng ra Luật Chính tả. Tôi bảo rỗi hơi nhưng chưa kịp hỏi ông Hiệp rằng ai sẽ ra Luật Chính tả, và cái luật ấy sẽ dày bao nhiêu trang? Đại biểu Quốc hội ư? Chắc chắn các đại biểu phải dựa vào Từ điển Chính tả của Viện Từ điển mà ông Năng đã biên soạn chứ chẳng lẽ ngồi cả mấy năm trời liệt kê cho hết cả mấy chục ngàn từ tiếng Việt? Và chắc chắn Quốc hội không thể bê cả quyển từ điển dày cả ngàn trang ấy vào trong luật. Hú hồn là Nhà nước làm lơ chứ không thì Từ điển Chính tả thành Từ điển Ẩu tả. Ẩu tả là tùy tiện, gốc Hán 嘔瀉 là nôn mửa và ỉa chảy.
Tôi biết, các loại Viện, trong đó có Viện Từ điển, có những đề tài, dự án ngốn tiền tỷ ngân sách. Biết đâu để chuẩn bị cho Luật Chính tả ra đời, cuốn từ điển này đã ngốn nhiều tỷ để ông Năng và cộng sự của ông ỉa và mửa vào chữ viết tiếng Việt?
Người học ngôn ngữ ở trình độ đại cương đều biết ngôn ngữ là khế ước của cộng đồng. Chữ viết càng là khế ước nghiêm ngặt. Chữ viết tiếng Việt sau hơn cả trăm năm biến đổi thông qua sự điều chỉnh, lựa chọn và đã đi vào ổn định. Việc chuẩn hóa chữ viết là công việc của ngành giáo dục vì chữ viết là công cụ quan trọng nhất của giáo dục. Sách giáo khoa dạy chữ đã là luật. Nó chống sự tùy tiện để đi đến thống nhất chung. Những cách viết khác nằm ngoài cái khế ước đã được cộng đồng thừa nhận đều bị xem là tùy tiện, ẩu tả. Một từ điển ẩu tả như Từ điển Chính tả của ông Năng không thể xem là từ điển chính tả, trừ kẻ thiểu năng, ông Năng ạ!
Xem thêm: