Theo phản ánh của báo Tuổi trẻ, nhà thầu GEDI (Trung Quốc) rao tuyển cần 1.844 người thực hiện công việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 (thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Việc rao tuyển tiến hành từ cuối năm ngoái nhưng đến thời điểm hiện nay, theo Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận, tỉnh mới cấp phép cho 25 lao động Trung Quốc là chuyên gia làm việc tại công trường Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 trong năm 2015. Nguyên nhân khó tuyển lao động Việt Nam là do phân khúc lao động mà nhà thầu GEDI tuyển là lao động kỹ thuật cao, tuy nhiên mức lương đưa ra chỉ vào 12-15 triệu đồng/tháng, đa số vị trí công việc đòi hỏi kinh nghiệm năm năm và tiếng Anh, thời hạn làm việc từ 3-5 năm.
Theo quy định hiện nay, trong thời hạn tối đa hai tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 lao động trở lên mà phía Việt Nam không giới thiệu hoặc cung ứng lao động cho nhà thầu thì chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài.
Đáng lưu ý, vào tháng 7/2014, báo VOV cho hay, số lượng lao động Trung Quốc đổ về xã Vĩnh Tân những năm qua rất đông, biên nơi này thành “làng” Trung Quốc. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở đây cũng xuất hiện nhiều chữ Hoa trên bảng hiệu. Theo tờ báo này, phần lớn lao động Trung Quốc đều gắn mác là chuyên gia, kỹ sư, nhưng thực chất chỉ là lao động phổ thông.
Theo một số chuyên gia Việt Nam thì việc để lao động Trung Quốc tràn lan mà không xử lý được thì phải xem xét lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này. Có chuyện bao che, làm ngơ hay không ? Điều này sẽ làm mất tính độc lập, chủ động của nền kinh tế Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.