17/12/2015 – Ông Douglass North, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, vừa mới qua đời tháng rồi. Ông áp dụng lý thuyết kinh tế vào lịch sử để thấu hiểu những thay đổi xã hội và định chế. Tuy qua đời nhưng ý tưởng của ông vẫn còn tồn tại, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy ông North không tập trung thẳng vào sự phát triển định chế của Trung Quốc, khung sườn lý thuyết của ông có thể rất hữu ích cho giới lãnh đạo trong lúc họ định hướng cho giai đoạn thay đổi định chế sắp đến.
Trong bài phát biểu nhận giải Nobel năm 1993, ông North đưa ra ba bài học mà giới làm chính sách có thể rút tĩa từ nghiên cứu của ông. Thứ nhất, hiệu suất kinh tế được định đoạt bởi sự phối hợp của “các quy luật chính thức, các quy tắc không chính thức, và các đặc tính ép buộc”. Thứ nhì, chính thể có tác động lớn vào hiệu suất kinh tế, bởi vì chúng “xác định và thực thi quy luật kinh tế.” Và, điều chót, năng suất thích nghi (luật lệ thay đổi thế nào), chứ không phải năng suất chỉ định (quy luật hiệu năng nhất hiện thời) là chìa khóa cho tăng trưởng lâu dài.
Những bài học này phản ánh trong đánh giá của ông North về sự phát triển kinh tế và định chế Tây Âu, mà ông giải thích cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ nhờ vào hai yếu tố chính: các hệ tư tưởng khác biệt và cạnh tranh khốc liệt giữa và ngay trong các quyền lực trổi dậy. Anh Quốc và Hòa Lan lập ra các đơn vị kinh tế/chính trị đa dạng mà chúng tiến hóa thành các định chế nuôi dưỡng chuyên biệt hóa và phân công lao động. Những định chế này cho ra kết quả kinh tế và chính trị rất tốt nhờ giá giao dịch thấp, quyền tài sản rõ ràng và có luật pháp bảo vệ, và những quy luật và quy tắc chia sẻ.
Ông North quan sát thấy rằng thay đổi định chế rất khó, vì nó đòi hỏi phải vượt qua chẳng những các nhóm lợi ích, mà còn các hệ tư tưởng và mô hình suy nghĩ lỗi thời. Bước đột phá xảy ra khi các định chế vươn ra bên ngoài các giao dịch địa phương để cho phép trao đổi ẩn danh và khách quan vượt thời gian và không gian. Các định chế bền vững là những nhóm biết học hỏi và thích nghi, vượt qua chính thành kiến và giới hạn của họ.
Công trình nghiên cứu của North thành công trong việc giải thích những thay đổi sâu sắc về kinh tế và định chế tại Trung Quốc trong ba thập niên vừa qua, cũng như soi sáng những thách đố gặp phải trong thập niên kế. Thật vậy, điều này làm nhẹ đi sự bi quan bao trùm những tranh luận hiện thời về viễn ảnh tương lai của Trung Quốc.
Trước nhất, sự cạnh tranh khốc liệt vẫn vững mạnh tại Trung Quốc. Các thành phố lớn (kể cả Thượng Hải, Quảng Đông, Thiên Tân, Xiamen) vẫn cạnh tranh mãnh liệt với nhau, và một loại công ty mới đầy sáng tạo về công nghệ (như Huawei, Tencent, và Alibaba) đang tranh nhau để mở thị trường mới về sản phẩm, dịch vụ, tài năng, vốn và kiến thức.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) dồn nỗ lực để đẩy một nền kinh tế nghiêng về dịch vụ, hiệu năng hơn, theo quy luật của thị trường và pháp quyền. Chẳng hạn như, họ giảm đòi hỏi vào thị trường cho giới đầu tư nội địa và ngoại quốc. Họ đồng thời củng cố quyền tư hữu về đất đai, lao động, vốn, và kiến thức; điều này cùng với những tiến triển về công nghệ số và rô-bốt, đã kéo phí tổn giao dịch xuống.
