Trung Cộng ráo riết xây phi trường ở bãi đá ngầm Gạc Ma

- Quảng Cáo -

Trung Cộng ráo riết xây phi trường ở bãi đá ngầm Gạc Ma

GacMaThêm tài liệu cho thấy Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch lấn chiếm ở Biển Đông mà hiện đang lộ dần một đảo nhân tạo có cả phi trường, cảng biển ở Trường Sa. Bắc Kinh đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma (Xích Qua Tiêu) cướp của Việt Nam năm 1988 thành một đảo nhân tạo khổng lồ. Trên đó có cả phi đạo cho máy bay lên xuống, cảng biển riêng cho tàu quân sự và tàu dân sự. Lại còn có cả khu vực gia cư, khu du lịch, tất cả xây dựng trên đảo nhân tạo đang được các máy hút cát dưới lòng biển làm thành dần dần.

Theo các nhà phân tích thời sự, hành động đang thực hiện của Trung Quốc là đi từ phòng vệ sang tấn công. Khi phi trường ở Xích Qua Tiêu hoàn thành, với phi trường đã có sẵn ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh sẽ có cớ thành lập “vùng nhận dạng phòng không trên biển” trùm cả Biển Đông. Đây là điều từng được nhiều nước lo ngại sẽ xảy ra khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm ngoái.

Bắc Kinh chối không lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhưng khi đã có phi trường ở cả hai đầu đông tây của Biển Đông rồi, chuyện gì cũng có thể xảy đến.

- Quảng Cáo -

Cùng với việc gấp rút xây dựng căn cứ quy mô trên đảo nhân tạo Xích Qua Tiêu, theo SCMP, Trung Quốc đang có kế hoạch biến bãi đá ngầm Fiery Cross Reef (Việt nam gọi là đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu (Yongshu Jiao) theo một kế hoạch tương tự. Bãi đá ngầm Gạc Ma (Xích Qua Tiêu) thuộc cụm đảo Sinh Tồn, trong khi đá Chữ Thập (Vĩnh Thử Tiêu) thuộc cụm Nam Yết.

Bãi đá ngầm Chữ Thập có chiều dài tính theo trục đông bắc-tây nam là 14 hải lý (gần 26 km) và chiều rộng là 4 hải lí (7.4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Trừ một tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thủy triều lên. Nếu Trung Quốc biến bãi đá ngầm này thành đảo nổi, nó có thể sẽ lớn gấp nhiều lần so với Xích Qua Tiêu (hay Gạc Ma).

Tháng trước tin tức xì ra trên báo chí Trung Quốc cho hay đảo nhân tạo tại Xích Qua Tiêu ngoài phi trường, cảng biển có thể biếp nhận các tàu lên đến 5,000 tấn.

Tại quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ năm 1988, Trung Quốc mới bắt đầu đi cướp của Việt Nam một số bãi đá ngầm gồm Đá Xu Bi  thuộc cụm Thị Tứ; Đá Chữ Thập , Đá Ga Ven thuộc cụm Nam Yết; Đá Gạc Ma,Đá Tư Nghĩa thuộc cụm Sinh Tồn; Đá Châu Viên thuộc cụm Trường Sa; và Đá Vành Khăn thuộc cụm Bình Nguyên.

 

Động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2

dongdatVào chiều Chủ Nhật 8/6/2014 một trận động đất mạnh kéo dài hơn 10 giây tại khu vực quanh nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 khiến hàng ngàn người dân trong khu vực sợ hãi. Khu vực này từng xảy ra động đất rất nhiều lần những năm gần đây kể từ khi có một số nhà máy thủy điện được xây dựng trên hệ thống thượng nguồn các công Vu Gia, Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là tại khu vực xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2 thuộc huyện Bắc Trà My.

Theo tin tức thì cơn địa chấn xảy ra lúc 14 giờ 39 phút chiều Chủ Nhật với cường độ 2.9 độ Richter, tại vị trí có tọa độ 15’362 độ vĩ Bắc – 108’107 độ kinh Đông, trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Độ sâu chấn tiêu của trận động đất rất nông, chỉ khoảng 6 km, vì vậy nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận có thể cảm nhận được dư chấn. Trong đó, ngoài khu vực Bắc Trà My, các vùng lân cận như Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn…

Khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 được mô tả là xây dựng giữa một số đới nứt gãy dẫn đến địa chấn từ khi đập thủy điện này tích nước. Trận động đất chiều Chủ Nhật là cơn địa chấn mạnh nhất từ đầu năm đến nay ở khu vực. Từ năm 2011 đến nay đã xảy ra hơn 100 trận động đất lớn nhỏ ở đây. Nhiều nhà cửa đã bị nghiêng, nứt. Một số gia đình đã bỏ nhà vào rừng che lều sống tạm.

Trước đó một ngày, vào  hồi 2 giờ 12 phút 31 giây (giờ Hà Nội) ngày 7-6-2014 cũng đã xảy ra một trận động đất có độ lớn 2,8 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 21.73 độ vĩ  Bắc- 103, 60 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km trong khu vực huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

 

Cá chết bất thường nổi trắng ở sông Nhuệ – Hà Nam

cachetNhiều ngày nay, sông Nhuệ, đoạn chảy qua địa phận thuộc xã Nhật Tựu – Kim Bảng, Hà Nam xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, bốc mùi nồng nặc khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo một số người dân sống gần khu vực bờ sông  cho biết, tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra vào ngày 5.06. Lúc đầu lượng cá chết không nhiều, người dân vẫn lấy thuyền ra vớt cá về chôn vào gốc cây, nhưng sau một đêm, cá tại khu vực này chết dày đặc, nổi trắng sông.

