28/10/2015
Hải quân Hoa Kỳ tuần này đã giữ lời hứa thách thức chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Khi gửi chiến hạm đi xuyên qua vùng 12 hải lý của đảo nhân tạo mà Trung Quốc dựng lên, Washington muốn nhấn mạnh là Hoa Kỳ không công nhận chủ quyền lãnh hải cách lục địa Trung Quốc cả ngàn dặm. Bắc Kinh thì phản ứng tru tréo lên với chuyến đi của tàu USS Lassen – cáo buộc Hoa Kỳ hành xử bất hợp pháp và kêu gọi ngưng ngay những hoạt động “nguy hiểm” và “khiêu khích”.
Bất cứ chỉ dấu xung đột quân sự nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và cả hai đều có trang bị vũ khí hạt nhân, cần phải được quan tâm nghiêm trọng. Cả hai phía đều phải có trách nhiệm tiếp tục với sự cẩn trọng cần thiết. Tuy nhiên Hoa Kỳ là phía có được lý lẻ của luật pháp quốc tế và tiền lệ khi thách thức chuyện xây đảo nhân tạo để có được lãnh hải. Ngược lại, khi giành lấy chủ quyền trên Biển Đông bằng cách xây đảo nhân tạo, thay vì đi theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, Bắc Kinh có nguy cơ phạm lỗi chiến lược mà hệ quả sẽ là làm xáo trộn môi trường giao dịch yên ổn có lợi cho họ bấy lâu nay.
Một số đồng minh của Hoa Kỳ thì lo là Washington hành xử khiêu khích không cần thiết. Một lập luận cho là không có chứng cớ gì Trung Quốc sẽ dùng chủ quyền trên biển để làm gián đoạn sự tự do hải hành trong vùng Thái Bình Dương. Một lập luận khác là, trong vai trò của một cường quốc đang trổi dậy, Trung Quốc một cách tự nhiên tìm cách thiết lập một vùng ảnh hưởng quanh các xứ láng giềng – cưỡng lại là vô ích và nguy hiểm.
Tuy nhiên Washington đã làm đúng khi không chấp nhận ý niệm “tầm ảnh hưởng” Trung Quốc cho phép họ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các xứ láng giềng – và cũng không thể đứng vững với luật lệ quốc tế. Nếu Trung Quốc mặc tình làm theo ý mình thì sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho toàn cầu – đặc biệt là sau vụ Nga sát nhập vùng Crimea bất hợp pháp.
Còn Bắc Kinh thì có thể thiệt hại khi đeo đuổi một chính sách nhắm vào uy tín và thể diện quốc gia mà thiếu lô-gích chiến lược nền tảng. Là quốc gia xuất khẩu hàng hoá và cũng là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc có lý do để lo lắng về an ninh của tuyến đường hàng hải cung cấp cho nền kinh tế. Nhưng ngay cả khi họ có thể biến nguyên vùng Biển Đông thành một hồ riêng của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn không thể bảo đảm an ninh cho tuyến đường hàng hải – bởi vì nó kéo dài tới tận Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư (Persian).
Đổ tiền bạc vào hải quân Trung Quốc và xây thêm hỏa tiễn mới để đe dọa các hàng không mẫu hạm tượng trưng cho quyền lực của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, có thể khơi mào cho sự đối chọi không cần thiết với Hoa Kỳ. Nhưng nó vẫn không giải quyết gì được vấn đề an ninh nền tảng của Trung Quốc.
Con đường khôn khéo hơn cho Trung Quốc là bám theo công thức đã hữu hiệu trong 40 năm qua. Họ nên dựa vào lợi ích hỗ tương của toàn cầu hóa để làm sự bảo đảm tốt nhất cho mọi phía gìn giữ sự tự do hải hành. Nỗ lực của Trung Quốc phát triển Con Đường Tơ Lụa mới xuyên qua Trung Á về phía Âu Châu và Trung Đông sẽ cung cấp một tuyến đường vận chuyển khác hơn tuyến đường biển.
Sự trổi dậy của Trung Quốc luôn có thể gây căng thẳng với Hoa Kỳ, quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Chuyến công tác Biển Đông của Hải Quân Hoa Kỳ là một thử nghiệm mới quan trọng trong mối quan hệ. Cả hai phía bây giờ phải có nỗ lực để xoa dịu căng thẳng. Mối quan hệ xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chẳng có ích lợi gì cho ai cả.
Hoàng Thuyên lược dịch