Cụ Lã Thị Tòng, sinh năm 1934 (80 tuổi ta) nguyên quán tại Hùng Lô, Phú Thọ thường được những người dân phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội gọi cụ là “bà Còng.” Từ hơn 4 năm nay, người ta đã thấy cụ trú trong một “túp lều” tạm bợ, rách nát trong một ngõ nhỏ, ven đường E5 của phường Thanh Xuân Bắc.
Theo lời kể của cụ Tòng thì trước kia cụ đã tin theo lời của cô con gái và con rể của mình, bán hết đất ở quê và cùng các con lên thành phố để tìm kế sinh nhai dù “cụ cũng chẳng muốn, cũng chỉ để cho con cháu của mình đỡ phải oán thán về sau thôi…”
Sau đó, họ đã có nhà riêng, rồi làm ăn thua lỗ nên phải bán nhà, thuê một cửa hàng làm may… rồi cô con gái duy nhất này của cụ đã bị vỡ nợ vì lô đề, trốn biệt tăm, không liên lạc gì với người mẹ già kể từ ngày đó.
Thương cảm, anh Mạnh làm nghề thợ điện sống tại E6 đã cho cụ ở nhờ. Nhưng một năm sau, anh lập gia đình nên cụ đã bỏ ra ngoài, hết chỗ này đến chỗ khác, tha phương cầu thực, rồi cụ dựng một túp lều nhỏ sống tạm, bán chén nước chè mưu sinh.
Vì thương cụ nên nhiều người có đến uống nước ủng hộ, cho cụ tắm giặt nhờ. Bà Vũ Thị Hồng là hàng xóm cho hay, năm 2012 bên công an phường có mời cụ vào viện dưỡng lão để ở nhưng mỗi tháng phải đóng 400 nghìn, vì không có tiền, mà không có ai đứng ra giúp đỡ… thì đi thế nào được? Mỗi tháng, cụ Tòng còn phải trả 1 trăm 70 nghìn tiền điện, 50 nghìn tiền nước cho một người hàng xóm vì phải dùng nhờ. Cụ kê 2 cái bàn nhựa làm giường ngủ, sau một trận mưa rào, nước sẽ ngập lênh láng bên trong, vật dụng, quần áo… nếu không để trên cao thì sẽ bị ướt hết.
Một mình tuổi già với các bệnh về xương khớp như đau lưng, đau chân, nhức mỏi vai… sức khỏe ngày càng yếu dần, lại cộng thêm cái sự “thấp thỏm” khi cụ thường hay nghĩ tới những mối nguy hiểm xung quanh, như những tên say rượu đến quậy phá lúc nửa đêm, túp lều của cụ rồi đây sẽ bị phá…
Mẹ già như chuối chín cây, sẽ chẳng có tội ác nào lớn hơn tội bất hiểu, mong người con gái ngoài 50 tuổi của cụ đọc được và hiểu ra đạo lý này.
Cũng rất mong nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm, với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, để xã hội ta được bớt đi những mảnh đời bất hạnh, cho những người già như cụ Còng được sống “bình an” trong những năm tháng cuối đời, trong 1 xã hội được cho là ấm no, bình đẳng, và biết thương người như cái xã hội của ta ?