Thắng lợi dân quyền từ luật Bảo hiểm xã hội đến dự luật Đặc khu

- Quảng Cáo -

Thiền Lâm – Cali Today News |

Sau 3 năm, lịch sử lặp lại.

Sau 3 năm, tiếp tục là một thắng lợi của nhân dân về phản biện và phản kháng chính sách bất công của chính quyền.

Từ luật Bảo hiểm xã hội đến dự luật Đặc khu.

- Quảng Cáo -

Cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu năm 2018 phản đối ‘Luật bán nước’ (một cách gọi của nhân dân đối với dự luật Đặc khu) và ‘đả đảo Trung Quốc’ như thác gầm đến hàng trăm ngàn người xuống đường ở Sài Gòn và lan rộng đến hơn 50% tỉnh thành trong cả nước, trở thành một sự kiện chưa từng có từ thời điểm 1975. Cuộc tổng biểu tình này cũng là đầu tiên xác quyết không chỉ phản đối một chủ trương hay một chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện sự phản kháng trực tiếp đối với chính quyền.

Biểu tình ngày 10 tháng Sáu năm 2018 phản đối ‘Luật bán nước’

Hiệu ứng của cuộc tổng biểu tình Mười tháng Sáu và phong trào văn thư kiến nghị, phản bác trước đó của giới trí thức đã buộc đảng cầm quyền, chính phủ và một quốc hội ‘đầu sai của đảng’ phải lùi thông qua dự luật Đặc khu để ‘nghiên cứu tiếp’, dù ngay trước đó đã muốn đặt dự luật này vào sự đã rồi mà không thèm quan tâm đến quan điểm, chính kiến và ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

3 năm trước, cuộc đình công của gần 90.000 công nhân tại công ty Pou Yuen, Sài Gòn, vào cuối tháng Ba năm 2015 phản đối Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội là hình ảnh “phức tạp” chưa từng có, quy mô chưa từng thấy, cũng là lần đầu tiên không phải công nhân phản đối doanh nghiệp và phản ứng quyết liệt mang tính đối đầu với chính sách nhà nước.

Đó chính là nguồn cơn để chỉ ít ngày sau khi cuộc đình công trên nổ ra, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội và chính quyền TP.HCM mới buộc phải có động tác thỏa hiệp tạm thời với công nhân bằng hứa hẹn “sẽ lắng nghe tất cả kiến nghị” và “sẽ nghiên cứu, báo cáo chính phủ, quốc hội để có những chính sách sao cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi chính đáng, tốt nhất cho người lao động.”

Sau đó, và như một “phép màu,” phía chính phủ phát ra kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội theo hướng trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng như quy định của Luật Bảo Hiểm Xã Hội Luật năm 2006.

Hậu quả đương nhiên là nếu Luật Bảo Hiểm Xã Hội không được sớm sửa đổi và công nhân không thể nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trong đó đương nhiên phải bỏ quy định phi lý về việc người đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm mới được nhận trợ cấp một lần, rất nhiều cuộc đình công và biểu tình của lớp người dưới đáy xã hội này sẽ tái bùng phát và còn ghê gớm hơn nhiều ở các địa phương Việt Nam.

Gần 90.000 công nhân tại công ty Pou Yuen, Sài Gòn, biểu tình phản đối Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội vào cuối tháng Ba năm 2015.

Với tinh thần “nước đến chân mới nhảy” bất di bất dịch trong hệ thống chính trị Việt Nam, rất thường là chỉ đến lúc giới công nhân đồng loạt phản ứng dữ dội vào năm 2015, chỉ đến lúc đó, 500 đại biểu quốc hội và 200 ủy viên trung ương mới giật mình lo sợ “tình hình sẽ diễn biến phức tạp.”

3 năm sau, 2018. Tình trạng còn trầm trọng hơn nhiều. Không chỉ là một điều luật bất cập mà còn mang nguy cơ mất nước trong những nội dung ‘cho thuê như bán’ của dự luật Đặc khu và khiến ‘Mật ước Thành Đô’ trở nên sờ sờ trườc mắt cho tương lai gần Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc, dù cho tới nay chẳng người dân nào được nhìn thấy bản mặt của mật ước này.

Ngay sau khi ‘Luật bán nước’ được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.

Mạng xã hội lập tức biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính – Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này; Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng; và cả Nguyễn Phú Trọng – một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi!’ thì lại tuyệt đối mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ dự luật Đặc khu.

Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Từ luật Bảo hiểm xã hội đến dự luật Đặc khu – chỉ có cơn lôi đình căm phẫn của hàng chục triệu mới có thể khiến đình hoãn những điều khoản ‘bán nước’./.

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here