Chu Đình thuộc thế hệ các nhà hoạt động dân chủ mới ở Hong Kong. Cô tham gia chính trị từ khi còn là một cô bé ở tuổi vị thành niên. Năm đó cô chỉ vừa 15 tuổi. Tiếng nói đấu tranh của cô ngày càng vang xa và vượt khỏi biên giới Hong Kong, gây khó chịu cho chính quyền Trung Quốc, giờ đây họ muốn dập tắt nó. Vụ bắt giữ Chu Đình đêm thứ Hai là vụ bắt giữ mới nhất trong các chuỗi dài những cuộc đối đầu giữa chính quyền Trung Quốc và những nhà đấu tranh ở Hong Kong.
Chu lớn lên trong một gia đình Công giáo không liên quan đến chính trị. Dẫu thế nhưng khi chỉ vừa 15 tuổi, cô đã quan tâm và dấn thân tham gia phong trào chống lại đề xuất đưa chương trình “giáo dục công dân yêu nước” theo ý muốn Bắc Kinh vào các trường học Hong Kong. Các học sinh ở Hong Kong khi đó sợ rằng kiểu giáo dục Đại lục sẽ bóp chết tinh thần khai phóng ở môi trường học thuật tự do Hong Kong với thâm niên hàng thế kỷ. Chu Đình và những thanh thiếu niên trẻ cùng chí hướng đã tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ để chống lại sự áp đặt giáo dục này và đã thành công. Chính quyền Hong Kong cuối cùng phải xuống thang và từ bỏ kế hoạch đưa chương trình “giáo dục yêu nước” vào giảng dạy. Cũng từ những cuộc biểu tình này, Chu đã gặp những người bạn đồng chí hướng, trong số đó có những gương mặt nổi bật khác như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và La Quán Thông (Nathan Law).
Hai năm sau, Chu cùng bạn bè mình trở thành những gương mặt nổi tiếng trong “Phong trào Dù vàng”, với 79 ngày tọa kháng để phản đối việc Bắc Kinh từ chối cho phép người Hong Kong phổ thông đầu phiếu. Đây là cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng thất bại. Dù vậy, một thế hệ trẻ mới đầy bản lĩnh chính trị ở Hong Kong đã được rèn giũa từ những thành công và thất bại đó. Lớp trẻ mới này là một cái gai đang nhú lên và bắt đầu ngày càng gây khó chịu cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Năm 2016, Chu Đình, Hoàng Chi Phong, La Quán Thông cùng những bạn bè sinh viên học sinh khác chung tay thành lập Đảng ủng hộ dân chủ với tên gọi Hương Cảng Chúng Chí (Demosistō). Hương Cảng Chúng Chí không giống như các đảng ủng hộ dân chủ trước đây ở Hong Kong, những đảng được thành lập từ sau phong trào Thiên An Môn, Demosistō bao gồm những thành phần trẻ, mười tám đôi mươi hừng hực lửa, sẵn sàng lên tiếng đối đầu trực diện với Bắc Kinh để đạt được mục tiêu tranh đấu của mình.
Tuy nhiên con đường đấu tranh không hề bằng phẳng. Năm 2018, Chu Đình là một nhân vật đầu tiên của Đảng Demosistō bị cấm ứng cử trong các cuộc bầu cử địa phương vì Đảng của cô chủ trương “quyền tự quyết cho Hong Kong”. “Chính phủ bằng mọi cách muốn loại bỏ những đảng đối lập, nhưng dù bị trù dập và đàn áp, chúng tôi vẫn cương quyết bảo vệ nhân quyền và tự do” – Chu nói với đám đông biểu tình sau phán quyết cấm cô ứng cử của chính quyền.
Chu Đình đã rất thành công trong vai trò thu hút sự chú ý của quốc tế đến các phong trào dân chủ ở Hong Kong. Nhiệm vụ này thuận lợi một phần do cô thành thạo tiếng Anh, Quảng Đông và tiếng Nhật. Theo cô cho biết, cô tự học tiếng Nhật bằng cách xem truyền hình và các chương trình trên mạng. Nhờ vốn liếng tiếng Nhật của mình, cô đã thu hút được một lượng lớn người Nhật theo dõi trên mạng xã hội của mình. Tài khoản Twitter của cô với ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Nhật có 458.000 người theo dõi.
Việc Chu bị bắt đêm 10-8 đã làm mạng xã hội Nhật Bản dậy sóng. Những người theo dõi và các tổ chức chính trị Nhật Bản đồng loạt lên tiếng phản đối việc bắt giữ Chu Đình. Vào thứ Ba 11-8, hashtag #freeagnes (thả tự do cho Chu Đình) là thẻ thịnh hành nhất mạng xã hội ở Hong Kong và Nhật Bản, được tweet 185.000 lần. Trang Facebook của Chu, sau khi đăng thông báo việc cô bị bắt vào đêm thứ Hai, đã tăng số lượng người theo dõi lên 192.000 người.
Từ sau ngày bộ Luật an ninh quốc gia mới được ban hành vào ngày 30-6-2020 với những điều luật mơ hồ, việc loại bỏ những người đối lập chính kiến ở Hong Kong ra khỏi sân khấu chính trị dòng chính như Chu giờ đây trở nên một chuyện quá bình thường. Chỉ riêng tháng Bảy, đã có 12 nhân vật chính trị tranh đấu cho dân chủ bị cấm hoạt động vì quan điểm của họ bị cho là “không thể chấp nhận được”. Những vi phạm bị chính phủ dùng để truất quyền tham gia chính trị hợp pháp bao gồm chỉ trích luật an ninh mới hoặc đăng các khẩu hiệu phản đối lên mạng xã hội.
Các nhân vật của Đảng Demosistō đều hiểu rằng họ sẽ là mục tiêu của Luật an ninh một khi nó được ban hành. Họ đã nhanh chóng giải tán đảng vài giờ trước khi Luật chính thức có hiệu lực. La Quán Thông nhanh chóng rời khỏi Hong Kong để tỵ nạn tại Anh ngay tuần đầu tiên. Chu Đình và Hoàng Chi Phong chọn con đường ở lại Hong Kong bất chấp các rủi ro đang chờ đợi. Ngay cả trong trường hợp không liên quan đến Luật an ninh, những cáo buộc vi phạm khi tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn năm 2019 cũng đủ đẩy họ vào tù. Tuy nhiên, những người tranh đấu chọn con đường ở lại với Hong Kong quan niệm, “Nếu không ai dám hy sinh cho tự do thì sớm muộn tất cả cũng sẽ bị vùi dập dưới gót giày chuyên chế”./.
#chudinh #hongkong #hoangchiphong