Không bao giờ tôi quên được ngày kinh hoàng đó 17/02/1979. Mỗi năm cứ đến ngày này tôi lại thắp nhang giữa tim đau khấn thầm những linh hồn chết tức tưởi trong cuộc tàn sát bất ngờ của lũ giặc bành trướng man rợ. Khi đó tôi mới tốt nghiệp ở Nga về được 4 tháng, được biệt phái sang làm cho Đoàn khảo sát chuyên gia Liên xô tại mỏ Aparit Lào cai. 25 tuổi, mới về nước, cái gì cũng lạ lẫm, phải làm quen từ đầu lại những thứ là bình thường với mọi người (7 năm xa Việt Nam không một lần được về). Nhưng lại làm với toàn người Nga, nói tiếng Nga cả ngày nên rất thích hợp. Tôi dịch trực tiếp cho ông trưởng đoàn Kalinhin, một ông to lớn, tốt bụng và vô cùng thông minh, có bà vợ Sveta xinh đẹp dịu dàng, làm trong phòng đo vẽ Trắc đạc. Khi không dịch cho ông ấy, tôi làm hành chính và dịch cho các chuyên gia khác theo lịch, công việc bận rộn nhưng thật vui. Đoàn khảo sát này phủ trùm Việt nam – Lào – Campuchia. Apatít Lào Cai là một trọng điểm, có hơn 50 chuyên gia thường xuyên ở đó. Tính tôi vui vẻ nên thân thiện nhanh với dân bản xứ, thường xuyên chia xẻ mọi thứ cho họ. Hồi đó còn khó khăn lắm, chuyên gia cho tôi nhiều thứ như bánh kẹo, đồ ăn (kho dự trữ của họ rất lớn), tôi chia cho dân Việt ở đó, không hề nghĩ rằng khi xảy ra sự cố, họ có thể trả ơn bằng cả tính mạng của mình.
Sáng nghe thấy tiếng súng nổ, ngỡ rằng đang ngủ mơ, bỗng nghe thấy lao xao, rồi tiếng thét, tôi choàng dậy, mở cửa sổ, sao người chạy qua chạy lại lắm thế. Tôi chạy ra ngoài không tìm được người quen, vội đập cửa gọi các chuyên gia dậy. Không có điện thoại để gọi. Tôi chạy đi tìm lãnh đạo Việt, không gặp ai. Gặp các người dân la hét là chạy đi thôi, nó giết hết dân Bát Xát rồi, nó đập nát đầu nó xiên qua tim, nó hãm hiếp, nó đốt nhà, nó cướp của, bắt cóc …, những ánh mắt thất thần, những bộ mặt bạc phếch vô hồn.
Tôi bắt đầu hoảng hốt, ai đó lôi tôi đi tìm ông Ngữ giám đốc mỏ, Kolя – thủ kho Nga dúi vào tay tôi cái ống nhòm, tôi chạy theo lên trận địa tìm lãnh đạo xin chỉ thị, giơ ống nhòm lên nhìn xa xa thấy các người lố nhố, các đoàn xe phương tiện làm mỏ bị kéo đi, ai đó hét lên ”chúng nó cướp mọi thứ kìa”, tôi bắt đầu hiểu là bọn bành trướng (hồi đó loa phát gọi giặc Tàu như vậy) đã tràn vào và tôi quay phắt chạy nhanh về khu chuyên gia, đập cửa từng phòng, ra lệnh cho tất cả làm theo lệnh của tôi, như có ai nhập vào mình vậy. Lệnh cho các gia đình chuyên gia vơ tư trang đủ dùng, còn lại đổ xăng đầy bình và xăng dự trữ cùng đồ ăn uống nhanh chóng lên xe nổ máy chạy. Lệnh cho thủ kho lấy đủ đồ ăn uống, làm cho tôi 10 túi đầy đủ đồ ăn uống bánh kẹo sữa đường cho 10 gia đình Việt đổi lại cho tôi 10 thanh niên khỏe mạnh, họ sẵn sàng ngay dù không hiểu tôi dùng thế nào, sau sẽ giải thích. Bảo thủ quĩ Nga vét hết tiền mặt có được đi theo bên tôi không rời. Nói thật lúc đó chỉ có tôi với anh Côn là phụ trách cả đoàn chuyên gia cho tới cùng, còn các vị khác chạy về hết lo cho gia đình họ. Chuyên gia chỉ còn bám lấy hai chúng tôi, chỉ hội ý chớp nhoáng rồi ra lệnh, lệnh và lệnh. Thời gian là tính mạng.
Hà nội gọi, bảo cứ ở lại Cam Đường, ”họ” không vào đâu. Chúng tôi cho nghe tiếng súng và bảo đang chạy về, dập máy không nghe nữa. ”Họ” là giặc Tàu đấy.
