Còn 1 năm nữa là ông Mã Anh Cửu mãn nhiệm kỳ Tổng thống Đài Loan, mặc dù ông Mã không ra tranh cử thêm một lần nữa nhưng trước khi ra đi ông ta vẫn cố gắng tạo thành tích để dành ưu thế cho ứng viên của Quốc Dân đảng trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016. Một trong những cố gắng của ông Mã là nạp đơn xin làm thành viên sáng lập ngân hàng Đầu tư cơ sở Hạ tầng châu Á (gọi tắt là AIIB) do Trung quốc khởi xướng. Báo đài ở Hồng Kông đăng tin cho hay khi biết Hoa Kỳ và Nhật Bản từ chối không tham gia vào ngân hàng AIIB là Tổng thống Mã Anh Cửu nạp đơn xin làm thành viên sáng lập của ngân hàng AIIB ngay với hy vọng được Bắc Kinh chấp thuận. Cũng theo báo đài Hồng Kông thì nếu là một quốc gia nào đó thì Bắc Kinh hoan hỷ đón nhận ngay để gỡ thể diện với Mỹ và Nhật, nhưng người xin gia nhập là Đài Loan nên lãnh đạo Trung quốc bác bỏ ngay vì nếu cho vào hóa ra công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Ngày 13/04/2015, nghĩa là hai ngày trước khi Trung quốc chính thức công bố danh sách 57 quốc gia tham gia làm thành viên sáng lập ngân hàng AIIB, Bắc Kinh đã chính thức thông báo cho ông Mã Anh Cửu biết rằng đơn xin của ông đã bị bác. Giận thì có, nhưng sợ nhất là bị mất thể diện nên Tổng thống Mã Anh Cửu đã cử đặc sứ sang Bắc Kinh năn nỉ ông Tập Cận Bình cho Đài Loan làm thành viên bình thường của ngân hàng AIIB, dưới danh nghĩa là một đơn vị kinh tế thôi cũng được chứ không phải là một quốc gia và cam kết sẽ góp vốn theo yêu cầu của Trung quốc. Ông Tập Cận Bình chỉ mĩm cười nói hai tiếng Hảo, Hảo có tính cách xã giao rồi thôi chứ không nhận đơn.
Qua vụ việc này phản ứng của người dân Đài Loan có thể chia làm hai nhóm, nhưng nhóm nào cũng chỉ trích Tổng thống Mã Anh Cửu. Nhóm thứ nhất gồm những người ủng hộ chính quyền Đài Loan hiện tại cho rằng Tổng thống Mã Anh Cửu quá hấp tấp khi xin làm thành viên sáng lập của AIIB. Hầu hết đảng viên Quốc dân đảng chỉ trích ông Mã rằng một quyết định quan trọng như thế mà tự ý quyết định chứ chẳng hỏi ý kiến đảng viên hay Ban chấp hành Trung ương Đảng, quyết định như thế chỉ làm tổn thương danh dự cho Đài Loan nói chung và Quốc Dân đảng nói riêng. Phía các đảng đối lập và những người chống đối chính quyền thì chỉ trích kịch liệt Tổng thống Mã Anh Cửu, nào là một Tổng thống vô trách nhiệm, không có khả năng phán xét vấn đề và chẳng hiểu biết một chút xíu nào về bản chất của chế độ Cộng sản. Đài Loan mà đặt dưới quyền lãnh đạo của những người như ông Mã thì bị Bắc Kinh nhuộm đỏ lúc nào không hay, chẳng phải chỉ riêng ông Mã Anh Cửu mà Quốc Dân Đảng cũng phải chịu trách nhiệm trước quyết định ngu xuẩn này.
Vào đầu tháng 5/2015, các cơ quan truyền thông Đài Loan đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận qua sự việc này, với kết quả số người ủng hộ chính quyền ông Mã Anh Cửu từ 20% chỉ còn 10%. Tụt một lúc 10 điểm là Quốc Dân đảng có nguy cơ phải bàn giao chính quyền cho đảng đối lập Dân Tiến trong kỳ bầu cử Tổng thống vào năm tới. Thế trận thuận lợi đang nghiêng về phía các đảng đối lập, đảng Dân Tiến đang ráo riết tổ chức các buổi hội thảo, mít-ting, biểu tình chống ý định xin gia nhập ngân hàng AIIB của Tổng thống Mã Anh Cửu, trong khi đảng cầm quyền là Quốc Dân đảng đang cố sức chửa cháy.
Theo các bình luận gia thì vấn đề này cũng đưa Bắc Kinh vào thế kẹt, cho gia nhập thì không được rồi mà không cho thì từ đây khó tuyên truyền, dụ dỗ chính quyền Quốc Dân đảng của Đài Loan như trước đây được nữa. Vì vậy còn quá sớm để có thể kết luận là Đài Loan sẽ không được nhận làm thành viên thông thường của ngân hàng AIIB.