Một quốc gia cũng có nền giáo dục như mọi quốc gia khác, cũng 12 năm phổ thông rồi cũng 4 năm đại học, thậm chí thời gian học đại học còn kéo dài hơn 1 năm so với những nước khác, ấy vậy mà vấn đề ý thức của người dân mãi không được cải thiện? Khi thành phố đông người thì tai nạn vốn đã cao, nay thành phố vắng người mà tai nạn còn cao hơn thì vấn đề ấy điều gì? Vậy là hóa ra lâu nay, nhờ đông người mà dân ít có cơ hội để bất tuân luật chứ không phải vì họ có ý thức. Muốn vượt đèn đỏ lắm nhưng vì có một khối người đang làm chướng ngại vật ngay trước vạch dừng đèn đỏ nên không có cơ hội vượt, thế là tai nạn được hạn chế. Hay khi thành phố đông đúc, muốn chạy quá tốc độ cũng khó chứ không phải là tự trong mỗi người đã có ý thức phải đi với tốc độ vừa phải. Đúng là Việt Nam xảy ra những chuyện mà thế giới không có.
Để có được ý thức cao cho xã hội thì chính quyền phải làm tốt 2 việc, thứ nhất là giáo dục có tính nhân bản, và thứ nhì là luật pháp nghiêm minh. Giáo dục nhân bản thì ở nền giáo dục XHCN không hề có, còn nói về luật pháp nghiêm minh thì lại càng không. Chúng ta thường thấy ở Việt Nam, con người rất hung hăng, đi sai luật nhưng vẫn tấn công người đi đúng luật. Thực ra đây là một bản sao, chính quyền nào thì nhân dân đó. Chúng ta hãy ngẫm lại xem, lực lượng chấp pháp ở Việt Nam họ đã làm gì? Họ sẵn sàng đánh đập, bắt nhốt và thậm chí bắt bỏ tù người thực thi quyền biểu tình theo hiến định. Vậy đây có phải là kẻ phạm luật lại tấn công người sống đúng tinh thần thượng tôn pháp luật không? Và chính điều đó, nó đã nặn ra một xã hội theo khuôn mẫu của một thượng tầng bất chính.
Có ý kiến cho rằng có đến 95% ý thức con người được hình thành nhờ tính nghiêm minh của luật pháp, còn lại 5% là hình thành bởi giáo dục. Nhận định này có vẻ hợp lý, vì như chúng ta thấy, tại Việt Nam, luật pháp lỏng lẻo đã đưa đến kết quả là một lượng người rất lớn trong xã hội sống rất thiếu ý thức. Số người này chiếm áp đảo so với những người có ý thức, và hầu hết những người có ý thức đều là những người có học hành đầy đủ, thế nhưng ngược lại, người có học chưa chắc có ý thức. Đấy là thực tế. Vì thế mà sự khẳng định chỉ 5% người có được ý thức bởi giáo dục là có thể tin cậy được.
Sự nghiêm minh của luật pháp bị chi phối bởi 2 yếu tố: Thứ nhất là ra luật như thế nào?; Thứ nhì là thi hành luật ấy như thế nào? Khi nói đến vấn đề ra luật là nói đến lập pháp, và nói đến thi hành luật là nói đến tư pháp và hành pháp. Mà để cho lập pháp ra luật công bằng thì Quốc hội phải là nơi đại diện cho dân thực sự, phải cấm tuyệt chuyện người nắm quyền hành pháp hoặc tư pháp lại ngồi trong Quốc hội để ra luật và biểu quyết luật. Đồng thời cấm tuyệt chuyện người ngồi trong Quốc hội là tay sai cho độc nhất một đảng phái thì may ra luật viết ra mới không thiên vị. Với 96% là đảng viên ĐCS trong quốc hội và trong đó quy tụ toàn là những người làm trong bộ máy hành pháp hoặc tư pháp từ Trung ương đến địa phương thì đủ hiểu, luật Việt Nam viết ra là cho ai? Và có thể nói những bất công xã hội nó được thể hiện ngay trong những điều luật được viết ra chứ chưa nói gì đến hành động của lực lượng chấp pháp.
Như vậy tính nghiêm minh của luật pháp Việt Nam nó bị gãy ngay khâu ra luật. Đến khâu thi hành thì có thể nói, một rừng nguyên tắc bị phía hành pháp và tư pháp chà đạp. Từ bao giờ, ở Việt Nam có một nguyên tắc bất thành văn là, dân có thể kiện nhau ra tòa chứ dân không được quyền kiện chính quyền làm sai. Tuy rằng trong pháp luật không có điều khoản nào cấm dân kiện chính quyền, nhưng thực tế thì cho thấy dân không bao giờ được phép làm điều đó. Mà theo nguyên tắc thực thi pháp luật thì dân có quyền làm những gì luật không cấm. Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy rằng, trong quá trình thực thi luật pháp thì ĐCS đã cố tình để cho những thứ “luật bất thành văn” bẻ gãy những thứ “luật thành văn”. Với cách thực thi luật pháp như thế thì bảo sao luật pháp có thể nghiêm minh được?
Việc làm bất bình thường trên thế giới thì ở Việt Nam, cả chính quyền và nhân dân cứ xem nó là chuyện bình thường. Đấy là cái bất bình thường của đời sống luật pháp tại Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam, đầy rẫy những trường hợp công an lộng quyền xâm nhập gia cư bất hợp pháp để hạch sách hộ khẩu hay tạm trú tạm vắng của công dân mà không hề có lệnh của tòa án. Lực lượng chấp pháp làm việc vô pháp một cách có hệ thống như thế đã và đang cứ như chuyện đương nhiên ở Việt Nam. Và rất nhiều ví dụ khác mà chúng ta không thể nào liệt kê hết.
Như chúng ta thấy, hiện tượng tai nạn giao thông tăng đột biến trong những ngày người dân cách ly là kết quả của một xã hội có luật nhưng vô pháp. Một bộ máy công an trị khổng lồ nhưng dùng để làm gì? Để đe dọa công dân theo lệnh đảng hơn là để gìn giữ kỷ cương phép nước. Ngay nhưng chuyện cỏn con là tai nạn giao thông tăng bất thường mà ông phó thủ tướng cũng ra tay chỉ đạo thì thử hỏi bộ máy công an họ đang ở đâu? Chuyện nhỏ mà ông tướng ra, vậy thì ĐCS dựng nên ông thủ tướng để làm gì? Để bao hết mọi chuyện “từ việc mổ trâu đến chém ruồi” ư? Ngay cả hình ảnh dùng dao mổ trâu chém ruồi của bộ máy chính quyền CS đã đủ để nói lên tất cả, nó hoạt động vừa lộn xộn vừa kém hiệu quả. Thêm vào đó là ý thức thượng tôn pháp luật của bộ máy vô cùng kém thì có thể nói cả một hệ thống khổng lồ vận hành sai bét. Mà một khi đã sai cả hệ thống thì không thể nào sửa được nếu không vứt bỏ hệ thống ấy./.