Họ đã cố tình gọi sai tên cuộc chiến đấu chống xâm lược

- Quảng Cáo -

Nguyễn Thông

Những ngày qua, dư luận ồn ào lên tiếng về sự kiện xảy ra… đã 45 năm trước. Đó là cuộc xâm lược tàn bạo của bọn cộng sản Trung Quốc – bạn của cộng sản Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến tranh giữa hai nước nửa cuối thế kỷ 20. Nêu khoảng thời gian này bởi từ xa xưa Trung Quốc đã xâm lược, gây chiến với Việt Nam biết bao lần chứ không phải chỉ lần này, và đều bị đánh bại.

Mạng xã hội cũng như báo chí mậu dịch đều lên tiếng, đủ kiểu đủ cách, kể cả né tránh không dám nhìn thẳng vào bản chất, sự thực. Tôi đọc trên báo quốc doanh bài về ông cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thắp hương viếng liệt sĩ ở nghĩa trang Vị Xuyên trên Hà Giang đúng ngày 17.2, tịnh không thấy một chữ nào nói về bọn xâm lược Trung Quốc, những kẻ đã gây ra cái chết của liệt sĩ. Ông Sang năm nào cũng đi, năm nào cũng thắp hương Vị Xuyên, kể ra đáng khen ngợi, chỉ có điều báo chí nửa vời kiểu vậy khiến người ta đọc xong thêm tức, quên hẳn việc làm cao đẹp nghĩa tình của ông.

Xứ này, bất kể điều gì, cứ ồn lên một chặp rồi vô tư quên. Sự kiện 17.2.1979 cũng vậy. Nhà nước còn cố tình quên, tivi không nhắc, báo Quân đội không có một chữ một dòng… thì dân chúng có nhớ cũng chẳng làm gì. Hôm nay 19.2, mới 2 hôm trôi, nhưng không mấy ai nhắc tới nữa, kể cả trên mạng xã hội.

- Quảng Cáo -

Nó (cuộc xâm lược ấy) bắt đầu từ sáng sớm, ngày 17.2.1979, đồng loạt đánh sâu vào 6 tỉnh phía bắc, từ Quảng Ninh tới Lai Châu, đánh sâu vào nội địa, tàn phá các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai…, khốc liệt tới mức ngày 5.3 chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phải ký lệnh tổng động viên, tới ngày 16.3 Trung Quốc rút quân, nhưng cuộc chiến còn kéo dài cả chục năm, tới 1989 mới cơ bản kết thúc. Hai bên thiệt hại về người và vật chất không biết cơ man nào mà kể.

Các tỉnh phía bắc giáp Trung Quốc suốt thời Việt Nam đánh nhau với Mỹ, chỉ trừ Quảng Ninh, hầu như các tỉnh còn lại là Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu hầu như không bị ảnh hưởng gì, ít nếm mùi đạn bom, thậm chí có thể nói là hòa bình. Yên ắng tới mức, cụ Nguyễn Hữu Đang, một cộng sự đắc lực của ông Hồ Chí Minh, bị các đồng chí khép tội, án oan, đày giam lên nhà tù Cổng trời trên Hà Giang suốt 15 năm, tới năm 1973 sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc mới được thả, vẫn không hề biết có cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ấy.

Cũng có thể, Mỹ đánh phá miền Bắc nhưng chủ yếu để chặn sự tiếp tế của miền Bắc đối với lực lượng “giải phóng” ở miền Nam, đánh dải khu 4 từ Thanh Hóa trở vào tới Vĩnh Linh, và 2 đầu mối Hải Phòng, Quảng Ninh là chính, chứ những tỉnh “núi đồi và thảo nguyên” kia ít liên quan. Dù nhạc sĩ Hoàng Vân có kêu gọi “Nổi trống lên, rừng núi ơi”, ca ngợi “cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng/súng khoác trên vai, em đi bừa dưới ruộng/em là xã viên, em cũng là dân quân…” cũng chỉ đẹp là chính chứ không có sự tàn khốc của chiến tranh, như chính ông từng viết về Vĩnh Linh chẳng hạn “mẹ bảo con, nghe câu hò trên bến Hiền Lương/nhớ thương, con đừng khóc/cầm lấy súng nhằm thẳng quân thù/diệt chúng nó”.

Cũng có thể, cả Việt Bắc, Tây Bắc rừng núi mênh mông ấy nằm trong mưu đồ của bạn Tàu, chúng biến 6 tỉnh Việt Nam thành vùng đệm chiến lược, vùng an toàn để cuộc chiến tranh Việt Nam không ảnh hưởng xấu gì tới đất Trung Quốc. Nó có đi đêm, móc với Mỹ, hay thỏa thuận với miền Bắc, chả thể nào biết được, sau này lịch sử khách quan (chứ không phải sử mậu dịch, sử sợ sệt, sử Phạm Hồng Tung) cần làm rõ.

Nói gì thì nói, hai vùng rộng lớn Tây Bắc, Việt Bắc từ 1954 – 1975 khá hòa bình, yên ổn. Nó chỉ bị nếm mùi chiến tranh thực sự, bị tàn phá do chính bạn vàng có tên Tàu cộng. (còn tiếp)

(Còn gọi sai thế nào, xin xem bài sau)

Nguyễn Thông

- Quảng Cáo -