Cần Giờ, lá phổi xanh của Saigon, sẽ bị bóp chết bởi dự án đô thị lấn biển của Vingroup? (tựa của tác giả)
Ra đời cách đây hơn 17 năm, dự án lấn biển Cần Giờ đã vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên gia do nguy cơ tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô ban đầu là 821 ha, trong đó có 600 ha lấn biển, nhưng sau khi về tay Vinhomes, một công ty con của Vingroup, dự án đã được cấp phép phình to thành 2.817 ha…
Vingroup ước tính, họ cần 137,6 triệu mét khối cát san lấp – đủ để lấp đầy hơn 36.600 hồ bơi kích thước chuẩn Olympic – cho công việc lấn biển. Điều này gây ra lo ngại rằng một phần cát san lấp sẽ được lấy từ đáy sông ở ĐBSCL, nơi mà nạn khai thác cát bất hợp pháp, tràn lan đã gây ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, trao đổi với tờ báo The Straits Times về dự án này như sau: “Hệ thống sông Cửu Long là một, dù lấy cát bất cứ ở đâu cũng đều gây thiếu hụt cát chung cho toàn hệ thống và gây sạt lở lan tỏa trên toàn đồng bằng, kể cả bờ sông và bờ biển”.
Nạn sụt lún, bão lũ thường xuyên hơn và dữ dội hơn ở bờ biển phía Nam đất nước cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực Cần Giờ.
Cần Giờ hiện tại chỉ nằm cao hơn mực nước biển một chút. Nhưng Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hồ Long Phi, cựu Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM, dự báo trong vòng 10 đến 20 năm tới, khu vực Cần Giờ sẽ thấp hơn mực nước biển ít nhất khoảng vài cm. Ông cảnh báo rằng khi ấy, gánh nặng tài chính của việc bảo vệ vùng đất lấn biển của Vinhomes sẽ rơi vào ngân sách quốc gia chứ không phải vào nhà đầu tư dự án. Và chi phí này có thể rất lớn.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chỉ cách Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, một di sản được UNESCO công nhận, có 18 km. Khu dự trữ sinh quyển này vốn là “lá phổi xanh” bảo vệ Sài gòn, tránh bớt ô nhiễm đô thị và bão lũ, và làm giảm tốc độ sụt lún đất. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ còn góp phần tích cực trong phân hủy nước thải từ các thành phố thượng nguồn, điều hòa nước lưu vực của các cửa sông đổ ra biển; chức năng môi trường này có ý nghĩa sống còn đối với Sài Gòn và khu vực ĐBSCL.
Các chuyên gia lo sợ rằng việc xây đê để điều chỉnh lại dòng chảy của sông để lấn biển có thể làm hỏng môi trường sống vốn nhạy cảm của các loài trong rừng ngập mặn.
Ngoài ra, dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 3.400 cư dân địa phương, trong đó có những gia đình đang sinh sống hoàn toàn nhờ khai thác đánh bắt hải sản ven bờ biển.
Với 1 dự án có thể bóp chết khu dự trữ sinh quyển quý giá này, nơi cung cấp không khí sạch cho Saigon cũng như góp phần lọc sạch nước từ các đô thị đầu nguồn thải ra, vậy mà bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này lại được thực hiện bởi chính Vingroup, chứ không phải do 1 đơn vị độc lập thực hiện theo thông lệ chung quốc tế. Và không hiểu sao 1 bản báo cáo đánh giá tác động môi trường bị nhiều nhà khoa học phản đối và chỉ trích là sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ tác động của dự án, lại được Bộ Tài Nguyên Môi Trường phê duyệt vào tháng 1-2019 vừa rồi, mở đường cho việc lấn biển chia lô bán đất nền.
Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh, đây là một Quyết định phê duyệt vội vàng, không thỏa đáng và còn nhiều vấn đề mập mờ, khi những vấn đề rất lớn về môi trường vẫn chưa giải quyết được thì lại được biến thành “điều kiện kèm theo”, kiểu “cần tiếp tục nghiên cứu”. Những điều kiện kèm theo trong Quyết định này cũng cho thấy việc thành lập Hội đồng khoa học thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường là vô nghĩa. Bởi ý nghĩa của việc thành lập Hội đồng là để xem xét Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được đánh giá đầy đủ chưa, đồng thời đánh giá dự án này có thể triển khai được hay không.
Cần phải lên tiếng để chặn đứng dự án này lại, trước khi được thủ tướng phê duyệt. Việc quan trọng nhất hiện tại chính là cộng đồng các nhà khoa học-giới quy hoạch và người dân Saigon cần yêu cầu UBND TPHCM tiến hành 1 đánh giá tác động môi trường độc lập với Vingroup.
Không thể im lặng và cúi đầu trước những dự án được phê duyệt trong “bóng tối” như thế này mãi. Cần phải biết đứng thẳng lưng lên để bảo vệ lá phổi xanh cực kỳ trọng yếu của Saigon!