Hơn thế nữa, sau khi đã xây hạ tầng cơ sở vật chất cần thiết trong thập niên vừa qua (có lẽ đến độ dư thừa), Trung Quốc hiện nay đang nhấn mạnh vào hạ tầng cơ sở phần mềm cần thiết để giữ vững sự tăng trưởng của ngành dịch vụ đang nảy nở. Trong năm 2014, ngành dịch vụ chiếm hơn 50% của GDP, hơn cả ngành sản suất và nguyên liệu cơ bản gộp lại.
Tuy chính quyền chưa tiến hành cải tổ thích đáng các xí nghiệp quốc doanh, họ đã chủ trương để cho các đại công ty công nghiệp phần lớn của tư nhân làm chủ cạnh tranh với các ngân hàng và định chế tài chính quốc doanh. Và không ai có thể đoán được cường độ của chiến dịch bài trừ tham nhũng, kể cả trong quân đội, ngành tài chính, và thượng tầng của ngay chính đảng CSTQ.
Sự chuyển hướng về thị trường của Trung Quốc sẽ được củng cố thêm qua cam kết của giới lãnh đạo với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khi đồng nhân dân tệ được thêm vào giỏ tiền tệ để xác định giá trị đơn vị tài khoản của IMF, gọi là Quyền Rút Vốn Đặc Biệt. Nhu cầu đối phó với áp lực giao thương sau khi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương bao gồm gần hết các láng giềng của Trung Quốc sẽ có một tác dụng kỷ luật tương tự.
Đảng CSTQ không tự đánh giá họ với tiêu chuẩn điều hành quốc gia của các quốc gia tự do dân chủ Tây Phương, nhưng so với truyền thống pháp lý Trung Quốc cổ xưa của một chính quyền trung ương mạnh giữ tính chính danh bằng cách duy trì tiêu chuẩn trách nhiệm. Có lẽ quan trọng hơn nữa, họ dựa vào các trí thức và nhà làm chính sách dày dặn – chứ không phải lý thuyết gia Đảng – để thiết kế lộ đồ phát triển.
Phương hướng này được củng cố vào hè năm ngoái, khi mặc dầu có rối loạn thị trường, đảng CSTQ vẫn giữ cam kết để thị trường đóng “vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên”. Không có chỉ dấu gì rõ ràng hơn là Trung Quốc sẵn sàng cập nhật hệ tư tưởng và mô hình suy nghĩ để đạt được mức lợi tức cao hơn.
Tuy thế, vẫn còn nhiều khó khăn để vượt qua, nhất là trong vấn đề năng suất thích nghi. Về điểm này, lưu ý là trong khi quy luật chính thức có thể sửa đổi lẹ làng, các quy tắc văn hóa không chính thức khó thay đổi trong ngắn hạn. Quy luật chính thức mới có thể choảng với những quy tắc đã thành hình, khiến động cơ công chức bị méo mó, gây tác hại nặng lên trên cách ứng xử và hiệu suất của định chế.
Giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối diện với sự không đối xứng giữa những gì họ có thể làm được và những gì giới tiêu thụ đòi hỏi. Theo ông North, năng suất thấp của định chế là một vấn đề phân bố ngắn hạn, mà nhà nước có thể bù đắp với năng suất thích nghi lớn hơn, hoặc cơ chế tốt hơn để dẹp những định chế không hữu hiệu.
Di sản lý thuyết của ông North có thể quan trọng đối với giới lập chính sách Trung Quốc trong những năm tới, vì chúng giúp họ những hướng dẫn cụ thể để vượt qua những thay đổi nhanh chóng về định chế. Nếu không thế thì phải tiếp tục dựa vào điều mà Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của đột phá định chế cách đây hơn ba thập niên, gọi là “mò mẫm đá dò đường”. Điều đó không phải là cách hữu hiệu nhất để vượt khó.
Hoàng Thuyên lược dịch