Nghệ an là tỉnh lớn nhất Việt Nam (16 490 km2) với dân số đứng thứ tư trên toàn quốc (3 547 000 người) – sau TP HCM, Hà Nội và Thanh Hóa.
Nhưng buồn thay Nghệ An lại đứng thứ 54 (trong tổng số 63 tỉnh thành) về thu nhập bình quân đầu người (1.636 USD), chỉ bằng 64,4% mức trung bình quốc gia của Việt Nam là 2.540 USD.
Tại sao một tỉnh lớn có nhiều tiềm năng về con người và tài nguyên như Nghệ An lại có thể là một tỉnh nghèo đứng trong nhóm 10 tỉnh thành cuối bảng xếp hạng của cả nước?
Môi trường sống khó khăn chắc chắn là một trong những nguyên do thúc đẩy người Nghệ An di cư, ra khỏi tỉnh và ra khỏi nước – hợp pháp và bất hợp pháp!
Có nhiều nguyên nhân góp phần làm cho Nghệ An tụt hạng mà không thể trình bày hết ở đây. Nhưng cũng cần nêu ra một trong những nguyên nhân mấu chốt: Đó là chưa giải phóng được nội lực – mà động cơ thúc đẩy chính là tài năng của người dân trong tỉnh.
Bởi thế, trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có nhiều doanh nghiệp lớn. Nghệ An không có nền sản xuất công nghiệp. Nghệ An xuất khảu nông nghiệp và thủy sản kém. Nghệ An chưa có nền giáo dục cao. Nghệ An ứng dụng công nghệ chậm. Nghệ An chưa có thị trường dịch vụ tốt… Và nhiều thứ khác nữa.
Nêu ra những điều trên, không phải để chỉ trích mà là thực tế để cho lãnh đạo Nghệ An cấp tỉnh vầ cấp huyện tham khảo, mà nghĩ ra phương kế.
Một dựa dẫm có thể nói đã trở thành căn bệnh chung ở nước ta (chứ không riêng gì Nghệ An) là ngồi chờ nguồn đầu tư từ ngoài. Đầu tư nước ngoài là một nguồn đầu tư quan trọng. Nhưng chỉ ngồi chờ nguồn đầu tư nước ngoài là hạ sách.
Nội lực mới là nhân tố quyết định. Bởi vậy, thay vì ngóng chờ đầu tư nước ngoài thì trước hết phải đẩy mạnh sản xuất trong tỉnh.
Không phải là sân sau, mà phải đưa ra chiến lược và cung cấp điều kiện để có được nhiều doanh nghiệp tư nhân mỗi ngày một lớn mạnh. Trong đó cần nhất là sự hỗ trợ về tài chính và thị trường.
Điều đó có nghĩa là lãnh đạo tỉnh phải tìm được các nguồn tài chính giúp đỡ cho doanh nghiệp đầu tư, đồng thời lãnh đạo tỉnh phải đi tìm giúp thị trường tiêu thụ hàng hóa và giúp đỡ tìm kiếm thị trường việc làm. Đó mới là việc làm thiết thực của lãnh đạo chứ không phải là họp và nghị quyết.
Sản xuất hàng hóa nào, xuất khẩu đi đâu, kiếm việc làm ở đâu cho doanh nghiệp sống sót, nguồn lợi nào phải là của doanh nghiệp trong tỉnh hứng đón chứ không thể là người khác… tất cả là nỗi lo thường trực của lãnh đạo tỉnh, chứ không chỉ riêng của doanh nghiệp.
Lấy thí dụ đầu tư của nhà nước qua địa bàn tỉnh như đường cao tốc thì tỉnh phải dành bằng được cho doanh nghiệp của tỉnh thi công. Doanh nghiệp tỉnh còn nhỏ thì hợp lực các doanhg nghiệp lại, chưa đủ phương tiện thì đầu tư thêm phương tiện. Gói thầu lớn quá thì đấu tranh để chia nhỏ hợp lý. Nghĩa là bằng mọi phương cách để dành công việc bằng được cho các doanh nghiệp của địa phương…
Lấy thí dụ hàng hóa nào xuất khẩu được sang Mỹ, sang Liên minh châu Âu, sang Nhật… phải là nhiệm vụ của lãnh đạo tỉnh, chứ không chỉ riêng của doanh nghiệp. Từ đó lãnh đạo tỉnh mới có kế sách.
Muốn có kế sách thì phải có người nghĩ, muốn thực hiện kế sách thì phải có người làm – nhân sự là vấn đề chủ chốt trong giải phóng nội lực.
Nếu có một cơ chế thực sự khoa học để toàn dân Nghệ An có thể tự do bàu cử được Tỉnh trưởng Nghệ An, thì thiết nghĩ Nghệ An sẽ nằm trong top 10 các tỉnh thành có thu nhập bình quân cao nhất nước.
Dù có đọc bao nhiêu diễn văn, ra bao nhiêu nghị quyết, nhưng chừng nào mà lãnh đạo tỉnh không lo nỗi lo của doanh nghiệp, không đau nỗi đau của các gia đình, thì chừng đó tỉnh sẽ không thể giàu mạnh./.