Nổ máy, tất cả nghe răm rắp. Dân chạy loạn kín đường, lúc này tôi bắt đầu ra chiêu, phân công cho 10 thanh niên nói trên (may họ quí mến tôi từ trước) chạy dẹp đường phía trên, hai bên và sau đoàn xe để dẹp đường cho đoàn xe com măng ca chạy, miệng hô to ”xe quân sự phục vụ chiến đấu, xin bà con nhường đường“, sau họ chỉ hét ”xe quân sự”…
Đầu tiên dẹp rất chậm, tôi lệnh bấm còi thật to và rồ máy, vì súng nổ dã man sau lưng, các thanh niên cũng thục mạng dẹp đường. Nhìn bà con chạy lếch thếch mà đứt ruột. Nhưng vì sự sống còn của các chuyên gia mà chúng tôi phải lờ đi đồng bào mình để hoàn thành trách nhiệm. Tôi có quăng qua cửa xe một số bánh mì và bánh kẹo vì thấy nhiều trẻ em, không thể làm gì hơn là ứa nước mắt.
Đến đoạn dân chạy còn thưa thớt, tôi cho xe dừng lại phát tiền cho 10 thanh niên, họ rã rời cám ơn không thành tiếng, tôi muốn sụp xuống lạy họ.
Sang đến phố Lu, lo ăn uống nghỉ ngơi tạm. Hà Nội vẫn gọi bảo dừng lại đó để quay lại Cam Đường. Súng lại nổ ran xa xa.
Tôi hét lên ”chạy tiếp ngay”. Hà Nội lệnh dừng lại ở nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, và phải ở đó cho đến khi có lệnh tiếp.
Thôi thì đã có Ban Giám đốc nhà máy lo. Nhưng các chuyên gia bám riết tôi vì sợ tôi về Hà Nội mất. Tên tiếng Nga của tôi là Tanhia, họ không gọi tên tôi mà chỉ gọi Tanhia “золотая Таня» – Tanhia vàng ngọc, tôi phì cười bảo ”tôi giờ chả bằng cục đất sét”. Nhìn lại tôi không mang theo thứ gì, toàn bộ Vali để lại cho giặc. Họ chia cho tôi đồ lót và quần áo, họ to đùng mà tôi bé nhỏ, phì cười đành chui vào một thứ lùng thùng rồi giặt vội quần áo hong khô mặc tiếp. Lại nghe thông báo giặc đã tràn vào phố Lu tàn phá một hồi rồi rút về Cam Đường. Hú vía.
Đoàn phải ở lại nhà máy 2 tuần, không được về Hà Nội, không ai hiểu vì sao? Và không được ai nói gì về cuộc chạy giặc đó? Tôi không nỡ bỏ lại họ nên không về, người nhà lên tiếp tế quần áo, đồ ăn. Ngày đó cả nước đói khổ lắm, tôi làm với Nga nên trẻ con các nhà toàn gọi tôi là Giám đốc nhà máy thực phẩm.
Khi về đến Hà Nội tôi viết một thư 10 trang gửi ông Đỗ Mười, viết sự thật và những thắc mắc của tôi, nhất là tại sao lại có những lệnh lạ lùng, nếu như không đưa chuyên gia thoát thì họ sẽ bị chết thảm khốc không thể hình dung nổi???
Sau tôi nhận được lệnh phải im lặng, không sẽ rất lôi thôi, cả gia đình tôi quá lo cho tôi nên đều khuyên tôi im để cả gia đình được yên. Và im cho đến hôm nay.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến động viên tôi viết, nên tôi bục lòng dạ ra được thế này cũng như trút ra được nỗi u uất ẩn ức 40 năm. Và giờ thì mọi người hiểu sao tôi nặng lòng với Giỏ thị Bát sát và lần mò đi khắp vùng cao xây trường xây cầu như các bạn đã biết.
Sau này tôi mới biết chiến tranh đã nổ ra khắp các tỉnh biên giới phía Bắc, tàn bạo như thời Trung cổ, biết bao máu đã đổ, bao nhiêu người đã chết oan uổng. Chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc. Tôi sang Nga làm tiến sĩ, gặp lại các bạn Nga như ruột thịt vì đã sinh tử một lần cho cả đời. Họ cũng đau yếu và nhiều người mất sớm họ bảo bị nhiễm độc ở Việt Nam.
Chúng ta cùng thắp nén tâm nhang cho mọi linh hồn đã không may sớm phải lìa cõi trần gian này nhé.
Tôi mong muốn lịch sử Việt Nam phải dành những trang xứng đáng cho cuộc chiến kiên cường đau thương của biết bao chiến sĩ và người dân đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ biên cương này./.