Nhìn thấy cá chết quá nhiều, ai cũng rùng mình nên không ai dám ra sông vớt nữa. Ông Nguyễn Văn Sơn, nhà gần trạm bơm nước cho biết, lượng cá chết vớt không xuể, trung bình một ngày vớt được khoảng 10 bao tải cá.

Cá ở trên sông chết trôi dạt vào khu vực gần trạm bơm nước và tích tụ tại đây bốc mùi không thể ngửi được, không những cuộc sống nhà ông bị ảnh hưởng mà tất cả người dân  ở khu vực xung quanh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được biết số lượng cá chết trong mấy ngày cần đây ước tính lên đến hàng tấn. Cả một đoạn sông dài trên 1km xuất hiện cá chết hàng loạt nổi trắng sông mặt sông. Khu vực cá chết nhiều  nhất là ở gần trạm bơm và xung quanh gầm cầu Nhật  Tựu.

Các loại cá bị chết như cá rô phi , cá trôi , cá diếc. Không chỉ mỗi trên  sông Nhuệ, mà  trong ao hồ của người dân, cá cũng chết nổi trắng hồ. Hiện tượng cá chết bất thường trên khu vực sông Nhuệ vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Tuy nhiên theo đánh giá của  người dân, có thể do nước sông đã bị ô nhiễm quá nặng, lại thêm thời tiết nắng nóng mấy ngày qua , khiến nhiều loại cá không chịu nổi nên chết hàng loạt.

 

Hệ thống thoát mương làm bằng bêtông cốt tre !

betong caytreTheo người dân trong khu vực tổ 25B, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất – Đồng Nai thì vào sáng ngày 6.06, một chiếc xe tải 5 tấn khi đi vào khu tái định cư cùng ấp đã làm vỡ hai tấm đan mương thoát nước được làm bằng bêtông. Trong đó có một tấm đan dày khoảng 7cm bị vỡ ở giữa một lỗ lớn, bên trong lõi bêtông thấy nhiều thanh tre đã khô, mục. Do sợ nguy hiểm cho người dân khi đi qua lại khu vực này nên một số người đã lấy cây xanh làm tín hiệu để kịp phòng tránh. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy hệ thống mương thoát nước trên dài khoảng 100m, ngoài tấm đan bị vỡ lòi thanh tre ra còn nhiều tấm đan mương thoát nước có dấu hiệu nứt nẻ.

Một cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Bàu Hàm 2 cho biết đây là công trình do nhân dân đóng góp tiền làm, Ủy ban Nhân dân xã chỉ chịu trách nhiệm kêu người đến xây dựng. Từ nhiều năm nay, chất lượng công trình xây dựng có vấn đề không chỉ là mối quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội mà còn là một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra.

Tình trạng xuống cấp nhanh quá mức của nhiều công trình xây dựng là điều mà bất kỳ ai cũng từng chứng kiến nhưng vì sao lại có tình trạng này thì đến nay, gần như câu trả lời chung chung vẫn là do khâu thiết kế, kiểm định, giám sát… mà chưa khi nào các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhìn thẳng vào sự thật là do tiêu cực, tham nhũng.

 

 

 

 

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. Càng đọc tin tức biển Đông từ tất cả các báo Việt ngữ VN và thế giới lại càng thấy đau lòng tuyệt vọng cho 90 triệu người dân Việt đang sống trong quê nhà. Bốn chục năm qua từ khi cả nước BỊ giải phóng, toàn dân VN sống trong đau khổ theo cái họa CS còn ghê gớm hơn cả họa ngoại xâm. Quan thì từ tổng bí thư, thủ tướng đến chủ tịch nước, bộ trưởng này nọ… đều chỉ là một bọn tham ô vơ vét của dân. Dân thì mắt bị bịt tai bị bóp cho điếc, mới hé ra được một chút tư tưởng nào không nằm trong tư tưởng Mác-Lênin là bị cầm tù hay giết chết ngay.
    Riêng đất nước thì đã bị đám đệ tử ruột của ông Hồ bán từ khuya cho lũ Tàu Cộng rồi, bây giờ dẫu có loay hoay thế nào cũng không làm gì được, chỉ tổ khiến cho cả thế giới chê cười(như các câu tuyện bố ngốc nghếch của cái ông họ Phùng nào đó, hay những lời lửa rơm hăng tiết vịt của cái ông Thủ tướng “dũng” mà không “dũng” đã thốt).
    Càng nghĩ càng thương cho đồng bào VN. Cái thời Trần Hưng Đạo với Hội Nghị Diên Hồng chống quân Mông, hay thời Quang Trung với trận đại phá quân Thanh đã qua xưa lắm rồi, luôn cả thời các anh hùng kháng chiến chống Tây cũng chỉ là kỷ niệm. Hiện tại hiểm họa Tàu Công từ ngoài đưa vào dẫu lớn thì cũng không lớn bằng hiểm họa CSVN từ bên trong đưa ra, kéo dài từ 40 năm qua cho đến tận ngày nay vẫn chưa hết.
    Không hy vọng gì nữa theo một lần di tản một triệu đồng bào từ Bắc vào Nam của năm 1954, lại càng không hy vọng thêm một lần đại di tản của lần 30/4/1975. Bây giờ chỉ còn chờ và đành chấp nhận đất nước sẽ là một kiểu Tây Tạng thứ hai trong bàn tay thống trị của lũ Tàu Cộng mà thôi.
    Ôi! Thật xót xa cho 90 triệu người VN trong nước và cũng xót xa cho gần hai triệu dân lưu vong hải ngoại bây giờ không còn mảnh đất quê hương để mong ngóng mà tìm về!

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here