Cân nhắc các chọn lựa của Nhật Bản tại Biển Đông

Ralpha Cossa

- Quảng Cáo -

09/11/215

Trong bản tin “Nhật Bản cân nhắc hành động trong vùng tranh chấp Biển Đông” hôm thứ Bảy trên báo Japan Times, có ghi là “một số viên chức quân đội và ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ thúc thủ tướng Abe gửi Lực Lượng Tự Vệ đi tuần tra chung với Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông.” Tuy không cho biết các viên chức đó là ai, vào cuối bài báo có ghi lại lời tuyên bố của tư lệnh vùng Thái Bình Dương Đô Đốc Harry Harris, “Hoa Kỳ hoan nghênh sự tham dự của Nhật Bản trong các công tác tuần tra tại Biển Đông.”

Thực ra không hẳn vậy. Điều mà Đô đốc Harris thực sự nói trong một cuộc phỏng vấn với ký giả đặc trách về An Ninh Quốc Gia Yoichi Kato của tờ Asahi Shimbun là “Tôi xem vùng Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải hải phận của bất cứ quốc gia nào, do đó hoan nghênh Nhật Bản tiến hành công tác trên vùng biển mà Nhật thấy thích hợp.”

Cho đến nay, Nhật Bản đã khôn khéo không thấy thích hợp làm vậy. Các viên chức Nhật Bản đã nhiều lần cho biết Nhật “hiện thời không có kế hoạch nào” để gửi tàu thuộc Lực Lượng Tự Vệ Hàng Hải đến Biển Đông nhưng cũng thòng thêm là họ “có thể suy xét để thực hiện” tùy theo tình hình diễn ra thế nào. Họ cũng nhìn nhận là Hoa Kỳ chưa chính thức yêu cầu Nhật Bản cùng tham gia tuần tra tại Biển Đông – và cũng không nên.

- Quảng Cáo -

Thách thức hàng hải lớn nhất đối với lợi ích an ninh quốc gia của Nhật là ở vùng biển Đông Hải, chứ không phải vùng Biển Đông (tức Nam Hải theo lối gọi của Trung Quốc), và Đông Hải là nơi Tokyo nên tập trung chú ý vào.

Thách thức Trung Quốc ngay trong vùng tranh chấp tại Biển Đông nhiều phần sẽ làm tăng mức độ hoạt động gây hấn của hải quân Trung Quốc ở vùng đảo Senkaku của Nhật (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), và như thế gây trở ngại cho lợi ích an ninh của Nhật.

Tuy nhiên điều ngược lại cũng đúng. Mặc dầu tình hình ở vùng biển Đông Hải hiện thời có vẻ ổn định, nếu Bắc Kinh lại tiếp tục gây hấn để đòi chủ quyền trên đảo Senkaku, Tokyo nên tuyên bố kiểu ăn miếng trả miếng, là Nhật sẽ tiến hành các cuộc tự do hải hành trong vùng Biển Đông.

Trong trường hợp đó, động thái của Nhật trong vùng Biển Đông sẽ không kích động phản ứng trả đũa của Trung Quốc trong vùng biển Đông Hải mà ngược lại là hệ quả của hành động khiêu khích của Trung Quốc. Động thái của Trung Quốc là nguyên nhân, tuần tra Nhật là hậu quả, thay vì ngược lại.

Tất cả điều này không có nghĩa là Nhật Bản không đóng vai trò quan trọng tại Đông Nam Á. Nhưng tôi thì cho rằng vai trò của Nhật không nên tập trung vào việc thách thức trên biển (là sở trường của Hoa Kỳ trong nhiều năm, không riêng gì đối với Trung Quốc) mà nên tập trung việc xây dựng tiềm lực trên biển.

Nhật Bản đã đi đầu trong lãnh vực này, giúp thành lập ReCAAP (Regional Cooperation Agreement on Combating Piracy and Armed Robbery against Ships in Asia – Hiệp Ước Hợp Tác Vùng Chống Cướp Biển tại Á Châu) để gia tăng nỗ lực chống cướp biển trong vùng và đóng vai trò đi đầu liên hiệp các đơn vị cảnh sát tuần duyên lại. Nhật tặng cho Phi Luật Tân 10 tàu tuần duyên là một bước tích cực trong chiều hướng này, cũng như hiệp ước với Việt Nam để đẩy mạnh huấn luyện hàng hải và các chương trình trao đổi, kể cả việc viếng thăm căn cứ hải quân Cam Ranh trong vòng một năm của tàu Lực Lượng Tự Vệ Hàng Hải của Nhật.

Hầu hết các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á có một điểm chung: thiếu trang bị đầy đủ để theo dõi, đừng nói chi đến tự vệ, chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Các quốc gia này sẽ hoan nghênh việc gia tăng nỗ lực xây dựng tiềm lực biển của Nhật Bản, không những dưới hình thức tặng tàu tuần duyên, mà còn cung cấp cho các thiết bị giám sát và truyền thông, thao dượt quân sự chung trong những chuyến thăm viếng và trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai, tìm và giải cứu. Tập trung việc trợ giúp để giải quyết các yếu điểm về hàng hải sẽ giúp cho các đồng minh của Nhật tại Đông Nam Á rất nhiều.

Thủ tướng Shinzo Abe và các viên chức cao cấp Nhật viếng thăm vùng Đông Nam Á rất thường và việc điều hướng nỗ lực của Nhật trong vùng này sẽ được hoan hỉ đón nhận.

Gửi tàu chiến Nhật để làm công tác tự do hải hành trong vùng không phải là cách sử dụng nguồn tài nguyên hàng hải hữu ích nhất, và còn lại có thể gây phản tác dụng khi không có những hành động gây hấn của Trung Quốc tại vùng biển Đông Hải. Thay vào đó, Tokyo nên tiếp tục tập trung nỗ lực và việc xây dựng tiềm năng hàng hải, một lãnh vực mà ngay cả góp phần khiêm nhượng cũng mang lại khác biệt lớn.

Ông Ralph Cossa là giám đốc của Pacific Forum CSIS tại Honolulu, Hawaii và biên tập của tạp chí điện tử Comparative Connections. Ông là thành viên sáng lập và hiện thời là đồng chủ tịch Hội Đồng Hợp Tác An Ninh vùng Châu Á Thái Bình Dương, một tổ chức đa quốc gia.

Hoàng Thuyên lược dịch

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here