Cái chết của Trần Bắc Hà khiến giới ngân hàng rúng động

Trùm tài phiệt Trần Bắc Hà. (Hình: ndh.vn)
- Quảng Cáo -

Minh Quân (VNTB)|

Trần Bắc Hà không chỉ được xem là ‘đại gia lưu manh ngân hàng’ mà còn là một người khổng lồ trong lĩnh vực này, thậm chí còn được xem là một ‘bố già’ có thể đá bay cả cấp thứ trưởng hoặc phó thống đốc ngân hàng nếu những quan chức đó không khiến Hà vừa lòng.

Vào cuối năm 2018, vụ Trần Bắc Hà bị bắt bởi mật vụ Việt Nam tại Lào và sau đó cấp tốc dẫn giải về Việt Nam đã gây nên một cú chấn động trong giới lãnh đạo ngân hàng, trở thành đầu đề nóng hổi hiện trên nhiều gương mặt thất thần vì lo sợ.

8 tháng sau đó, cái chết của Trần Bắc Hà một lần nữa gây rúng động giới nhiều tiền lắm của. Nếu cả một nhân vật khổng lồ như Hà mà còn bị chết cay chết đắng, chết không thể nhắm mắt trong lao tù chế độ, thì chẳng còn lãnh đạo ngân hàng nào có thể tự tin là mình sẽ tuyệt đối an toàn, trong khi nhiều kẻ đã dính chàm luôn nơm nớp về tương lai số phận của họ sẽ chung lối chung cảnh với Trần Bắc Hà.

- Quảng Cáo -

“Người giàu phải khóc” đang ứng với cơ sự điên đảo thời nay. Những người giàu của ngân hàng – giới mà từ lâu đã bị cả báo chí nhà nước xỏ xiên là “cá mập” bởi thói đời ngồi mát ăn bát vàng nhưng lại “thắt cổ” doanh nghiệp và người dân. Hàng loạt cái tên như “doanh nhân thành đạt” Hà Văn Thắm của Ocean Bank, Nguyễn Xuân Sơn của GP Bank, Trần Phương bình của DongABank – những ‘cá lớn’ đã lần lượt nhập ‘hộ khẩu’ vào trại giam cùng nhiều ‘cá nhỏ’ khác.

Kể từ năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng khởi sự chiến dịch ‘đốt lò’, giới ngân hàng đã nhiều phen rúng động. Nếu vào những năm trước khi vụ bắt Bầu Kiên xảy ra, bầu không khí được mô tả là “nín thở,” thì vào những năm gần đây khi cả hai đại gia ngân hàng là Trầm Bê và Trần Bắc Hà đều bị bắt, cũng không khí ấy đang bị xem là “nghẹt thở.”

Không hiểu từ khi nào, ngân hàng bắt đầu bị xem là “nghề nguy hiểm.” Một số nhà phân tích bình dân còn đế thêm là trong tình cảnh số muốn chạy ra nhiều hơn kẻ muốn nhào vào này, chính cái nghề “chủ tịch hội đồng quản trị” của các tập đoàn nhà nước lỗ lã tan nát mới là nguy hiểm nhất.

Sau đó là giới ngân hàng.

Trong cuộc nhậu, lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng tỉnh thầm thì: “Sắp tới tôi cũng tính tìm đường rút cho êm. Gọn nhất là cứ lấy lý do sức khỏe mà từ nhiệm. Làm ăn thì đâu còn thời hoàng kim như hồi những năm 2010, 2011 muốn nâng hạ lãi suất bao nhiêu tùy ý. Ở lại bây giờ không phải đầu cũng phải tai. Bây giờ mà không hết sức che chắn có khi lại bị coi là ‘sân sau’ của mấy anh Hai, anh Ba, anh Tư, rồi coi chừng lại bị công an ‘chém’ như với mấy ông ngân hàng xây dựng hay Oceanbank vừa rồi…”

Quả đúng như lời thì thầm của lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên bàn nhậu, không rớ vào thì thôi chứ đã rớ thì “trăm thằng trúng cả trăm” đều vi phạm pháp luật. Rồi cứ hàng đống tội danh vi luật ấy mà nâng qua điểm “lợi dụng chức vụ” lẫn “cố ý làm trái,” cộng thêm cái tội tày trời không có trong luật về chuyện ngân hàng này nọ là “sân sau” của những lãnh cao cấp nào đó, nhất là còn cung ứng hậu cần và hậu phương để các “anh ấy” đấu đá với nhau… Khi ấy thì chỉ có chết!

Giờ đây khi Trần Bắc Hà đã xuôi tay khó bề nhắm mắt, Nguyễn Phú Trọng đã mất đi một nguồn thông tin và cũng là nhân chứng cực kỳ quan trọng nhằm phục vụ cho quy trình tố tụng hình sự những cái bóng thấp thoáng sau lưng Trần Bắc Hà.

Nếu Trần Bắc Hà không phải chết do tuyệt thực như một nguồn tin không chính thức thì ông ta đã bị ai giết?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here