Một nền pháp lý chỉ dựa trên bộ máy bạo lực được uỷ quyền của nhà nước (cơ quan công an) và cá nhân công dân trong cuộc đối thoại trực tiếp là không đủ, nếu không muốn nói là sai lạc. Nhất là khi các cuộc đối thoại đó lại nằm trong phòng (tạm) giam. Đặc biệt, khi nền pháp lý đó lại coi những gì công dân “khai nhận” chính là “sự thật”! Chúng ta có thể e ngại “sự thật” đó nhường nào!
Luôn cần phải có ít nhất một bên nữa đứng giữa và chứng kiến tất cả những gì diễn ra, bảo đảm cuộc “đối thoại” hay “tìm hiểu lẫn nhau” của hai bên là đúng pháp luật, phi bạo lực. Việc phủ nhận hay khai nhận của công dân nói chung ít có giá trị, mà phải dựa trên bằng chứng.
Có thể chúng ta chưa đủ chuyên môn để kết luận TS. Quý có vi phạm pháp luật hay không, nhưng chúng ta không thể nghe theo lời “thú tội” của anh ấy sau mấy ngày bị bắt giam, mà tại đó không ai biết anh ấy có bị nhục hình hay không. Người ta nói rằng đã bị bắt tạm giam như thế thì sau đó người ấy sẽ buộc phải nói bất cứ thứ gì công an muốn, nếu phía công an không còn kiên nhẫn hoặc muốn bạn nói theo một kịch bản như họ nghĩ.
Điều đáng lo ngại là khi hệ thống vẫn chấp nhận “lời nhận tội” như một “sự thật” thì quá trình này, hay quy trình này, sẽ còn tiếp diễn. Nghĩa là nó có thể xảy ra với bạn, với tôi, với người thân của chúng ta, bất cứ khi nào.
Chẳng hạn nếu một ngày nào đó tôi bị bắt tạm giam, thì các bạn có thể hiểu được là sau đó 3 ngày, 1 tuần, hoặc lâu lắm là 2 tuần, tôi sẽ khai nhận bất cứ một tội danh nào có thể, từ giết người đến hãm hiếp hay lật đổ chính quyền. Và đó có phải sự thật hay không? Nếu trong toàn bộ quá trình đó tôi không có một bên thứ ba (luật sư) ở bên cạnh và chứng kiến mọi quá trình “thay đổi” của tôi và bảo vệ khách quan các quyền lợi của tôi cũng như của bên công an khi cần thiết?
Tôi không lo ngại lắm TS. Quý có tội gì hay không và pháp luật sẽ xử lý anh thế nào, tôi chỉ lo ngại cho anh – và những trường hợp như anh – về khả năng bị đối xử quá tàn bạo trong những ngày qua.