Ông Phùng Xuân Nhạ không biết gì về Cách mạng công nghệ 4.0?

- Quảng Cáo -
Thảo Vy (VNTB) 
Dường như các vị đại biểu Quốc hội – bao gồm cả Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đã quên mất những nội dung luật định mà mình đã từng bấm nút thông qua.
Bà chủ tịch Quốc hội phủ nhận nghị quyết Quốc hội
Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12-9, khi cho ý kiến về luật Giáo dục sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội phản đối quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong giảng dạy, học tập.
Người thì sợ ảnh hưởng đến tính thống nhất của chương trình giáo dục trên toàn quốc; người lo mỗi trường một kiểu sẽ xảy ra bất cập trong giảng dạy chung. Một ý kiến tiêu biểu cho nỗi lo này là: “Không thể có sách giáo khoa tự chọn được. Không thể trường này muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy không được” của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội.
Bà Chủ tịch Quốc hội đã quên mất rằng người tiền nhiệm là Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13, trong đó Điều 2.3.g cho phép: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Luật Giáo dục, phiên bản sửa đổi 2009, Khoản 3, Điều 29 “Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa”, đã trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Bộ trưởng cũng là người chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không biết gì về Cách mạng công nghệ 4.0?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là người giải trình dự luật Giáo dục sửa đổi tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12-9.
Phùng Xuân Nhạ
Ông Phùng Xuân Nhạ đã chọn giải pháp “im lặng tiếp thu” ý kiến nói trên của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, thay cho việc lẽ ra với tư cách là người đứng mũi chịu sào cho nền giáo dục nước nhà, ông cần đối đáp lại rằng không những chỉ cần có nhiều bộ sách giáo khoa theo đúng luật định, mà còn cần thay đổi cả cách phát hành, sử dụng những bộ sách giáo khoa này sao cho đồng bộ với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn mạnh miệng hô hào.
Lợi ích nhóm trong vận động sử dụng sách giáo khoa là có thể xảy ra, nhưng nếu sách giáo khoa được số hóa và đưa rộng rãi lên mạng để các thầy cô giáo, học sinh tải về khi cần thay cho việc phải bắt buộc mua trọn bộ sách giáo khoa, chắc chắn sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Bàn luận về sách giáo khoa thời Công nghệ 4.0, nhà giáo Vũ Thị Phương Anh đề xuất Bộ Giáo dục hãy đưa lên mạng tất cả bản mềm của những cuốn sách giáo khoa được viết bằng tiền ngân sách quốc gia, để chia sẻ cho học sinh và giáo viên toàn quốc sử dụng.
Bộ Giáo dục lâu nay vẫn là nơi độc quyền in và cung cấp sách giáo khoa cho học sinh toàn quốc, mà tiền viết sách giáo khoa được lấy từ ngân sách; tức là đó là một tài sản công. Vậy nếu chỉ cho phép một nhà xuất bản Giáo Dục được quyền in và bán sách giáo khoa với số lượng lớn như lâu nay, thì dân chúng nghi ngờ có lợi ích nhóm là quá đúng rồi còn gì!
“Tất nhiên dù có bản mềm thì vẫn có nhu cầu bản in ra giấy. Vậy thì tốt nhất là nên cung cấp miễn phí cho học sinh tiểu học, có thể dưới hình thức cho mượn từ thư viện, như nhiều quốc gia vẫn làm, kể cả ở Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa nữa. Tại sao hồi ấy làm được mà bây giờ không làm được?
Nếu làm được như vậy, thì chắc chắn dân chúng sẽ tin yêu nhà nước hơn, và tin yêu nhau nữa, chứ không chửi nhau loạn lên như hiện nay vì mọi loại thuyết âm mưu đang hoành hành trong xã hội, được tạo ra vì xã hội đã hoàn toàn mất niềm tin!”. Nhà giáo Vũ Thị Phương Anh biện giải.
Người viết xin mách nước ông Phùng Xuân Nhạ rằng đề xuất nói trên của cô giáo Vũ Thị Phương Anh không mới mẻ gì đâu. Tháng 11-2016, bộ sách Tiếng Việt và Văn bậc trung học cơ sở có tám cuốn, từ lớp 6 đến lớp 9 do Nhóm Cánh Buồm soạn thảo đã được cung cấp Open-Book trên mạng internet. Nếu ông bộ trưởng ‘bận trăm công nghìn việc’, ông chỉ cần lệnh cho thơ ký soạn các yêu cầu muốn biết, rồi gửi qua email tới địa chỉ lienhe@canhbuom.edu.vn, tin rằng ông sẽ được các thành viên của Nhóm Cánh Buồm tận tình chia sẻ kinh nghiệm.
Nói thêm, Open-Book, hay Open textbook được hiểu là sách giáo khoa được cấp phép theo giấy phép bản quyền mở, và được cung cấp trực tuyến miễn phí cho học sinh, sinh viên, giáo viên và thành viên của công chúng sử dụng miễn phí.
Nếu như ngay cả chuyện cung cấp miễn phí sách giáo khoa trực tuyến mà Quốc hội Việt Nam cũng không làm được hay chưa nghĩ đến, thì có lẽ đừng vội mơ tới Cách mạng công nghệ 4.0 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn hay hô hào, kêu gọi trước đám đông./.
- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here