Sẽ kinh khủng hơn Tần Thủy Hoàng, Hồi 2

Bên trái là Chữ Quốc Ngữ hiện nay và bên phải là cách viết đang được đề nghị.
- Quảng Cáo -

Đỗ Đăng Liêu – Web Việt Tân

Trước hết, xin Bạn đọc vui lòng xem những giòng chữ sau đây và đoán xem đó là gì? là ngôn ngữ nào? là chữ viết của nước nào? và Bạn có hiểu được nghĩa không?

Đây:

- Quảng Cáo -

Sao, Bạn có đoán ra không (ngoại trừ trường hợp Bạn đã biết trước rồi)?

Thưa Bạn, đó là bài thơ “Lời nguyện cầu ngày Noel” theo cách viết tiếng Việt mà hai ông Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đang đề nghị, bằng cái mà hai ông gọi là “Chữ Việt Nam Song Song 4.0” mà hai ông cùng chế ra mới gần đây.

Đây là hình ảnh so sánh hai cách viết:

Thật không thể hiểu nổi cách viết tiếng Quốc Ngữ hiện nay tuyệt vời như vậy có tội tình gì mà 2 vị học giả này nhất định đem ra mổ xẻ để rồi đem đi chôn như vậy?

Ở đây tôi chỉ đưa ra một hình ảnh cụ thể để chúng ta dễ hiểu chứ không đi sâu vào những nguyên tắc rất nhiêu khê được 2 tác giả trình bày trong bài báo “Tiếng Việt không dấu chính thức được cấp bản quyền, tác giả hy vọng chữ mới có thể được đưa vào giảng dạy cho học sinh” đăng trên “kenh14.vn” ngày 1 tháng Tư, 2020 vừa qua (*)

Theo bài báo này thì ông Kiều Trường Lâm năm nay 33 tuổi, hiện sống ở Việt Nam, đã mất 27 năm để nghiên cứu cách viết này từ khi ông còn học tiểu học. Ông Trần Tư Bình hiện sống ở Úc, là tác giả của “kiểu viết nhanh”. Hai ông Lâm và Bình phối hợp và sáng chế ra “Chữ Việt Nam Song Song 4.0”.

Hẳn bạn đọc còn nhớ, cách đây khoảng 2 năm rưỡi xảy ra hiện tượng Bùi Hiền. PGS Bùi Hiền đã đề nghị một cách viết tiếng Việt khiến cho cộng đồng mạng trong và ngoài nước nổi sóng cả một thời gian dài, mà tuyệt đại đa số là những phản ánh giận dữ, những lời chửi bới thậm tệ một thời gian rồi mới tạm yên. Và cái đề nghị đó dường như cũng đã được đem đi chôn.

Ngay khi đề nghị của PGS Bùi Hiền được đưa ra, tôi đã viết ngay một bài bình luận ngắn có tựa đề là “Sẽ kinh khủng hơn Tần Thủy Hoàng”.

Những gì tôi nghĩ về “Chữ Việt Nam Song Song 4.0” hôm nay không khác những gì tôi nghĩ về cách viết tiếng Việt của PGS Bùi Hiền. Vì vậy, và vì bài viết cũng ngắn, tôi xin bạn đọc vui lòng đọc lại bài viết của tôi gửi kèm lại đường dẫn ngay dưới đây để rõ quan điểm. (**)

Từ xa xưa, người Việt nói chuyện với nhau bằng “tiếng Việt”, là ngôn ngữ nói, chưa có chữ viết. Những người có học thì dùng chữ Hán để viết. Mãi đến Thế Kỷ 15 thì chữ Nôm (ký hiệu từa tựa chữ Hán) mới được sáng chế ra thành ký tự cho “tiếng Việt” và được người Việt dùng trong khoảng 500 năm cho tới Thế Kỷ 19 khi “chữ Quốc Ngữ” xuất hiện và dần dần thay thế hẳn chữ Nôm.

Những gì đã được viết bằng chữ Nôm ngày nay chỉ còn một số học giả hay các nhà nghiên cứu bỏ công học thì mới đọc được. Những người sinh ra trong thời gian tròm trèm 100 năm qua, như bạn và tôi, chắc không đọc được chữ Nôm. Điều đó có nghĩa là cả một kho tàng tài liệu và văn hoá được viết bằng chữ Nôm coi như đã mất gần hết, trừ một số rất nhỏ được chuyển sang chữ Quốc Ngữ.

Một ví dụ. Tác phẩm thơ Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn nguyên thủy là chữ Hán, được một số học giả, Đoàn Thị Điểm là một, dịch sang chữ Nôm, và sau này được chuyển sang chữ Quốc Ngữ. Sau mấy trăm năm trải qua tiến trình dài, chữ Quốc Ngữ ngày hôm nay coi như đã hoàn chỉnh, và như mọi ngôn ngữ khác, chỉ còn những điều chỉnh thật nhỏ để ngày một hoàn hảo hơn, vừa thẩm mỹ, vừa tiện lợi. Người Việt ngày nay không còn mấy ai đọc Chinh Phụ Ngâm Khúc bằng chữ Nôm nữa.

Với những kiểu viết chữ Việt mà các ông Bùi Hiền, ông Kiều Trường Lâm và ông Trần Tư Bình đề nghị, nếu được đem ra áp dụng, thì một ngày nào đó trong tương lai, số phận của chữ Quốc Ngữ như hiện nay sẽ giống như chữ Nôm vài trăm năm trước kèm theo những mất mát to lớn không thể tưởng tượng nổi.

Bỏ ra một thời gian dài để sáng chế ra một cách viết chữ như các ông Hiền, Lâm và Bình là một nỗ lực lớn cho dù mục đích là như thế nào đi nữa. Điều đó ai cũng phải ghi nhận. Điều quan trọng là hậu quả của việc làm đó như thế nào.

Được biết là các ông Lâm và Bình đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền. Có chứng nhận bản quyền không quan trọng. Quan trọng và có hậu quả hay không là việc cách viết chữ đó có được nhà nước đem áp dụng và bắt học sinh học hay không.

Tần Thủy Hoàng đốt sách nhưng người ta còn muốn đọc thì người ta vẫn bảo tồn được. Làm cho người ta không muốn đọc nữa thì sách có còn cũng như đã đốt. Quả là kinh khủng hơn Tần Thủy Hoàng!

Đỗ Đăng Liêu

(*) https://kenh14.vn/tieng-viet-khong-dau-chinh-thuc-duoc-cap-ban-quyen-tac-gia-hy-vong-chu-moi-co-the-duoc-dua-vao-giang-day-cho-hoc-sinh-20200401131356346.chn?

(**) https://chantroimoimedia.com/2017/11/29/se-kinh-khung-hon-tan-thuy-hoang/

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here