HÀ NỘI (CTM Media) – Trong buổi hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam” do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Ngân Hàng Thế Giới tổ chức sáng ngày 16 tháng Sáu 2016 tại Hà Nội, các chuyên gia tiết lộ đã tiết lộ rằng có ít nhất 5, 6 triệu người dân Việt Nam hiện không có nơi cư trú chính thức, khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Cuộc nghiên cứu này chỉ được thực hiện ở 5 tỉnh và thành phố của Việt Nam gồm Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắc Nông.
Số người không có hộ khẩu, tức là không được ghi danh trong hệ thống kiểm soát cư trú của chính quyền, chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều lần so với con số 5, 6 triệu người.
Cuộc nghiên cứu cho thấy 36% dân cư của Sài Gòn và 18% dân cư của Hà Nội không có hộ khẩu.
Hầu hết những người không có hộ khẩu làm việc trong khu vực tư nhân. Họ thường khó có cơ hội làm việc trong khu vực công, và gặp khó khăn để nhận những dịch vụ xã hội, như giáo dục và bảo hiểm y tế cho trẻ em, tín dụng và các thủ tục dân sự.
Đa số người được hỏi ý kiến cho rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền lợi của người dân, tạo cơ hội cho nạn quan liêu cửa quyền đầy nhũng lạm, bởi vì người dân đi đâu, làm gì cũng bị các viên chức nhà nước hạch hỏi “sổ hộ khẩu”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Viện phó Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, cho rằng hệ thống kiểm soát hộ khẩu không còn phù hợp ở Việt Nam, một quốc gia đang nỗ lực hội nhập quốc tế. Hệ thống này cần được thay thế bằng những công cụ hiện đại và khoa học hơn để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cuộc sống người dân.
Được biết hệ thống hộ khẩu hiện nay chỉ còn được áp dụng ở một số nước Châu Á gồm Trung Cộng, Nhật Bản, Đài Loan, Bắc Hàn và Việt Nam.